Về Phú Văn thăm làng nghề guốc mộc trăm năm tuổi

Thứ Bảy, 16/09/2017 15:13

|

(CAO) Trải qua bao thăng trầm biến động của thời cuộc, nghề guốc mộc ở Phú Văn (phường Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) không chỉ sinh kế mà còn là một nét văn hóa độc đáo riêng của địa phương.

Ngày nay, các sản phẩm giày dép với chất lượng và mẫu mã đa dạng đã làm thị trường guốc mộc bị thu hẹp đáng kể. Dù vậy, những hộ làm guốc mộc ở Phú Văn vẫn đang tiếp tục tìm cách cải tiến mẫu mã để thích ứng với thị trường và gìn giữ một nghề truyền thống của địa phương.

Theo lời kể của các bậc cao niên ở đây, làng nghề guốc mộc Phú Văn ở phường Phú Thọ đã có từ hơn 100 năm và đây là nghề cha truyền con nối lưu giữ trong từng gia đình.

Vào vài mươi năm về trước, phường Phú Thọ,TP Thủ Dầu Một, Bình Dương được xem là kinh đô nghề guốc mộc Bình Dương. Vì nơi đây không chỉ là nơi cung ứng guốc cho các tỉnh miền Nam, mà cho cả nước và xuất khẩu cho các nước châu Âu.

Tuy nhiên, ngày nay với sự ra đời của các loại giày dép với chất lượng và mẫu mã đa dạng đã làm thị trường guốc mộc bị thu hẹp đáng kể. Chính vì vậy, khi quay trở lại làng nghề guốc mộc thì chỉ còn chưa đến 10 gia đình theo nghề. Bấy nhiêu năm họ bám trụ với nghề, không hẳn vì cuộc sống mưu sinh mà con là cái tâm của những người con cháu, muốn giữ lửa cho nghề của các thế hệ cha, ông truyền lại.

Ở Phú Văn (phường Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) có hẳn một con đường mang tên “Xóm Guốc”.
Xóm guốc xưa, giờ chỉ còn gần 10 gia đình giữ được nghề. Ngày trước, hầu như cả xóm làm nghề guốc, đi đâu cũng nghe tiếng đục đẽo, cưa xẻ gỗ do ngày đó guốc được làm bằng tay, chứ không được gia công bằng máy như bây giờ.  
Vào những thập niên 70 của thế kỷ XX, xóm làng guốc Phú Thọ làm ăn rất hưng thịnh, sản phẩm guốc mộc còn được xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á và cả một số nước châu Âu”.
Theo thời gian, kỹ thuật làm guốc ngày càng được cải thiện, thay vì làm cưa tay, các cơ sở đã trang bị được nhiều thiết bị máy móc giúp tăng năng suất lao động. “Nếu làm tay thì mỗi ngày chỉ được mấy chục đôi thôi. Giờ làm máy, mỗi ngày làm có hơn mấy nghìn đôi lận”, anh Ngô Xuân Hữu (thợ làm guốc) chia sẻ.:
Đến xóm guốc ở phường Phú Thọ bây giờ, hỏi thăm về nghề truyền thống, đa phần người làng nghề chỉ đến cơ sở làm guốc Sáu Dẻo. Trong ảnh: Người thợ đang cắt gỗ tạo hình thô cho sản phẩm.
Để làm được một đôi guốc mộc phải mất rất nhiều công đoạn. Từ cây gỗ, người thợ cưa khúc, cho vào máy xẻ, tiếp đến là công đoạn vẽ lên từng thớ gỗ, sau đó sẽ cho gỗ vào mài thô. Sau khi mài thô, hình dạng của chiếc guốc được định hình, người thợ lại tiếp tục mài bóng, mài nhẵn.  
Nghề guốc mộc ở địa phương chủ yếu theo mô hình hộ gia đình.
Gỗ sau khi cắt tạo hình sẽ được mang đi phơi.
Công đoạn tạo hình ban đầu để biến những khúc gỗ thô dần dần mang hình dáng chiếc guốc được người thợ thực hiện tỉ mỉ.
Đo vẽ để tạo hình cho từng mảnh gỗ.
Gỗ nguyên liệu giá khoảng 600.000 đồng/cây (chiều dài 1m), mỗi cây làm được 70-80 đôi guốc, giá 5.000-20.000 đồng/đôi tùy theo công sức của người thợ làm guốc. 
Làm nghề guốc quan trọng là phải khéo tay và có con mắt tinh tế, phải tỉ mỉ từng công đoạn vì chỉ sai sót một tí là có thể làm hư luôn guốc. Nghề làm guốc ở đây chủ yếu là cưa theo dạng thô, tạo dáng guốc theo kiểu đơn giản. Còn công việc bẻ guốc, đóng quai thường do các nơi khác thực hiện.
Trong những năm gần đây, khi giày dép thời trang hàng hiệu bắt mắt đang tràn ngập trên thị trường. Trước những thách thức đó, đôi guốc mộc Bình Dương tưởng chừng như đã bị đánh đổ, thế nhưng, trải qua bao thăng trầm, guốc Bình Dương vẫn sống, vẫn tồn tại vì vẫn còn bộ phận khách hàng riêng.
Guốc Phú Văn vẫn đứng vững trên thị trường là do sự nhạy bén, óc sáng tạo và sự năng động của những người thợ thủ công. Sự cần mẫn, khéo léo kết hợp với nghề làm guốc và kỹ thuật sơn mài truyền thống của địa phương đã tạo ra những sản phẩm mới, vừa mang vẻ đẹp truyền thống, vừa có dáng vóc của xu thế thời trang hiện đại.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang