Đề xuất cơ chế, chính sách đặc biệt triển khai dự án đường Vành đai 3 TPHCM

Thứ Năm, 28/04/2022 12:48

|

(CAO) Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án thành phần...

Tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thỉ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM. Dự án này, theo tờ trình, đầu tư khoảng 76,3 km, quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75m.

Dự án phân chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dụng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Nêu sự cần thiết đầu tư dự án này, Chính phủ khẳng định, dự án có vai trò liên kết Vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội.

Đường Vành đai 3 TPHCM có tổng mức đầu tư sơ bộ là 75.378 tỷ đồng

Việc đầu tư xây dựng Đường Vành đai 3 TPHCM, theo Chính phủ, sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TPHCM mà còn của các tỉnh, thành liên quan trong vùng TPHCM và của cả nước nói chung.

Dự án cũng giúp tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong Vùng, phù hợp với Quy hoạch giao thông quốc gia; giúp mở rộng không gian phát triền, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị cũng như giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.

Tính toán nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng, Chính phủ thông tin, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7 ha. Giải phóng mặt bằng phần tuyến một lần theo quy mô quy hoạch (8 làn xe). Riêng đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (đã được tỉnh Bình Dương đầu tư) chưa GPMB theo mặt cắt ngang quy hoạch trong giai đoạn 1; phần nút giao giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh đối với các nút giao liên thông (được đàu tư giai đoạn 1).

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng, trong đó bố trí 31.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và ngân sách trung ương.

UBND TPHCM và UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An bố trí nguồn vốn 29.676 tỷ đồng từ kết quả rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; huy động nguồn tăng thu (đấu giá quỹ đất dọc tuyến và các nguồn họp pháp khác) và vay lại Chính phủ từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ.

Giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 14.322 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương bố trí 7.361 tỷ đồng, ngân sách TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An bố trí 6.961 tỷ đồng.

Sau năm 2022 chuẩn bị dự án, dự án sẽ khởi công xây dựng năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026, quyết toán năm 2027.

Thu phí để hoàn vốn

Để triển khai dự án, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt. Theo đó, cho phép điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021- 2025), điều chuyển số vốn 17.146 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải về các địa phương để thực hiện theo phương án phân bổ: TPHCM 10.627 tỷ đồng, Đồng Nai 856 tỷ đồng, Bình Dương 4.266 tỷ đồng, Long An 1.397 tỷ đồng.

Chính phủ cũng xin được sử dụng linh hoạt vốn Ngân sách Trung ương và vốn Ngân sách địa phương để thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 phù họp cơ cấu nguồn vốn, tiến độ thực hiện Dự án. Các địa phương cam kết bố trí NSĐP cho phần vốn phát sinh tăng thêm trong trường hợp có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần. Cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.

Liên quan đến việc thu hồi vốn đầu tư, Chính phủ đề xuất, sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn tương ứng theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư. Chính phủ tổ chức thực hiện xây dựng phưong án, tổ chức thu hồi vốn đầu tư Dự án để hoàn trả vào NSTW và NSĐP.

Vẫn theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để cho các địa phương vay đáp ứng nhu cầu thực hiện, giải ngân cho các Dự án trong giai đoạn năm 2024-2025. Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu của NSĐP để hoàn trả NSTW trong giai đoạn 2026-2030, bao gồm cả nguồn thu từ khai thác quỹ đất hai bên đường dự án.

Đề cập đến tổ chức thực hiện dự án, Chính phủ đề nghị Quốc hội giao UBTVQH quyết định điều chỉnh Chủ trương đầu tư Dự án trong trường hợp cần điều chỉnh theo quy định. Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thành phần trong trường hợp điều chỉnh không làm vượt tổng mức đầu tư Dự án đã được Quốc hội thông qua (trước khi người có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án thành phần).

Với cơ chế chỉ định thầu, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án thành phần; các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định tại khoản này đến khi hoàn thành dự án.

Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Trong giai đoạn triển khai Dự án, đề xuất Quốc hội cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành Dự án.

Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Đối với các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường. Với địa phương ngoài khu vực Dự án có các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng sử dụng, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù như đối với mỏ khoáng sản tại các địa phương nơi có Dự án đi qua.

Bình luận (0)

Lên đầu trang