Kỷ niệm 206 năm Ngày sinh Các Mác (05/5/1818 - 05/5/2024):

Các Mác - Người thầy vĩ đại, vị lãnh tụ Cách mạng thiên tài

Thứ Hai, 06/05/2024 06:51

|

(CATP) Ngày 05/5/2024, cùng với nhân loại tiến bộ, hàng chục triệu đảng viên Cộng sản trên khắp năm châu đón mừng 206 năm Ngày sinh Các Mác - Người thầy vĩ đại, vị lãnh tụ Cách mạng thiên tài. Trong 176 năm qua, từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, tên tuổi và học thuyết Mác biến thành niềm tin và khát vọng của hàng trăm triệu người trên trái đất.

Cách đây 56 năm, trên báo Nhân Dân số ra ngày 05/5/1968, Bác Hồ đã viết: "Các Mác là ông thầy chủ nghĩa cộng sản của chúng ta..., là người thầy học thuyết cộng sản... Chủ nghĩa Mác rất cao, rất rộng, những người cách mạng phải học tập chủ nghĩa Mác. Có thể nói là chủ nghĩa Mác dạy chúng ta phải tuyệt đối trung thành với Đảng, phải hết lòng hết sức phục vụ giai cấp công nhân. Mác đã dạy chúng ta "Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!". Lênin - người học trò thiên tài của Mác - bổ sung thêm: "Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!". Hai câu khẩu hiệu đó là những ngọn cờ vĩ đại dẫn đường giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đến thắng lợi hoàn toàn".

Lịch sử xác minh rằng đã có nhiều học thuyết gây ảnh hưởng lớn đến tiến bộ xã hội, song không có một học thuyết nào tác động mạnh mẽ đến nhân loại như chủ nghĩa Mác. Ở nước ta cho thấy rõ, từ lúc thực dân Pháp đưa quân vào xâm lược Việt Nam lần thứ nhất đến trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong hai phần ba thế kỷ, nhân dân ta không ngừng cầm vũ khí chống lại quân xâm lược. Nhiều nhà ái quốc đã từng nằm gai nếm mật và vượt biển rộng núi cao để đi tìm đường giải phóng dân tộc, nhưng tất cả các phong trào chống Pháp đã bị dìm trong máu lửa và tất cả các con đường cứu nước đều bị bế tắc. Chí sĩ Phan Bội Châu đã phải thốt lên những lời cay đắng: "Trăm lần thất bại mà không một lần thành công".

Với lòng yêu nước thương dân tha thiết, trải qua mười năm bôn ba đi khắp năm châu, dày công xem xét, khảo nghiệm, nghiên cứu lý luận và tìm hiểu thực tiễn một cách công phu, Bác Hồ - người Mác-xít Việt Nam đầu tiên đã tìm được con đường giải phóng đúng đắn cho dân tộc dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác.

Ảnh chân dung Các Mác chụp bởi John Mayall, năm 1875

Việc mở đường cho chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam và sự xuất hiện của Đảng Cộng sản Việt Nam trên vũ đài chính trị - là một bước ngoặt lịch sử vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta.

Từ một nước không rộng lắm, người không đông lắm, từ một xã hội phong kiến trì trệ lâu đời tiếp đến lại bị bọn thực dân phương Tây xâm lược và đô hộ hàng thế kỷ, ngay cả cái tên Việt Nam cũng bị xóa nhòa trên bản đồ thế giới, thế mà nhờ được vũ trang bằng vũ khí tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân vùng dậy liên tục thực hiện những quá trình cách mạng vĩ đại. Cách mạng tháng Tám; kháng chiến chống thực dân Pháp; cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; xây dựng chủ nghĩa xã hội trong toàn quốc; tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Những quá trình cách mạng đó, do tầm vóc lịch sử của nó, đã đưa đất nước ta lên ngang tầm cao của thời đại mới.

Hằn học với Các Mác, các thế lực phản động thù địch với chủ nghĩa Mác chẳng những luôn luôn tìm mọi thủ đoạn để xuyên tạc nói xấu, bóp méo, vu khống và bài xích học thuyết Mác, mà còn sử dụng bạo lực phản cách mạng để thẳng tay đàn áp những người Mác-xít. Chỉ tính riêng ở nước ta, trong cao trào Cách mạng 1930 - 1931, thực dân Pháp thi hành cuộc khủng bố trắng cực kỳ tàn bạo, bắt giam 246.430 người, giết hại rất dã man nhiều chiến sĩ cộng sản. Tại nhà tù Côn Đảo có đến 793 đảng viên Cộng sản hy sinh, ở nhà ngục Công Tum có 339 đồng chí bị thủ tiêu. Trong những năm 1954 - 1959, ở miền Nam nước ta, có đến 466.000 đảng viên Cộng sản và những người yêu nước bị bắt giam, 400.000 người bị đưa đi đày và 68.000 người bị giết.

Kẻ thù toan thủ tiêu học thuyết Mác, đè bẹp ý chí quyết chiến quyết thắng của nhân dân ta, song chúng đã lầm to. Tiến bước dưới ngọn cờ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, sự nghiệp cách mạng của các dân tộc trên thế giới và của nhân dân ta phát triển không ngừng. Nếu như năm 1930 khi mới ra đời, Đảng ta có khoảng 500 đảng viên, thì ngày nay đội ngũ của Đảng đông đến 5 triệu đảng viên, sinh hoạt trong 51.827 tổ chức cơ sở Đảng. Chúng ta đều biết cách đây 177 năm, Đảng Cộng sản đầu tiên trên thế giới ra đời chỉ có khoảng 400 đảng viên. Những năm 1980, khi các nước xã hội chủ nghĩa ở vào giai đoạn thịnh đạt nhất, lãnh thổ mở rộng trên 1/4 diện tích toàn cầu và chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới. Sau vụ đột biến dữ dội về chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu, hiện nay trên thế giới có khoảng 73 Đảng Cộng sản và công nhân trong 57 quốc gia.

Điều đáng phấn khởi là, trong cuộc gặp quốc tế của 74 Đảng Cộng sản và công nhân lần thứ 21 vào tháng 02/2019 tại thành phố Izma của Thổ Nhĩ Kỳ và trong cuộc gặp quốc tế của 73 Đảng Cộng sản và công nhân lần thứ 22 vào tháng 10/2022 tại thành phố Habana (Cuba), các Đảng Cộng sản và công nhân đã xác định: "Việc kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin là nhân tố tiên quyết nhằm định hướng đúng đắn cho cuộc đấu tranh của các Đảng Cộng sản và công nhân trên thế giới".

* * *

"Uống nước nhớ nguồn". Kỷ niệm Ngày sinh Các Mác, chúng ta luôn luôn ghi nhớ những lời giáo huấn của Bác Hồ: Phải nhớ ơn Các Mác và Lênin. Các vị ấy là những "người thầy học thuyết cộng sản", là "ngôi sao dẫn đường tiến tới sự nghiệp vĩ đại, sự nghiệp giải phóng nhân dân bị áp bức".

Ngọn núi được Bác Hồ đặt tên Các Mác

Chúng ta vui mừng được biết trong những tháng năm hoạt động cách mạng trên đất Pháp, Bác Hồ gặp được người bạn quý là cháu ngoại Các Mác. Ông là Giăng Lông-ghê (Jean Longuet) - chủ bút tờ báo Nhân Đạo (Pofmlaire) của Đảng Xã hội Pháp. Lông-ghê là một trong những người có công đầu trong việc giúp đỡ Bác Hồ viết báo và đăng những bài báo để tố cáo những tội ác của bọn thực dân Pháp ở Đông Dương.

Năm 1920, tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, Bác Hồ được gặp bà Clara Zetkin - nữ chiến sĩ cách mạng nổi tiếng của Đức, là Ủy viên thường vụ của Quốc tế Cộng sản, người hoạt động cùng thời với Các Mác.

Trong cuộc Đại hội lần thứ III của Quốc tế Công hội đỏ ở Mát-xcơ-va năm 1924, Bác Hồ được gặp nhà cách mạng lão thành Tomman - Lãnh tụ của phong trào công nhân Anh, người đã hoạt động lúc Mác còn sống.

Sau 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, đầu năm 1941 Bác Hồ đã trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Nơi Người ở đầu tiên khi về nước hoạt động là núi rừng Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ở đây Người đã đổi tên con suối Khuổi Mịn là suối Lênin và đặt tên núi Phịa Tào là núi Các Mác. Trong bài thơ "Pác Bó hùng vĩ”, Bác viết:

"Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lênin, kìa núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà”.

Trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, Bác Hồ đi thăm mặt trận. Có 5 cán bộ bảo vệ được đi theo Bác. Trong lúc đi đường, Bác "vừa đi vừa kể chuyện", trong đó có những mẩu chuyện về Các Mác.

Nhân dịp Kỷ niệm lần thứ 150 Ngày sinh Các Mác, Bác Hồ đã viết bài "Vừa đi đường, vừa nói chuyện về Các Mác" đăng trên báo Nhân Dân, số 5137, ngày 05/5/1968.

Trước khi "từ giã thế giới này", Bác Hồ đã viết rõ trong Di chúc là Người "sẽ đi gặp Cụ Các Mác, Cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác".

Là một chiến sĩ Mác-xít lão thành đã từng đồng hành cùng cách mạng trong những năm lên thác xuống ghềnh và trong những khúc quanh co của lịch sử, nhà thơ Tố Hữu đã diễn đạt cảm xúc mãnh liệt của mình trong 8 câu thơ đầy hứng khởi. Tố Hữu viết:

"Mỗi chặng đường qua, ngoảnh lại nhìn

Càng đi, càng vững, lại càng tin

Hai bàn tay trắng, nên cơ nghiệp

Một tấm lòng son quyết giữ gìn

Độc lập tự do vàng quý nhất

Năm châu cách mạng, sức nhân nghìn

Hãy hô một tiếng vang trời đất

Muôn năm, muôn năm Mác - Lênin".

Bình luận (0)

Lên đầu trang