Mặt bằng ở Sài Gòn sang với giá... 0 đồng

Thứ Hai, 23/03/2020 17:47

|

(CATP) Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu mua sắm, ẩm thực xuống thấp, làm nhiều quán xá, cửa hàng, quầy sạp… chịu không xiết, phải "tháo chạy" bằng cách tìm mối sang lại hoặc đóng cửa, trả mặt bằng. Tại TPHCM, không ít điểm kinh doanh, mua bán đang "mắc kẹt", bởi tiếp tục hoạt động thì bù lỗ không nổi, mà tìm người sang mặt bằng lúc này lại chẳng dễ chút nào.

"CHẾT" VÌ Ế ẨM

Đang tranh thủ gom vài vật dụng cá nhân trước khi đóng cửa, trả mặt bằng kinh doanh, chị Nguyên Hương (chủ một quán nhậu trên Đường 79, P.Tân Quy, Q7) tần ngần cho biết: Chị mở quán này đã gần 2 năm. Theo tính toán ban đầu, quán sẽ cho lợi nhuận đều trong cả thời gian dài. Thế nhưng từ cuối năm 2019 đến nay, bà chủ phải méo mặt vì doanh thu liên tục sụt giảm, lợi nhuận chỉ đủ trả công nhân viên, thuê mặt bằng, còn các chi phí khác phải lấy từ nguồn tích cóp của gia đình ra thanh toán.

Nhiều mặt san sát nhau trên cùng dãy phố đồng loạt treo biển sang quán, cho thuê nhà

"Trước Tết Nguyên đán vừa qua thì vướng nghị định cấm lái xe khi đã uống rượu, bia; sau tết thì trúng đại dịch Covid-19 nên quán luôn trong tình trạng ế ẩm. Chỉ mong có người chịu sang hợp đồng thuê nhà để mình lấy lại 4 tháng tiền đặc cọc. Còn đồ đạc trong quán bán rẻ được đồng nào hay đồng nấy, chứ không dám ra giá sang nhượng. Vậy mà chờ hoài chẳng thấy ai hỏi thăm nên đành chấp nhận nghỉ bán, trả mặt bằng..." - Chị Hương ngậm ngùi.

Nhiều mặt san sát nhau trên cùng dãy phố đồng loạt treo biển sang quán, cho thuê nhà

Tại nhiều tuyến phố thương mại ở trung tâm thành phố, tình trạng các điểm kinh doanh tương tự trường hợp chị Hương trong mùa dịch Covid-19 rất nhiều. Các tòa nhà thương mại cũng ế ẩm không kém. Hơn 1 giờ trưa, chị Thu Hồng mới cùng chồng thong thả mở gian hàng kinh doanh thời trang ở Trung tâm thương mại Diamond Plaza (Q1) ra bán. "Vẫn phải đến để mở cửa thôi, nhưng bán được gì thì không hy vọng lắm" - Chồng chị Hồng chán nản.

Nhiều mặt san sát nhau trên cùng dãy phố đồng loạt treo biển sang quán, cho thuê nhà

Chồng chị Hồng cho biết, kinh doanh ở trung tâm thương mại trên vào buổi trưa là thời điểm đông khách nhất, do nhân viên văn phòng nghỉ trưa, tranh thủ thời gian đi dạo, mua sắm. Thế nhưng thời điểm này, gian hàng của vợ chồng anh mỗi ngày chỉ đón vài chục lượt khách, mà chủ yếu xem hàng là chính. "Ai nấy đều bịt kín mít khẩu trang. Mình vồn vã mời chào, có khi họ bỏ đi luôn, chứ đừng nói thuyết phục vào thử đồ. Chín, mười người đến, may ra mới bán được một món đồ. Chẳng ăn thua gì!" - Anh lắc đầu, nói.

Dạo một vòng trung tâm thương mại trên, có thể nhận thấy nhiều gian hàng đều trong tình trạng vắng khách. Chủ một gian hàng cho hay, suốt 3 tháng nay, gần như tháng nào cũng chỉ thấy lỗ và lỗ, hàng để cả đống trong sạp, khiến ông vô cùng sốt ruột. Chấp nhận "buông", người chủ này đang tìm cách xoay xở nhằm sang lại gian hàng để gỡ gạc tiền vốn. "Tìm người cả tháng nay rồi mà chưa có mối nào cả! Giữa tâm dịch này, nghe đến tòa nhà tập trung đông người là không ai muốn vào buôn bán..." - Ông ngao ngán.

Buôn bán ế ẩm, nhưng muốn sang lại mặt bằng cũng rất khó

NHAN NHẢN BIỂN SANG QUÁN, CHO THUÊ MẶT BẰNG

Gặp hoàn cảnh éo le không kém, chị Hoàng Thu (chủ shop thời trang trẻ em trên đường Nguyễn Trãi, Q1) đang treo biển sang lại shop với giá... 0 đồng! Chị cho biết, lúc trước chị thuê căn nhà này giá 60 triệu đồng/ tháng, hợp đồng 4 năm, đặt cọc 4 tháng. Chị đã đầu tư số vốn lớn để thiết kế, dựng shop và chuẩn bị nguồn hàng. "Giờ đang trong giai đoạn hợp đồng, tôi chỉ mong có người sang lại để thu về tiền thế chân đặt cọc. Mọi vật dụng khác tôi tặng không, hàng tồn chấp nhận bán đổ đống cho chủ mới" - Chị Thu nói.

Buôn bán ế ẩm, nhưng muốn sang lại mặt bằng cũng rất khó.

Tình trạng treo biển cho thuê mặt bằng, sang nhượng điểm kinh doanh, buôn bán đang xuất hiện nhan nhản trên nhiều tuyến đường. Chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Thanh Bình (chủ căn nhà cho thuê trên đường Ngô Đức Kế, Q1), ông cho biết, người thuê vừa trả lại sau thời gian không tìm được mối sang quán. Nằm gần phố đi bộ Nguyễn Huệ, căn nhà ông từng xảy ra tình trạng... tranh thuê, vì rất lý tưởng cho việc kinh doanh đồ ăn, thức uống theo phong cách Tây.

"Giá cho thuê 100 triệu/tháng là rất cao, nhưng chủ kinh doanh trước vẫn "ăn nên làm ra". Giờ tình hình như vậy, họ kham không nổi nên trả lại. Tôi đã thương thảo chấp nhận giảm 50% giá thuê cho đến hết đại dịch, nhưng họ vẫn quyết "buông", không mặn mà nữa" - Ông Bình chân thành nói. Xung quanh căn nhà của ông trên tuyến đường này cũng đang có nhiều điểm kinh doanh đóng cửa. Các trung tâm môi giới đến dán bảng chồng lên nhau bên ngoài, có nơi bảng hiệu, đèn chiếu... bị tháo gỡ trơ tróc, nham nhở như vừa trải qua một trận bão quật.

Nhiều điểm kinh doanh tại TPHCM đóng cửa trong mùa dịch Covid-19

Dọc các tuyến đường vốn kinh doanh sầm uất bậc nhất TPHCM, như: Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Lê Thánh Tôn (Q1)..., vào thời điểm này đang có hàng chục vị trí mặt bằng cho thuê "nằm đắp chiếu" chờ chủ mới. Một chủ nhà cho thuê trên đường Lê Thánh Tôn (đoạn gần ngã tư Trương Định) chia sẻ, hiện người thuê cũ đã nghỉ kinh doanh, còn nợ 2 tháng tiền thuê nhà chưa trả. "Họ bỏ đi, với một số đồ đạc còn ngổn ngang trong đó" - Chủ nhà cho hay.

Cầm nhiều bản hợp đồng cho thuê trên tay, đại diện một tòa nhà thương mại ở Q.Phú Nhuận cho biết, đang rà soát để tiến tới giảm giá thuê mặt bằng cho các tiểu thương đăng ký tại đây. Theo tính toán, chủ tòa nhà sẽ giảm từ 10 - 70% giá thuê gian hàng để hỗ trợ người kinh doanh. "Trong lúc khó khăn, cần phải chia sẻ cho nhau để cùng vượt qua. Gian hàng nào thiệt hại lớn thì được giảm nhiều hơn. Sau đó, tùy theo tình hình thực tế để tính toán mức độ hỗ trợ tiếp theo" - Vị đại diện khẳng định. Ông cho biết, hai tuần nay có người chủ động treo bảng thông báo sang shop, nhiều người khác cũng xin được giảm giá thuê mặt bằng. Nếu chủ tòa nhà không áp dụng giải pháp chia sẻ trong lúc này thì có nước đóng cửa, vì tiểu thương sẽ bỏ kinh doanh hàng loạt.

Tương tự, một đơn vị kinh doanh chuỗi cà phê với hàng chục quán tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố khẳng định, vừa phải quyết định ngừng hoạt động 7 điểm ở khu vực trung tâm. Lý do được đơn vị này đưa ra là kinh doanh vắng khách, cạnh đó giá thuê mặt bằng lại quá cao, mà không đạt được thương lượng giảm giá với chủ cho thuê nên đành rút lui. "Chi phí đầu tư và mặt bằng gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Dịch bệnh lây lan, nhiều người bỏ thói quen đến quán cà phê. Khách hàng ít dẫn đến lợi nhuận thấp, mà chi phí mặt bằng vẫn giữ ở mức cao như cũ thì buộc lòng chúng tôi phải đóng cửa để cắt lỗ" - Người điều hành chuỗi kinh doanh này cho biết.

Theo ông Đặng Viết Trung (giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp bất động sản cho thuê, đơn vị chủ quản của website chuyên về sang mặt bằng ở TPHCM), việc sang quán có rất nhiều lý do, nhưng phần lớn đều do làm ăn không hiệu quả, trong khi chi phí lại quá cao, khiến người kinh doanh không thể trụ nổi. Sang quán trong trường hợp này thì giá trị khi sang lại phải thấp hơn 50% giá đầu tư. Thậm chí có nhiều chủ còn phải chấp nhận... cho không, để nhanh chóng chuyển nhượng được hợp đồng thuê, lấy lại tiền cọc.

Ông Trung cho hay, từ đầu năm đến nay, lượng khách đăng tin sang quán trên website của công ty ông gần bằng số lượng cả năm 2019. Tính trung bình mỗi ngày có khoảng 100 quán, shop, cửa hàng... có nhu cầu sang nhượng lại. Trong đó, quán nhậu, cửa hàng thời trang, quán cà phê chiếm tỉ lệ gần 90%. Theo ông Trung, sức mua yếu cộng với môi trường kinh doanh thay đổi khi nhiều người chọn hình thức mua sắm online cho phù hợp với phòng, chống dịch bệnh Covid-19 dẫn đến tình trạng phá sản, sang quán tăng cao.

Bình luận (0)

Lên đầu trang