Vị giám đốc Công an TP.HCM những năm đầu đất nước thống nhất

Thứ Năm, 07/05/2015 16:30  | Nguyễn Thị Ngọc Hải

|

(CATP- Số đặc biệt 30-4) Sau 1975, có một thế hệ cán bộ xuất sắc để lại tên tuổi trong lịch sử từ chiến tranh, tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh như Võ Văn Kiệt, Trần Văn Trà, Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ... Đó là những năm đầu tiên xây dựng đất nước trong nhiều khó khăn mới về chính trị - kinh tế - xã hội.

1. THỜI KHÓ KHĂN CHƯA AI QUÊN

Năm 1987 mới là Bộ trưởng Nội vụ, năm 1989 được phong đại tướng, nhưng ông Mai Chí Thọ đã là Giám đốc Công an thành phố ngay năm 1975, tham gia Phó chủ tịch Ủy ban Quân quản. Rồi lần lượt các chức vụ Phó bí thư Thành ủy, phó Chủ tịch UBND, và trở thành Chủ tịch thành phố (1979 - 1985).

11 năm tham gia lãnh đạo tại thành phố, 5 năm làm Bộ trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, ngày đầu ông tiếp nhận công việc thế nào? Khi được hỏi, ông Mai chí Thọ nghĩ khá lâu: “Không có gì đặc biệt cả, là vì luôn chìm trong chuỗi dài năm tháng lúc nào cũng bận rộn và giải quyết những tình huống... không giống ông thị trưởng nào trên thế giới”.

Đó là thời bị bao vây cấm vận, chiến tranh Tây Nam, kinh tế kiệt quệ, thời ăn bo bo, nhân dân thành thị kể cả trí thức đi cuốc đất trồng ngô khoai, nuôi heo. Một số sai lầm khi thực hiện chính sách cải tạo tư sản, ngăn sông cấm chợ, việc tập trung cải tạo sỹ quan, công chức cao cấp chế độ Sài Gòn kéo dài...

Có lần ông kể lại, tình hình trật tự an toàn xã hội phức tạp, trộm cướp, hàng ngày còn có cảnh công an bị cướp bắn lại khi rượt đuổi. “Tình hình nhức nhối đến mức Tổng bí thư Lê Duẩn kêu tôi lên, ông nói không thể chịu nổi và phải chấm dứt ngay tình trạng ngày nào cũng có tiếng súng trên đường phố”.

Lực lượng chống đối thừa cơ nổi dậy, lập cả tổ chức võ trang, có những vụ án lớn Lê Quốc Túy, Hoàng Cơ Minh... Có vụ ngay lúc trời chạng vạng còn bắn nhau trên nóc nhà thờ Vinh Sơn, ông Mai Chí Thọ lúc đó là Giám đốc Công an thành phố đã có mặt để liên hệ với linh mục truyền lời kêu gọi bên trong đầu hàng.

Thấy ông vóc dáng cao lớn, vị linh mục tưởng ông cũng là linh mục nên tới chào “Chào Cha”. Ông ôn tồn: “Tôi không là linh mục. Tôi làm ở Công an thành phố”.Khi làm Chủ tịch, vào dịp kỷ niệm 10 năm Sài Gòn giải phóng, ông đã trả lời phỏng vấn rất nhiều báo chí nước ngoài.

Bây giờ lục tìm lại, chỉ liệt kê ra đây những câu hỏi của họ là đủ hiện lên khá đầy đủ các vấn đề thành phố phải đương đầu.Nhà báo Nhật của tờ Shimbun hỏi số liệu phân phối lưu thông của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Phóng viên báo Humanite (Pháp) quan tâm tới vị trí của các trí thức không phải cộng sản, những người đã từng hợp tác với chế độ cũ.

Bộ trưởng Mai Chí Thọ và các đồng chí Lê Văn Thiện (bìa trái), Nguyễn Anh Linh (thứ hai từ trái sang) - nguyên TBT Báo CATP, Huỳnh Bá Thành (thứ hai từ phải sang) tại tòa soạn Báo CATP, 110 Nguyễn Du, Q.1 (ảnh chụp năm 1990) - Ảnh: Báo CATP

Có báo hỏi về người Việt gốc Hoa còn lại bao nhiêu, bao nhiêu người xin đi nước ngoài? Bao nhiêu người Việt Nam bỏ chạy ra nước ngoài bất hợp pháp? Chính sách nhà nước với khu vực kinh tế tư nhân? Ngài đánh giá thế nào về người lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam?...

Các hãng truyền hình lớn của Mỹ, Nhật và rất nhiều báo các nước đăng ký phỏng vấn quay phim. Chương trình kín mít. Các nhà báo Nhật xin thực hiện phỏng vấn phải hẹn lúc... 2 giờ khuya. Họ hỏi dò trước, sẽ hỏi về những khó khăn được không?

Ông kêu lên: “Trời đất ơi, tôi rất muốn các ông hỏi khó khăn, nếu hỏi bình thường thì nói làm gì. Tôi mong hỏi như thế.Tôi sẽ có dịp nói kỹ về các tình tiết của đất nước tôi. 2 giờ khuya tôi cũng làm”.

2. THÀNH PHỐ “XÉ RÀO”

Từ 75 đến 80, diễn biến phức tạp kéo dài, mãi tới 86 đổi mới chững lại được. Đó cũng chính là thời gian ông làm chủ tịch. Tập thể lãnh đạo xuất sắc lúc đó thường được nhắc tới các quyết định sáng tạo táo bạo, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ cùng đội ngũ cán bộ và nhân dân thành phố đồng lòng tìm những yếu tố tích cực cho phát triển, không có trong chính sách chung nên có tên gọi “xé rào”.

Có thể so sánh nếu miền Bắc có “Kim Ngọc khoán chui “thì miền Nam có “hai giá” mang yếu tố thị trường và cho phép tư nhân xuất nhập khẩu, trong đó có sử dụng những doanh nhân người Hoa thông thạo về thị trường, ngân hàng và nhiều mối quan hệ với thương nhân ở nước ngoài; tạo điều kiện nguyên liệu khuyến khích thủ công nghiệp phát triển; đưa sản xuất và đời sống chống đỡ với khó khăn.

Thời đó trong cán bộ có lời xầm xì “sặc mùi Nam Tư, nuôi béo Ba Tàu, làm giàu tư sản”. Có người hỏi ông tại sao làm vậy, ông bảo “tôi chỉ tìm cách gỡ khó khăn cho sản xuất. Việc gì trong quyền hạn trách nhiệm thì tôi làm. Trong quyền hạn mình mà cứ hỏi tới lui không dám làm thì còn gì là chủ tịch”.

Tác phong của lãnh đạo lúc đó giải quyết công việc nhanh, ít thủ tục hành chính vì vững tin việc làm minh bạch công tâm. Chính vì thế năm 1988, khi nghe Phó GĐ Công an thành phố Lê Văn Thiện báo cáo nơi làm việc của Báo Công an thành phố quá chật hẹp, ông Mai Chí Thọ (khi đó làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ này là Bộ Công an) nói ông Thiện về làm văn bản trình ông. Ngày hôm sau ông Thiện mang lên, ông Mai Chí Thọ ký duyệt ngay, giao cho Báo Công an thành phố tòa nhà hiện là trụ sở tòa soạn trên đường Nguyễn Du, Q1.

Đồng chí Mai Chí Thọ trong một lần đến làm việc với CATP - Ảnh: Báo CATP - Ảnh: Báo CATP

Thành phố lúc đó nổi lên đặc điểm rất chăm lo cho người nghèo. Ông bảo, thành phố này làm dân vận, bà con rất sẵn sàng. Ngay từ 1930, Trung ương Đảng đóng ở đây 10 năm. Phải có sự bảo bọc thế nào mới được vậy.

Thành phố này có nhiều cái đi đầu: tự do báo chí, nhiều đoàn thể, tính mặt trận rất cao, trung tâm kinh tế chính trị thu hút nhân tài. Ở đây cũng có đặc điểm là không thể không dính líu chính quyền cũ nhiều... Làm lãnh đạo không hiểu người ta không được.

Một sự trùng hợp không hề ngẫu nhiên như: truyền thống quý báu của người lãnh đạo ngành “di truyền” lại, cùng với truyền thống của nhân dân thành phố này, Báo CATP cũng là một trong những tờ báo đi đầu trong công tác xã hội - từ thiện. Tính sơ từ năm 2000 đến 2014, tờ báo đã chi 142 tỷ đồng xây cả ngàn ngôi nhà, gần 100 cây cầu.

Và có lẽ hiếm hoi khá lạ lùng, Báo CATP đăng và cứu giúp tới hơn 2.000 người dân cơ nhỡ, bất hạnh đăng trên báo. Tờ báo của Công an đã tạo ra mối quan tâm đặc biệt đến người dân. Là nơi dân nghèo tin cậy. Sau này, khi nghỉ công tác, thỉnh thoảng ông Mai Chí Thọ vẫn dành thời gian cùng Báo Công an thành phố tham gia các hoạt động từ thiện, giúp người nghèo.

Đến nay, ông Lâm Tư Quang (thường gọi là Ba Toàn) - vị giám đốc đầu tiên của Công ty Cầu Tre còn kể lại câu chuyện ông được giao nhiệm vụ “xuất nhập khẩu” ra sao: “Ông Năm Xuân bảo không còn trông cậy vào đâu nữa.

Bây giờ phải tự lực khai thác tiềm năng của thành phố để vực dậy sản xuất, đột phá xuất nhập khẩu sang thị trường tư bản. “Ông cũng khẳng định quyết định này đã xin ý kiến ông Nguyễn Văn Linh, “chúng tôi chịu trách nhiệm với Trung ương”...

Nhắc lại câu chuyện rất dài đó, kể cả vượt qua các cuộc thanh tra của Trung ương bằng sự nỗ lực và trong sạch của những người được giao nhiệm vụ, ông Ba Toàn bảo: Việc đổi mới cả một cơ chế kinh tế lớn vậy ra đời từ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, thời ông Năm Xuân làm Chủ tịch có nhiều đóng góp.

3. CHÍNH KHÁCH - NGƯỜI ĐỐI THOẠI

Đại tướng Mai chí Thọ có nhiều đổi mới ngành công an. Ông thường nhấn mạnh đường lối CAND của Đảng: “Chúng ta cần khẳng định một cách rõ ràng, dứt khoát rằng: Công tác chủ yếu của công an là vận động và tổ chức quần chúng hình thành trận địa an ninh, trật tự ở cơ sở”, đừng đề cao nghiệp vụ công an như cái gì thần bí đến mức cô lập nó, làm cho nó mất đi sức mạnh của quần chúng.

Thời kỳ ông làm Bộ trưởng, nhiều chính sách cởi mở: bỏ các trạm gác ngăn sông cấm chợ, cho phép sửa chữa nhà thờ, các cơ sở tôn giáo, thụ phong linh mục trước đây thường gặp khó khăn.

Ông xuống thị sát hầu hết các trại cải tạo... Đi thực tế nhiều giúp ông viết tác phẩm quan trọng “Đổi mới ngành Công an”. Câu ông thường trích trong các bài thơ “Nhất tướng công thành vạn cốt khô - Núi xương sông máu dựng cơ đồ - Đồng bào chiến sĩ hy sinh thế - Quan bé quan to nhớ nhớ cho”.

Người ta thường nhắc Mai chí Thọ là người hay đối thoại, quan điểm cởi mở. Ông trao đổi, thảo luận, tranh luận dân chủ với các chức sắc tôn giáo, với các sĩ quan chế độ cũ, giới trí thức, sinh viên học sinh, các nhà tư sản doanh nghiệp, các nhà báo.

Việt kiều về nước, các vị sư, người Hoa, các bạn bè lão thành. Họ thích ông “một người hay đặt vấn đề”. Có người còn nhận xét, ông hay nói chuyện công việc xóa đói giảm nghèo của thành phố và tham gia rất tích cực.

Nhiều người là quan chức trong chế độ Sài Gòn đã định cư ở nước ngoài về chơi cũng tìm đến gặp gỡ, như ông Vũ, người làm kế hoạch bình định miền Nam.

Hồi ông xuất cảnh, trước khi đi cũng đến hỏi “Ông có dặn gì không?”. Ông Mai Chí Thọ: “Một câu thôi. Nếu nhớ được thì tốt. Hãy cố giữ mãi là người Việt Nam”. Ông luôn muốn trao đổi những suy nghĩ của mình với rộng rãi nhân dân.

Ông Mai Chí Thọ quê ở Nam Định, tham gia cách mạng sớm và bị bắt đưa đi khắp các nhà tù cho đến Cách mạng tháng Tám 1945 mới được thả. Rồi từ đó về thẳng Nam bộ, trải qua hai cuộc kháng chiến, trưởng thành ở miền Nam, là một trong các lãnh đạo kiệt xuất của Sài Gòn - thành phố Hồ chí Minh và của cả nước.

Ông thuộc lớp người dám hy sinh, sống có lý tưởng chính trị và gần gũi nhân dân. Lớp người gắn liền lịch sử Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minhn

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang