Viết tiếp bài "Cư dân tòa nhà Victory Tower kêu cứu vì liên tục bị cắt điện, nước":

Chính quyền địa phương từng yêu cầu Công ty Sao Kim không được cắt điện, nước

Thứ Năm, 04/04/2024 20:46

|

(CAO) Trước đó UBND Quận 7 đã có công văn yêu cầu VCG và Công ty Sao Kim trong thời gian giải quyết tranh chấp tại tòa án phải đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện, nước… Thế nhưng, sau đó việc cắt điện, nước vẫn diễn ra.

Ngày 9/3/2024, Chuyên đề Công an TPHCM có bài viết “Cư dân tòa nhà Victory Tower kêu cứu vì liên tục bị cắt… điện, nước!” phản ánh việc tranh chấp hợp đồng (HĐ) giữa chủ đầu tư là Công ty CP Victory Capital (VCG) và đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà này là Công ty CP Đầu tư dịch vụ Sao Kim (Công ty Sao Kim) khiến nhiều người dân, khách hàng sinh sống, làm việc tại tòa nhà này ảnh hưởng nghiêm trọng do bị cắt điện, nước.

Sau khi báo phản ánh, Chuyên đề Công an TP.HCM nhận được công văn số 232/2024/CVSK-VCG do bà Vũ Ngọc Hương - Tổng giám đốc Công ty Sao Kim ký, phản hồi một số nội dung liên quan.

Đại diện đơn vị quản lý vận hành (Công ty Sao Kim) cho biết, vào ngày 20-2-2017, ông Bùi Minh Chính đại diện pháp luật của Petroland (nay là VCG) ký HĐ dịch vụ số 03/2017/CCDVQLVH-SK (gọi tắt HĐ 03) về quản lý vận hành tòa nhà với Công ty Sao Kim. Theo đó, VCG thuê Sao Kim thực hiện công tác quản lý vận hành tòa nhà Victory Tower trong thời hạn 6 năm (72 tháng), tức từ ngày 20-2-2017 đến ngày 19-2-2023.

Tòa nhà Victory Tower đang xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và đơn vị quản lý, vận hành

Công văn của Sao Kim cho rằng dù HĐ03 quy định thời hạn là 72 tháng nhưng khoản 13.3 Điều 13 quy định: “Để đảm bảo sự hoạt động ổn định và an toàn của tòa nhà, nếu có xảy ra tranh chấp hợp đồng này thì trong suốt thời gian cơ quan tố tụng giải quyết việc tranh chấp, hợp đồng này vẫn được thực hiện cho đến khi có phán quyết cuối cùng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”. Trong quá trình thực hiện HĐ03, giữa hai công ty phát sinh công nợ tại các phần diện tích VCG sở hữu hoặc hợp tác kinh doanh hoặc khuyến mãi cho khách hàng…

Đồng thời, bản án sơ thẩm số 119/2023/KDTM-ST ngày 25/9/2023 của TAND Quận 7 cũng tuyên chấp nhận yêu cầu của Công ty Sao Kim về việc yêu cầu tiếp tục thực hiện HĐ03 theo Điều 13.3 nói trên. “Do đó Công ty Sao Kim tiếp tục thực hiện công tác quản lý vận hành tòa nhà Victory Tower là hợp pháp và có căn cứ pháp luật”, công văn phản hồi nêu.

Liên quan đến vấn đề cắt điện, nước của người dân, công văn trên cho rằng việc này là do khách hàng đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Căn cứ HĐ03 thì Công ty Sao Kim được phép “cắt HĐ dịch vụ, ngưng cung cấp dịch vụ đối với khách hàng sử dụng dịch vụ khi vi phạm HĐ”.

Tuy nhiên, những người dân bị cắt điện, nước cho biết họ không ký bất kỳ HĐ dịch vụ hay thỏa thuận sử dụng dịch vụ nào với Công ty Sao Kim và không nợ phí dịch vụ vì đã thực hiện đúng theo HĐ ký kết trực tiếp với chủ đầu tư VCG. Những HĐ này được ký từ trước khi VCG thuê Công ty Sao Kim làm quản lý vận hành tòa nhà Victory Tower. Do vậy, nếu có tranh chấp xảy ra thì đó là việc nội bộ giữa Công ty Sao Kim và VCG, không liên quan đến các cư dân và khách hàng.

Công văn của UBND Quận 7

Công văn phản hồi cũng ghi: “Công ty Sao Kim luôn báo cáo kịp thời các sự việc liên quan đến mọi hoạt động quản lý vận hành cho cơ quan chính quyền địa phương nhằm thỉnh thị ý kiến chỉ đạo đúng đắn kịp thời để công tác quản lý vận hành trong tòa nhà được an toàn, xuyên suốt và ổn định”.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, ngày 7/11/2023, Phó Chủ tịch UBND Quận 7 Lê Văn Thành đã có công văn số 6363/UBND-QLĐT gửi chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành tòa nhà Victory Tower, khẳng định việc tranh chấp giữa VCG và Công ty Sao Kim đã làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu, người sử dụng, làm việc tại tòa nhà Victory Tower cũng như môi trường đầu tư tốt của địa bàn. Do đó, UBND Quận 7 yêu cầu VCG và Công ty Sao Kim trong thời gian giải quyết tranh chấp tại tòa án phải đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện, nước… Thế nhưng, sau đó việc cắt điện, nước vẫn diễn ra khiến người dân rất bức xúc.

“Mong cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm các tranh chấp giữa chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành tòa nhà Victory Tower để người dân chúng tôi không còn phải chịu cảnh bị liên lụy, khổ sở vì tranh chấp dai dẳng”, một người dân tại tòa nhà Victort Tower nói.

Nhận xét về vụ tranh chấp trên, luật sư Hồ Minh Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng HĐ03 đã ghi rõ thời hạn thực hiện là 72 tháng, tức từ ngày 20/2/2017 đến 19/2/2023. Điều 84 Luật Thương mại 2005 quy định HĐ dịch vụ hết thời hạn chỉ được tiếp tục thực hiện khi cả khách hàng và bên cung ứng dịch vụ không phản đối. Nếu một trong hai bên phản đối thì việc gia hạn HĐ không thể tiến hành được.

Theo Luật sư Hồ Minh Thanh, khoản 4, Điều 404 Bộ Luật dân sự 2015 quy định: “Các điều khoản trong HĐ phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung HĐ”. Do đó, khoản 13.3 Điều 13 của HĐ03 phải được đặt trong tổng thể các điều khoản của HĐ03 để thấy rõ ý chí của các bên khi thực hiện giao kết.

Theo đó, Điều 6 của HĐ03 quy định về thời hạn của HĐ là 72 tháng, tức từ 20/2/2017 đến 19/2/2023. 6 tháng trước khi hết hạn HĐ, các bên sẽ cùng thảo luận và xem xét việc tiếp tục gia hạn HĐ và thống nhất bằng văn bản để làm cơ sở các bên thực hiện. Điểm a, khoản 9.4 Điều 9 của HĐ03 quy định HĐ chấm dứt hiệu lực khi xảy ra một trong các trường hợp sau: “Khi hết thời hạn HĐ mà không có thỏa thuận gia hạn được các bên ký kết”.

Vì vậy, theo luật sư Hồ Minh Thanh, nếu hiểu khoản 13.3 Điều 13 của HĐ03 vẫn còn hiệu lực sau khi thời hạn thực hiện HĐ đã hết, tức HĐ03 sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật sẽ không phù hợp vì mâu thuẫn với quy định tại Điều 6 và Điều 9 của HĐ03. Đồng thời, việc gia hạn này cũng không phù hợp với quy định tại Điều 84 Luật Thương mại 2005 và Điều 521 Bộ Luật Dân sự 2015.

“Phải hiểu bản chất của HĐ03 nêu trên là HĐ không hủy ngang. Tức là trong thời hạn thực hiện HĐ từ 20/2/2017 đến 19/2/2023, cả VCG và Sao Kim không được chấm dứt thực hiện HĐ giữa chừng.

Trường hợp HĐ03 bị chấm dứt giữa chừng thì khoản 13.3 Điều 13 của HĐ03 này sẽ được kích hoạt để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong thời gian chờ phán quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng khi HĐ03 đã hết hạn thì điều khoản trên cũng không còn hiệu lực pháp luật”, Luật sư Hồ Minh Thanh nhận định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang