Góp ý cho sự phát triển của TPHCM theo Kế hoạch 305/KH-TU:

Cần thêm các giải pháp chống ngập

Thứ Ba, 01/10/2019 09:29

|

(CATP) Để đối phó với tình trạng ngập triều, ngập do mưa, thành phố đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập do mưa và triều cường. Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải tập trung vào việc giảm thiểu dòng chảy tràn bề mặt, do đó làm giảm đỉnh lũ gây ra các trận ngập úng do mưa bằng nhiều giải pháp kỹ thuật mềm, kỹ thuật sinh thái.

CÔNG TRÌNH CHỐNG NGẬP BẰNG KÈ, CỐNG... CẦN NHƯNG CHƯA ĐỦ

Tình trạng ngập úng tại TPHCM đang diễn biến ngày một phức tạp. Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, vào ngày 29-9-2019, mực nước sông Sài Gòn đo tại trạm Phú An đã lên tới mức 1,73 mét và tại trạm Nhà Bè là 1,75 mét. Theo dự báo, liên tiếp trong các ngày từ 30-9 đến 2-10-2019 TPHCM còn phải đối mặt với tình trạng mực nước sông lên cao, vượt báo động đỏ, dao động trong khoảng 1,62 đến 1,75 mét tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn.

Người dân TPHCM khốn khổ vì ngập do triều cường

Hiện nay, TPHCM đang tích cực thực hiện xây dựng công trình chống ngập theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28-8-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định trên vùng phải chống ngập do triều và lũ được chia 3 vùng kiểm soát chống ngập. Trong đó vùng I là khu vực bờ phải sông Sài Gòn - Nhà Bè (có diện tích khoảng 1.939km2 trong đó 1.179km2 thuộc TPHCM và 760km2 của Long An); vùng II là khu vực Thủ Đức, quận 2, quận 9 và vùng III là khu vực Cần Giờ.

Giải pháp chính của dự án là sẽ xây dựng 13 cống lớn Rạch Tra, Vàm Thuật, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Kênh Hàng, Thủ Bộ, Bến Lức và Kênh Xáng Lớn. Xây dựng một hệ thống đê bao dài 172 km, nạo vét 11 kênh rạch thoát nước chính với tổng chiều dài 109 km.

Trong đó, Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” đang được xây dựng sẽ giải quyết cho toàn bộ tiểu vùng trung tâm TPHCM có nhiệm vụ ngăn triều, hỗ trợ tiêu thoát nước. Thoát nước từ kênh rạch trong thành phố ra ngoài sông, giúp hạ mực nước trong kênh, rạch, hỗ trợ thoát nước trong nội đô. Khi dự án kiểm soát triều giúp hạ thấp mực nước trong kênh, rạch sẽ đảm bảo tiêu thoát nước mưa với điều kiện là các tuyến đường phải đảm bảo thoát nước ra kênh, rạch hiệu quả.

CẦN THÊM CÁC GIẢI PHÁP THÍCH NGHI

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nếu TP chỉ tập trung vào việc xây dựng bờ kè, xây dựng công trình cống, trạm bơm mà chưa coi trọng đúng mức đến các giải pháp thích nghi và giảm nhẹ như xác định khu chứa lũ, truyền lũ thì dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có thể không phát huy được hết hiệu quả.

Theo các chuyên gia, ở các đô thị được quản lý tốt trên thế giới, ngoài việc họ có cơ sở hạ tầng thoát nước được xây dựng tốt, họ còn kết hợp với các phương pháp bổ sung để bảo vệ chống lại lũ úng bằng cách sử dụng các công viên và không gian mở để thích ứng với lũ úng bất thường. Họ áp dụng kỹ thuật thoát nước sinh thái.

Nhìn lại những năm gần đây mới thấy nhiều khu vực tại TPHCM đã được bê tông hóa bằng nhà cửa, đường phố, cơ sở hạ tầng và khác ngăn chặn nước mưa thấm xuống mặt đất. Quá trình đô thị hóa thành phố đã làm giảm sự điều tiết tự nhiên. Trong khu vực nội thành, phần lớn đất đai được bê tông hóa, nhựa hóa xây dựng nhà, công xưởng, đường sá.

Do vậy, khi mưa xuống, hầu như toàn bộ mưa đều tập trung thành dòng chảy và nước không thể thấm xuống đất để giảm bớt lượng dòng chảy tập trung, do vậy tạo ra nước chảy tràn nhiều hơn. Mưa lớn và kéo dài lâu ngày tạo ra một lượng rất lớn nước chảy tràn bề mặt, và có thể dễ dàng làm ngập hệ thống thoát nước, làm giảm sự điều tiết tự nhiên của bề mặt lưu vực. Do đó, khi mưa xuống, hầu như toàn bộ mưa đều tập trung thành dòng chảy không thể thấm xuống đất để giảm bớt lượng dòng chảy tập trung.

Mưa lớn cộng với với những lúc triều lên hoặc triều cường, mực nước trong sông kênh lên cao sẽ càng gây khó khăn cho việc tiêu thoát.

Do đó, theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc TP cần phải có một quy hoạch sao cho bảo tồn những vùng tự nhiên, ít tác động gây ra cho lưu vực bằng cách tích hợp các hệ thống xử lý với hệ tự nhiên sao cho đạt hiệu quả tốt nhất nhằm hạn chế lượng nước chảy tràn bề mặt và giảm thiểu ô nhiễm tích tụ. Muốn vậy, cần phải xem dải thảm thực vật, hồ cảnh quan, hồ điều tiết, bề mặt thấm, bể chứa nước mưa tạm thời... là những kết cấu kiến trúc hạ tầng không thể thiếu và ngay từ đầu phải đưa nó vào quy hoạch phát triển không gian đô thị.

Nghe dân để phát triển vì dân
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang