Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025:

Cần thêm động lực thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ cao

Thứ Sáu, 16/10/2020 08:00

|

(CAO) Chiều 15/10, các đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã tham gia buổi thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XI Đảng bộ TPHCM.

Nhiều ý kiến đã đề xuất các giải pháp nhằm phát triển khoa học - công nghệ tạo thêm động lực cho TP phát triển; phát triển ngành y tế TP trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á; có cơ chế chính sách thu hút nhân tài tham gia vào quản lý, quản trị để đảm bảo sự phát triển DN Nhà nước; đẩy mạnh việc thực hiện cổ phần hóa; có giải pháp đột phá trong việc liên kết vùng; thu hút nguồn vốn đầu tư thực hiện việc di dời, chỉnh trang đô thị...

Tăng chi cho khoa học công nghệ

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập là thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ để tạo thêm bước đột phá cho kinh tế TP. Đại biểu Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, chi cho khoa học công nghệ của TP cho toàn xã hội giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt khoảng 0,83%/GRDP và dự kiến giai đoạn 2020 – 2025 con số này khoảng hơn 1%. Cùng với việc tăng chi cho khoa học công nghệ phải tăng hiệu quả nguồn kinh phí này, quan trọng nhất vẫn là vấn đề hiệu quả đầu tư.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang tại phiên thảo luận

Về ứng dụng công nghệ giúp TP phát triển, đại biểu Phạm Công Tuấn Hạ cho biết, quá trình chuyển đổi số gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nếu thực hiện chậm việc chuyển đổi số thì “hố sâu” khoảng cách về phát triển của nước ta với các nước phát triển sẽ càng rộng.

TPHCM là nơi đi đầu đổi mới khoa học công nghệ, vì vậy việc chuyển đổi số là cần thiết. TP có nhiều thuận lợi để thực hiện việc chuyển đổi số. Đó là việc kết nối internet đã rộng khắp; các thiết bị kết nối internet đa dạng. Một số ý kiến cho rằng, cùng với khuyến khích khoa học công nghệ phải đi đôi với bảo hộ sở hữu trí tuệ; hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Về việc phát triển khoa học công nghệ, đại biểu Võ Văn Sen đề xuất TP cần phát huy thế mạnh về giáo dục, khoa học công nghệ để các tiềm lực này có thể đóng cho sự phát triển của TP. Đại biểu Võ Văn Sen cũng bày tỏ sự ấn tượng với 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm của TP. Các chương trình này giải quyết được các vấn đề căn cơ hiện nay. Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TPHCM là hết sức quan trọng.

Một số ý kiến cho rằng để đáp ứng nhu cầu phát triển của TP cần nâng cao tay nghề cho người lao động và chăm lo cho công nhân có thu nhập thấp. Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Linh đánh giá cao chương trình đột phá hạ tầng của TP được nêu lên trong dự thảo. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Linh cũng cho rằng, cần bổ sung một nội dung nhằm đảm bảo nhà ở công nhân, người lao động có thu nhập thấp, để công nhân có thể ổn định được đời sống.

Cùng với đó, có thể xem xét mở thêm các cơ sở đào tạo cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp vào buổi tối để công nhân nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay.

Trao đổi các vấn đề đại biểu đặt ra tại buổi thảo luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang cho biết, việc chi không chỉ là vấn đề về số lượng mà làm sao để sử dụng nguồn kinh phí này cho hiệu quả. Đối với việc nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân lao động, đồng chí Trần Lưu Quang cho biết chủ trương đã có là nhà ở xã hội. Trước đây những nhà đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội được hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng của ngân hàng nhưng sau đó gói này không còn nữa. Từ đó dẫn đến có hình ảnh một số chung cư nhà ở xã hội dở dang vì bị cắt nguồn. Vấn đề này TP sẽ tiếp tục nghiên cứu tính toán lại. Đây là một bài tóan không dễ nhưng đã đến lúc TP phải lo việc này.

Đồng chí thống nhất các ý kiến cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho công nhân, trong đó có đào tạo nghề cho công nhân vào ban đêm; đồng thời cho rằng cần có giải pháp căn cơ, thực hiện hiệu quả việc nâng cao tay nghề cho công nhân một cách hiệu quả.

Đưa TPHCM thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực

Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu nêu lên các giải pháp phát triển ngành y tế TP. Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, Dự thảo văn kiện báo cáo chính trị Đại hội XI xác định sẽ xây dựng TP trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2020-2025. Đây là một niềm tự hào nhưng cũng là thách thức của ngành y tế TP.

Để làm được điều đó, cần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế của TP. Theo đồng chí Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện nay TP đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế theo chương trình đào tạo đại học và sau đại học nhằm đào tạo một lượng bác sĩ, cán bộ chủ chốt cho ngành y tế TP. Bên cạnh đó, các bệnh viện trên địa bàn TP thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo cán bộ y tế chất lượng cao.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên thảo luận

Trao đổi về định hướng phát triển y tế TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, việc đưa ra mục tiêu từ năm 2020-2025 đưa TP trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực là hoàn toàn có cơ sở và có khả năng thực hiện được. Hiện nay, nguồn nhân lực cán bộ y tế chất lượng cao của TP có trình độ không thua kém các bác sĩ trong khu vực. Điều này thể hiện qua chất lượng và kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều phẫu phuật thành công mang tầm quốc tế được đội ngũ cán bộ y tế Thành phố thực hiện trong thời gian qua. Bên cạnh đó, TP luôn quan tâm, đầu tư đúng mức cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật ngành y tế để đảm bảo chất lượng chăm sóc người dân TP và nhân dân trong cả khu vực phía Nam.

Chiều 15/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến hành phiên thảo luận tổ về dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đề nghị TPHCM trong nhiệm kỳ tới cần có cơ chế chính sách thu hút nhân tài tham gia vào quản lý, quản trị để đảm bảo sự phát triển DN Nhà nước; đẩy mạnh việc thực hiện cổ phần hóa; có giải pháp đột phá trong việc liên kết vùng; thu hút nguồn vốn đầu tư thực hiện việc di dời, chỉnh trang đô thị.

Thu hút nhân tài tham gia quản lý, quản trị DN Nhà nước

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý cho sự phát triển kinh tế của TP. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Chu Tiến Dũng cho rằng: Hiện nay, việc cổ phần hóa DN Nhà nước ở TP chậm. Trong khi đó, DN Nhà nước hiện nay nắm nguồn lực rất lớn nhưng cơ chế, điều kiện để phát huy hiệu quả chưa cao.

Cho nên, trong chiến lược phát triển tới đây, TP cần thể hiện rõ trong các kế hoạch để củng cố và phát triển DN Nhà nước. Trong đó, có cơ chế chính sách thu hút nhân tài tham gia vào quản lý, quản trị để đảm bảo sự phát triển DN Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện cổ phần hóa. Bên cạnh đó, TP cần có giải pháp đột phá trong việc liên kết vùng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị TPHCM trong nhiệm kỳ tới có các giải pháp trong việc thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị. Chủ tịch UBND Quận 8 Trần Thanh Tùng cho hay: Chương trình chỉnh trang đô thị là một trong 7 chương trình đột phá của TP trong nhiệm kỳ vừa qua, đã xác định xây dựng kế hoạch, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực chỉnh trang đô thị hiện hữu. Trong đó, tập trung hoàn thành việc di dời, tái bố trí nhà trên và ven kênh rạch, nâng cấp các khu phố có nhiều nhà lụp xụp, xây dựng mới các khu dân cư xuống cấp gắn với chỉnh trang đô thị tạo quỹ đất cho giao thông, công trình chống ngập.

Thực hiện chương trình này, TP xác định Quận 8 là địa bàn trọng điểm chiếm 50% lượng nhà trên và ven kênh, rạch. Tuy nhiên, đánh giá lại kết quả thực hiện vừa qua, dự thảo báo cáo nêu chỉ thực hiện được 2.479 căn/20.000 căn, đạt tỷ lệ 12,4%. Vì vậy, mong muốn TP có giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư thực hiện việc di dời, chỉnh trang đô thị.

Góp ý về phương hướng phát triển TPHCM giai đoạn 2020 - 2025, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, trong lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị, không chỉ đơn thuần tập trung vào công tác lập quy hoạch, thiết kế đô thị mà nên quan tâm về việc bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch. Có như thế, người dân mới nhận thấy được tính khả thi của các quy hoạch.

Dân biết, dân bàn, dân làm, dân được hưởng

Phát biểu tại phiên thảo luận, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng: 5 năm trước, khi nhìn về sự phát triển TP, ngoài việc khai thác cảng Sài Gòn, đã có tính toán nạo vét sông Soài Rạp để thu hút các tàu tải trọng lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, trước sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và có sự biến chuyển khu vực, do đó, TP có sự chọn lọc, xem xét để giải phóng nguồn lực của TP, ứng dụng công nghệ cho chặng đường mới.

Chia sẻ với các đại biểu tại phiên thảo luận, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với ý kiến rà soát lại một số chỉ tiêu trong khóa tới như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TPHCM (GRDP) bình quân hàng năm từ 8% - 8,5%, cũng như chỉ tiêu GRPD bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt từ 8.500 - 9.000 USD/người.

Về kết quả thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra bài học kinh nghiệm là dân biết, dân phải bàn thực sự và bàn xong thì họ làm, làm xong người dân được hưởng. Mà khi dân biết, dân bàn, dân được hưởng thì việc duy trì là người dân. Về Chỉ thị 23, trên tinh thần rà kỹ, xuống tận dân thảo luận và khi người dân thấy rằng không thể làm trái được nữa thì người dân mới đồng tình với chính quyền. Nhưng đồng thời, chính quyền phải rà soát quy hoạch sử dụng đất, hướng dẫn xây dựng để làm sao người dân làm đúng có lợi.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Liên quan đến vấn đề quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, thực hiện đầu tư trung hạn, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân phân tích: Hiện nay, theo Luật Quy hoạch phải làm quy hoạch tổng thể quốc gia trước, sau đó quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, TP. Tuy nhiên, hiện nay, do quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng chưa có. Do đó, TP sẽ đề nghị Chính phủ có hướng dẫn xử lý quá độ các địa phương thực hiện các ngành theo chuyên ngành như xây dựng, giao thông, y tế… như thế nào để thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn. Đồng thời, TP cũng nên lập tổ công tác về quy hoạch để giải quyết vấn đề quá độ trong 2 năm tới như thế nào khi các quy hoạch mới chưa được duyệt...

Theo chương trình, sáng 16/10, Đại hội sẽ nghe trình bày các báo cáo tham luận của các đại biểu dự Đại hội. Những tham luận này làm rõ 7 nhiệm vụ giải pháp và bám sát với 26 chỉ tiêu đại hội sẽ biểu quyết. Bên cạnh đó, Đại hội sẽ nghe Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X trình bày về phương án nhân sự của nhiệm kỳ 2020-2025 và tiến hành thảo luận tại tổ về cơ cấu, phương án nhân sự, số lượng.

Đại hội sẽ bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI sáng 17/10. Đến chiều 17/10, Đại hội sẽ công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI. Tiếp đó, Đại hội bầu và công bố đại biểu Đảng bộ TP dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng.

Tối cùng ngày, sẽ tiến hành Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI.

Sáng 18/10 Đại hội sẽ tiến hành phiên bế mạc.

Xây dựng TPHCM thành đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang