Công ty Nhật Cường buôn lậu số hàng hoá trị giá 3.200 tỷ đồng

Thứ Sáu, 04/09/2020 20:14

|

(CAO) Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 diễn ra chiều 4/9 tại Hà Nội, đã có nhiều câu hỏi được phóng viên các cơ quan báo chí nêu ra, liên quan đến những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

PV Hiếu Công (Zingnews): Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, được dư luận đặc biệt quan tâm. Xin Bộ Công an thông tin rõ hơn về sai phạm của ông Chung liên quan đến các vụ án như thế nào, đặc biệt là với vụ án Nhật Cường.

Công an Quận 11, TPHCM mới đây vừa khởi tố một số đối tượng giả danh cảnh sát, có lệnh bắt người và khám xét nhà để chiếm đoạt tài sản. Xin hỏi Bộ Công an có biện pháp nào để quản lý tình trạng mua bán quân trang, cảnh phục của ngành công an tràn lan trên mạng xã hội. Ngoài ra cũng có hiện tượng mua bán thẻ ngành giả trên mạng.

Sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm pate Minh Chay, chưa có cá nhân nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm. Vậy xin hỏi cá nhân nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm? Vấn đề chịu trách nhiệm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ thuộc về cơ quan nào?

Quang cảnh buổi họp báo

Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung, ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện biện pháp tạm giam với ông Chung về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật, có một số tài liệu liên quan đến Nhật Cường.

Trước đó Bộ Công an cũng đã thông báo ông Chung liên quan đến một số vụ án chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến Nhật Cường, Bộ Công an đã khởi tố 28 bị can với 4 tội danh: Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong số 28 bị can, Bùi Quang Huy bị khởi tố cả 4 tội danh. Bùi Quang Huy sử dụng tư cách pháp nhân của Nhật Cường để tổ chức buôn lậu 260.000 sản phẩm điện thoại và thiết bị điện tử các loại với giá trị 3.200 tỷ đồng. Ngoài trốn thuế, lập sổ sách kế toán che giấu trốn thuế khoảng 30 tỷ đồng. Qua quá trình điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra thấy rằng gói thầu số hoá của Sở KH&ĐT Hà Nội cần làm rõ hành vi vi phạm về đấu thầu, trong này có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung.

Về vi phạm quy định quản lý tài sản, gây thất thoát tại TP. Hà Nội, quá trình triển khai việc xử lý ô nhiễm nước hồ từ chế phẩm Redoxy-3C, Hà Nội đã trực tiếp đàm phán với đối tác ở Đức sản xuất hoá chất này riêng cho Hà Nội, nghiên cứu các đặc tính của sông, hồ Hà Nội. Nếu Hà Nội ký trực tiếp với Công ty Watch Water Gmb thì rất lý tưởng. Tuy nhiên, quá trình điều tra cho thấy do phải ký với công ty đại lý nên gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 41 tỷ đồng.

Với vai trò là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Chung có vai trò trách nhiệm ở đây. Trách nhiệm ở đâu, đến mức nào thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ.

Về hai người giả danh cảnh sát để bắt người, tôi khẳng định không có việc mua bán tràn lan quân trang, cảnh phục, thẻ ngành… của ngành công an tràn lan trên mạng xã hội. Đây là hiện tượng hết sức cá biệt.

Bộ Công an đã ban hành 5 công điện về đấu tranh xử lý mua bán trái phép quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ ngành công an. Nghiêm cấm mua bán, trao đổi, cho, tặng quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ của ngành công an dưới mọi hình thức, đối với mọi đối tượng; xử lý nghiêm theo quy định của ngành mọi trường hợp vi phạm và xử lý trách nhiệm liên đới đối với Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ có vi phạm.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ công an và học viên các trường công an đối với việc tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của ngành về sử dụng, bảo quản quân trang, quân dụng và công cụ hỗ trợ.

Về vụ việc Pate Minh Chay, sau khi sự việc xảy ra Bộ Công an đã giao cho Công an TP. Hà Nội chủ trì xử lý vụ việc và tập hợp báo cáo, trong đó yêu cầu Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội trực tiếp chỉ đạo. Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, rà soát toàn bộ công việc, có đủ căn cứ khởi tố vụ việc để điều tra. Tập trung xác minh làm rõ các vi phạm nếu có về quy định đầu vào nguyên liệu, bảo quản, vận chuyển, hướng dẫn sử dụng… Phối hợp với bộ phận An toàn thực phẩm của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục làm rõ và có kết luận chính thức nguyên nhân ngộ độc thực phẩm và vi phạm của đơn vị kinh doanh này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Chúng tôi đã chuyển hồ sơ về vụ việc Pate Minh Chay sang Bộ Công an và các anh đã chỉ đạo ngay Công an TP. Hà Nội để điều tra làm rõ vụ việc. Theo Nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, giao cho 3 bộ phụ trách lĩnh vực này. Trong đó, Bộ Y tế phụ trách thực phẩm chức năng, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên… Bộ Công Thương phụ trách rượu, bia, nước giải khát… Bộ NN&PTNT quản lý sản xuất, lưu thông sản phẩm ngũ cốc, thịt, sản phẩm rau, củ, quả…

Công ty Lối sống mới do Chi cục Nông, lâm, thuỷ sản của Hà Nội do Sở NN&PTNT cấp giấy phép, sản phẩm Pate Minh Chay cũng do Công ty này công bố sản phẩm.

PV Tạp chí Nhà đầu tư: Một số doanh nghiệp và nhà đầu tư ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Gia Lai phản ánh về việc một năm qua, thực hiện theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và Quyết định 11, 13 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng điện mặt trời. Họ đã đầu tư hàng trăm tỷ vào dự án điện mặt trời áp mái nhưng dự án hoàn thành thì không được ký hợp đồng mua bán điện với bên điện lực. Nguyên nhân được nêu là chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương. Dù nhà đầu tư đã có phản ánh rất nhiều về việc này nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn. Việc này đã gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và chủ trương lớn của Nhà nước rất nhiều. Xin hỏi Bộ Công Thương đến nay đã có giải pháp nào để xử lý việc này hay chưa?

Vừa qua, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô đã trả lời về nghi án nhận hối lộ của Tenma Nhật Bản. Bộ Tài chính đã đình chỉ một số lãnh đạo của Tổng cục Thuế liên quan đến việc nhận hối lộ từ một số cán bộ Chi cục Thuế ở Bắc Ninh. Xin cho biết ngoài việc do dịch bệnh COVID-19 nên Bộ Công an chưa nhận được phản hồi của Nhật Bản thì Bộ Tài chính đã có xử lý nhân sự thế nào?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Chúng ta đã biết điện mặt trời (ĐMT) là một nguồn điện năng lượng tái tạo. Việt Nam chúng ta là nước nhiệt đới nằm gần Xích đạo nên có tiềm năng ĐMT khá cao. Và hiện nay ở Việt Nam chúng ta nói nhiều đến ĐMT là nói nhiều đến điện lắp trên mặt đất, nhưng ngoài ra còn có ĐMT nổi và ĐMT đặt trên mái nhà.

Gần đây ĐMT lắp trên mái nhà rất được các nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp, thậm chí là nhiều người dân, rất quan tâm. Nếu có điều kiện, họ có thể lắp đặt với một kinh phí không phải quá lớn nhưng có thể mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư.

Hiện nay cũng có một điều thuận lợi cho việc phát triển ĐMT, đó là việc phát triển điện mái nhà không tác động nhiều đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Như chúng ta đã biết sử dụng đất thì phải có ý kiến quy hoạch nhưng có những công trình chúng ta có thể tận dụng để lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà. Đây là một điều hết sức thuận lợi và chúng ta khuyến khích.

Chính vì vậy trong thời gian vừa qua, ĐMT phát triển tương đối nhanh. Tính đến thời điểm tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy ĐMT vận hành với tổng công suất 5.053 MW và hiện nay có 11 nhà máy điện gió hoạt động với tổng công suất là 429 MW và 325 MW điện sinh khối. Và như vậy, tổng công suất điện gió của chúng ta đã lên đến 5.482 MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn điện của hệ thống. Tôi nghĩ rằng đây là điều đáng mừng nếu chúng ta phát triển đúng hướng khi chúng ta không phát triển thêm được nữa về nhiệt điện mà đi vào điện mặt trời.

Vừa qua, cũng có việc là mặc dù ĐMT mái nhà có nhiều ưu điểm, nhưng có sự hiểu và diễn đạt chưa đúng ở nhiều địa phương, thậm chí là các doanh nghiệp, liên quan đến Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Thông tư 18 của Bộ Công Thương. Quyết định 13 cũng như Thông tư 18 này đưa ra rất nhiều khuyến khích, ưu đãi đối với ĐMT như là ĐMT mái nhà. Chính vì vậy Bộ Công Thương cũng đã dự thảo công văn và xin ý kiến của UBND các tỉnh, Tập đoàn Điện lực VN, các nhà đầu tư và kể cả một số phương tiện thông tin đại chúng để chúng tôi tổng hợp các nội dung liên quan đến kiến nghị này mà còn có cách hiểu khác nhau mặc dù theo quan điểm của chúng tôi, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 18 của Bộ Công Thương đã tương đối rõ. Và nếu chúng ta thực hiện theo đúng nội dung của quy định tại hai văn bản này thì đã tương đối phù hợp và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Chúng tôi hiện nay vẫn đang tổng hợp thêm và chắc chắn trong thời gian rất ngắn nữa thôi sẽ có hướng dẫn cụ thể thêm đến từng UBND các tỉnh, thành phố và các nhà đầu tư để giúp cho việc đầu tư ĐMT là một định hướng rất đúng đắn của Đảng, Chính phủ và cũng đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn: Liên quan đến vụ án Tenma, ngay sau khi có thông tin hối lộ, Bộ Tài chính cũng đã nghiêm túc xem xét và tạm đình chỉ công tác của những đối tượng liên quan và tổ chức đoàn thanh tra. Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để điều tra vụ án. Sau khi có kết luận chính thức về điều tra vụ án, nếu có sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật và sẽ thông báo chính thức đến các cơ quan báo chí.

PV Thành Chung (Báo ĐT Tổ quốc): Vừa qua Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án nâng khống giá trị liên kết ở Bệnh viện Bạch Mai và trục lợi điều trị cho bệnh nhân. Bộ Công an có thể cung cấp thêm thông tin về quá trình điều tra hiện nay, xác định quá trình mua bán như thế nào và vai trò của nguyên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai như thế nào?

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thêm về vấn đề liên kết xã hội hoá không chỉ diễn ra ở Bệnh viện Bạch Mai mà còn ở nhiều bệnh viện khác. Bộ Y tế đã có yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai cũng như các đơn vị khác báo cáo cụ thể vấn đề này như thế nào, đã có phương án sửa đổi những quy định liên quan đến vấn đề này như thế nào?

Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Kết quả điều tra bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định một số cá nhân ở Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có hành vi câu kết nâng khống giá trị hệ thống thiết bị y tế, chiếm đoạt tiền của người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Cụ thể, trong quá trình lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận nhập khẩu hệ thống robot hỗ trợ thần kinh có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng, bao gồm cả VAT. Tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau nâng giá của hệ thống lên 39 tỷ đồng, được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai. Giá của hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy 1 ca bệnh là hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khai là 39 tỷ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca.

Trong các năm từ 2017-2019, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca, số tiền chênh lệch được các đối tượng hưởng lợi là trên 10 tỷ đồng. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tập trung điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng điều tra tìm ra sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Y tế đã có chỉ đạo các đơn vị, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai, rà soát lại các hợp đồng liên doanh, liên kết, giảm giá dịch vụ trên các máy đầu tư… điều chỉnh 18 dịch vụ xuống bằng mức giá thanh toán với các cơ quan bảo hiểm y tế. Bệnh viện cũng đã đàm phán, thương thảo với các đơn vị liên kết để điều chỉnh giá một số dịch vụ.

Riêng với máy giảm tới 5 triệu đồng thì giảm xuống còn 4,3 triệu đồng/ca. Giảm giá 28 triệu đồng xuống còn 24 triệu đồng/ca.

Tiếp đó, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ có chỉ thị về liên doanh, liên kết. Trong tuần tới, chỉ thị này sẽ được ban hành.

....

Bình luận (0)

Lên đầu trang