Bộ Công an đang điều tra việc rao bán 30 triệu dữ liệu trên mạng

Thứ Tư, 10/08/2022 09:17

|

(CAO) Dữ liệu được rao bán được cho là có nguồn gốc từ Bộ Giáo dục – Đào tạo. Một số cơ sở dữ liệu của ngành khác cũng có nguy cơ bị lộ lọt cũng sẽ được tập trung xử lý.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đang diễn ra sáng nay (10/8) với nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý ngành đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra, trong đó có tình trạng rao bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Gửi chất vấn tới Bộ trưởng Tô Lâm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phản ánh, hiện nay tình trạng thông tin cá nhân đang được rao bán trên các hội, nhóm mạng xã hội diễn biến phức tạp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nêu câu hỏi

Theo đại biểu, dù thời gian qua công an các địa phương đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội, nhưng vẫn còn nhiều đối tượng đang hoạt động và chưa bị phát hiện, xử lý.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả vấn đề này để cho người dân an tâm về thông tin cá nhân của mình sẽ không bị trôi nổi trên mạng xã hội?” – bà Thuỷ nêu câu hỏi.

Chung mối quan tâm, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an nêu giải pháp để bảo vệ thông tin cá nhân. Theo bà Hương, việc bảo vệ thông tin cá nhân đã được Hiến pháp quy định nhưng hiện nay tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn phổ biến.

Hồi âm, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân hiện đang rất đáng báo động, trong khi hành lang pháp lý để bảo vệ thông tin cá nhân chưa hoàn thiện.

Để hạn chế tình trạng trên, theo Bộ trưởng, Bộ Công an đã triển khai các giải pháp như xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng gặp nhiều khó khăn.

“Bộ đã 10 lần trình Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng thời gian tới mới được ban hành. Bộ cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ đề trình Quốc hội Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân” – Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Giải pháp tiếp theo được Bộ trưởng nêu là tăng cường nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tích cực điều tra xử lý nghiêm hành vi làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.

“Chúng tôi đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho là có nguồn gốc từ Bộ giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, có một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như Y tế cũng có nguy cơ bị lộ lọt, sẽ được tập trung để xử lý” – Bộ trưởng thông tin.

Trong báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua theo dõi, dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số nước ta đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 10/8

“Tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng trong khi người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai” - Bộ trưởng chỉ ra.

Tương tự, theo Bộ trưởng, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân cũng diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý.

Các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác. Các doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán.

“Nhiều dữ liệu bị rao bán công khai, trong thời gian dài, với số lượng lớn trên không gian mạng thông qua các website, tài khoản, trang, nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn tin tặc” - Bộ trưởng phản ánh.

Đặc biệt, xuất hiện một số công ty được thành lập mới, đầu tư xây dựng, vận hành các hệ thống kỹ thuật chuyên thu thập trái phép dữ liệu cá nhân để kinh doanh thu lợi nhuận; xây dựng các phần mềm chuyên thu thập thông tin cá nhân.

Vẫn theo người đứng đầu ngành Công an, chỉ trong 2 năm từ năm 2019 đến năm 2020, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý.

Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300 GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm...

Xuất hiện một số công ty chuyên thu thập trái phép dữ liệu cá nhân để kinh doanh
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang