Phát hiện hàng loạt sai sót ‘động trời’ trong hầm Hải Vân

Thứ Ba, 02/08/2016 10:40  | Hoàng Quân

|

(CAO) Sau khi xuất hiện thông tin về hàng loạt vết nứt, vệt thấm trong hầm Hải Vân, PV còn tìm ra nhiều sai sót liên quan đến đường hầm dài nhất Đông Nam Á.

Nhiều vết nứt, vệt thấm trong hầm Hải Vân

Như Báo CA TP.HCM đã thông tin, công trình đường hầm xuyên qua đèo Hải Vân, nối liền tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP.Đà Nẵng là công trình hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á với 6.280m, có tổng vốn đầu tư 3.465 tỷ đồng. Quy mô công trình là vĩnh cửu, đảm bảo cho lưu lượng 15.000 xe/ngày đêm (đến năm 2020), tốc độ thiết kế 80km/giờ, tải trọng 30 tấn. Công trình xuất hiện những vết nứt, vệt thấm từ sau thời gian khai thác (tháng 6-2005).

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản), ngoài xuất hiện các vết nứt trong hầm thì tình trạng thiết bị trong hầm cũng hư hỏng hoặc xuống cấp nghiêm trọng, điển hình như: hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa được cơ quan quản lý (Cục Cảnh sát PCCC & CNCH) thống nhất đưa vào sử dụng, hệ thống lọc bụi tĩnh điện ngừng hoạt động, quạt cấp khi số 2 của hệ thống thông gió bị hỏng không hoạt động được, hệ thống máy lạnh làm mát thiết bị hỏng hoàn toàn... Đây thực sự là những sai sót nghiêm trọng gây xôn xao dư luận.

Các vết nứt khủng trên trong hầm Hải Vân

Hầm đường bộ Hải Vân 1 vốn được Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Cty Hamadeco) khai thác, sử dụng và quản lý sau đó chuyển giao cho Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả (Cty Đèo Cả) vào ngày 22-11-2015.

Ông Nguyễn Tấn Đông – phó Tổng Giám đốc Cty Đèo Cả cho biết, các vết nứt trên bề mặt bê tông vỏ hầm của hầm Hải Vân đã được đơn vị quản lý trước đây là Cty Hamadeco phát hiện, đã khảo sát, đánh giá và đã báo cáo kết quả lên các cơ quan chức năng. Sau khi tiếp nhận quản lý vận hành hầm Hải Vân, Cty Đèo Cả đã nắm lại tình trạng các vết nứt và đang tiếp tục theo dõi thường xuyên sự phát triển của vết nứt.

Hầm Hải Vân được thiết kế và thi công theo phương pháp xây dựng hầm mới NATM của Áo, nên kết cấu vỏ hầm theo thiết kế không phải là kết cấu chịu lực, mà là kết cấu để đảm bảo cấu tạo, thẩm mỹ, treo lắp hệ thống thiết bị như chiếu sáng, quan sát, thông gió...

Hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa được cơ quan quản lý thống nhất đưa vào sử dụng

Do đó vai trò của kết cấu này không quyết định đến tính chịu lực của hầm. Vỏ hầm làm bằng kết cấu bê tông và bê tông cốt thép thường nên không có yêu cầu chống nứt với loại kết cấu này mà chỉ có quy định về kiểm soát vết nứt như bề rộng không được vượt quá 0,3mm. Thực tế trên vỏ hầm đã xuất hiện một số vết nứt lớn hơn 0,3mm từ trước khi Cty Đèo Cả tiếp nhận.

Trước đó, Cty Hamadeco và các đơn vị chức năng khảo sát và đánh giá mức độ ảnh hưởng của vết nứt này đối với sự ổn định của kết cấu vỏ hầm. Kết quả không làm ảnh hưởng đến kết cấu này. Hầm vẫn đảm bảo đủ điều kiện sử dụng bình thường. Trong quá trình sử dụng tiếp theo sẽ tiếp tục quan trắc để triển khai sửa chữa kịp thời nếu các vết nứt tiếp tục phát triển.

Về phương án sữa chữa vết nứt, ông Nguyễn Tấn Đông cho biết, công nghệ sửa chữa các hư hỏng cục bộ của kết cấu bê tông hiện đã có nhiều tiến bộ, cho phép khôi phục nhanh và hoàn toàn khả năng chịu lực, tính ổn định và mỹ quan của kết cấu. Cty Đèo Cả đã thuê tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) để thực hiện công tác khảo sát đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp sửa chữa hầm Hải Vân 1.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Nhà đầu tư thực hiện sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân 1 đặc biệc là hệ thống PCCC hoàn thành trước khi tiến hành mở rộng hầm Hải Vân 2 (dự án mở rộng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Cty Đèo Cả thực hiện với kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020).

Công nhân đang sữa chữa trong đường hầm

Để đánh giá hồ sơ thiết kế của Nippon Koei và xây dựng kế hoạch theo dõi vết nứt, Cty đã phối hợp với Tư vấn Quốc tế Alpin Technik (Đức) để khảo sát và đánh giá hiện trạng vết nứt trên toàn bộ chiều dài hầm bằng phương pháp sử dụng hệ thống quét ảnh camera (phương pháp hiện đại nhất hiện nay). Kết quả sơ bộ có thể khẳng định là các vết nứt trên vỏ hầm không làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu.

Tuy nhiên để tăng mức độ an toàn khi thi công hầm Hải Vân 2, các chuyên gia của Đức khuyến cáo nên sửa chữa triệt để các vết nứt hiện tại. Đặc biệt đối với những vết nứt đã được Cty Hamadeco sửa chữa trước đây với bề rộng lên tới 3,5cm, có xu hướng sẽ nứt trở lại hoặc có khả năng mở rộng khe nứt, trong trường hợp vật liệu hàn gắn trước đây không đảm bảo về chất lượng. Do đó, giải pháp tốt nhất là theo dõi và bảo trì thường xuyên, để duy trì độ bền và tuổi thọ của công trình.

Trước hàng loạt sai sót như trên, đơn vị quản lý khẳng định công trình vẫn an toàn, không ảnh hưởng đến kết cấu của đường hầm liệu người tham gia giao thông có an tâm và tin tưởng được không?

Trao đổi với PV, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Lãnh đạo Bộ đã nắm được thông tin về hầm Hải Vân xuất hiện nhiều vết nứt. Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư là Cty Đèo Cả mời các đơn vị tư vấn độc lập của nước ngoài khảo sát, thăm dò để xác định nguyên nhân cũng như tìm hướng xử lý. Theo đánh giá ban đầu, những vết nứt này chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cũng như hoạt động khai thác của hầm nhưng về lâu dài, để công trình đảm bảo chất lượng thì phải xử lý dứt điểm các vết nứt xuất hiện trong hầm. Công tác này phải hoàn thành trước khi thực hiện dự án mở rộng đường hầm Hải Vân 2”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang