Lao động ở khu vực nông thôn vẫn chiếm tới 67,8%

Thứ Ba, 05/06/2018 09:13

|

(CAO) Trong báo cáo gửi Quốc hội trước khi lên “ghế nóng” sáng nay (5-6), Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay đã xử lý vi phạm của nhiều doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trước đó, trong 2 năm 2016 và 2017, Bộ LĐTB&XH đã kiểm tra, thanh tra việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi xuất cảnh với hơn 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thu hồi giấy phép của 6 doanh nghiệp và đình chỉ hoạt động của 5 doanh nghiệp, xử phạt 31 doanh nghiệp. Tổng số tiền phạt từ năm 2016 đến hết năm 2017 là gần 4 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Bộ cũng cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã kịp thời phát hiện các sai phạm, chấn chỉnh hoạt động chưa đúng với quy định của pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là các sai phạm của doanh nghiệp về việc thu phí đối với người lao động vượt quá mức quy định, nhiều nhất là thị trường Đài Loan.

Vẫn theo báo cáo trên, năm 2017 cả nước đưa đi được gần 135 nghìn lao động (trong đó lao động nữ chiếm 39,6%); vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016. Đây là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54,5 nghìn lao động.

21,3% vụ trẻ em bị xâm hại là do người thân

Các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018 toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại.

Trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%, bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%. Tuy nhiên, việc xử lý một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được giải quyết kịp thời, chưa thỏa đáng, còn kéo dài dẫn đến bức xúc trong xã hội.

Ở thị trường lao động trong nước, trong năm 2017, cả nước đã giải quyết việc làm cho trên 1.633 nghìn người, đạt 102,1% kế hoạch, trong đó tạo việc làm trong nước cho 1.505 nghìn người, đạt 100,7% kế hoạch. Chất lượng việc làm dần được cải thiện, từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức.

Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các quý. Số người thất nghiệp trong quý I năm 2018 là 1,1 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp chung của toàn quốc quý I năm 2018 khoảng 2,01% (tỷ lệ này của quý I/2017 là 2,30%). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là trên 7%.

Tuy nhiên điểm bất cập trong thị trường lao động, theo Bộ trưởng Dung, là lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp (lực lượng lao động khu vực nông thôn 37,4 triệu người (chiếm 67,8%)), khu vực phi chính thức (56,8%), nơi có lao động thấp và chất lượng việc làm không cao. Đặc biệt, còn có sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế, mặc dù số lượng lao động không có việc làm lớn nhưng một số ngành nghề, địa phương không tuyển được lao động.

Bình luận (0)

Lên đầu trang