CSGT TP.HCM kêu gọi cán bộ không uống rượu, bia khi lái xe

Thứ Bảy, 29/10/2016 15:56  | Tiến Mạnh

|

(CAO) Trong 9 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn TP có 140 người chết do tự té, ngã có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Trong những năm qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng có những diễn biến phức tạp và được tất cả ban ngành đoàn thể quan tâm.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo CSGT TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ xử lý tập trung vào các đối tượng và nguyên nhân chính dẫn đến TNGT.

Tình trạng người dân điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia vẫn còn phổ biến

Theo trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng Phòng CSGT đường sắt, đường bộ (PC67) Công an TP.HCM, nổi cộm nhất của thực trạng TNGT là người điều khiển phương tiện tự té, tự gây tai nạn.

“Trong 9 tháng đầu năm 2016, có 140 người chết do tự té, tự gây tai nạn, chiếm ¼ trong tổng số người tử vong trên địa bàn TP. Qua phân tích, các vụ tự té này có liên quan đến người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia”, trung tá Phong lo lắng.

“Việc xử lý người tham gia giao thông có nồng độ cồn rất khó khăn và tốn nhiều thời gian do người vi phạm không kiểm soát được hành vi. Có trường hợp tìm cách né tránh, không hợp tác và cũng có người vi phạm chống đối, đe dọa, thách thức lực lượng làm nhiệm vụ”, một cán bộ cho biết.

Tăng cường đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện
 

Theo Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2016, đơn vị này đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho 15.363 bệnh nhân bị TNGT, trong đó có 135 ca là do say rượu.

Theo Nghị định 46, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 10mg/100ml máu hoặc 0,4mg/1 lít khí thở sẽ bị xử phạt tối đa 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng. Trong khi đó mức phạt quy định tại Nghị định 171 cao nhất là 15 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.

Đối với người điều khiển xe gắn máy, mức phạt cao nhất khi vi phạm nồng độ cồn như trên là 4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 3-5 tháng. Trước đây, mức phạt cho lỗi này là 2-3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.

“Việt Nam là nước tiêu thụ bia đứng số 1 ở Đông Nam Á và thứ 3 ở Châu Á. Người uống rượu bia bị hạn chế về tầm nhìn, thời gian phản ứng sẽ chậm đi khi điều khiển các loại phương tiện giao thông và rất dễn dẫn đến tai nạn. Vấn đề người tham gia giao thông uống rượu bia gây TNGT ở TP.HCM là một thực trạng đáng lo ngại hiện nay”, một bác sĩ nhận định.

Trung tá Phong cho biết, kiểm tra, xử lý những người điều khiển phương tiện khi uống rượu bia là sẽ kế hoạch trọng tâm trong năm 2016, đặc biệt là vào những tháng cuối năm.

Vị này kêu gọi toàn thể người dân chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, đặc biệt là không sử dụng rượu bia khi lái xe để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của bản thân cũng như những người khác.

Một trường hợp bị CSGT lập biên bản do vượt quá nồng độ cồn cho phép

“Với quyết tâm chính trị cao, Phòng PC67 cam kết sẽ nỗ lực hết mình xử lý đúng người, đúng lỗi, đúng hành vi vi phạm để kéo giảm TNGT. Thông qua công tác tuyên truyền, xử phạt, chúng tôi kêu gọi người dân TP, đặc biệt là cán bộ công chức, viên chức, học sinh sinh viên… hãy là người tiên phong, gương mẫu chấp hành tốt luật giao thông. Uống rượu bia thì không lái xe và đã lái xe thì không nên uống rượu bia”, trung tá Phong khuyến cáo.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn TP xảy ra 2.919 vụ tai nạn giao thông làm chết 607 người và bị thương 2.377 người. So với cùng kỳ năm 2015, tăng 238 vụ, tăng 81 người chết và tăng 34 người bị thương.

Tính riêng trong tháng 9-2016, có 9/24 quận, huyện giảm được số người chết vì TNGT; 11/24 quận, huyện tăng số người chết vì TNGT.

CSGT TP.HCM kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn
 

Ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM nhận định: “Tỉ lệ TNGT liên quan đến rượu bia chiếm từ 60 đến 70%. Đây là nguyên nhân chính làm cho tình hình tai nạn trên địa bàn TP tăng trong thời gian qua. Hành vi này là vô cùng nguy hiểm, cần phải loại trừ”.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2016, Thanh tra Sở GTVT TP đã phát hiện và xử phạt 16.079 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường thủy nội địa với tổng số tiền gần 51 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang