Sẽ xem xét bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc

Thứ Ba, 01/09/2020 18:25

|

(CAO) Hơn 17 giờ chiều 1-9-2020, TPHCM tổ chức họp báo thông tin về việc Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc có 02 quốc tịch Việt Nam và Cyprus (Cộng hoà Síp).

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ, ông Hà Quốc Thắng – Chánh văn phòng UBND TP, ông Từ Lương – Phó giám đốc Sở TT-TT, Giám đốc Trung tâm báo chí TP, ông Nguyễn Duy Tân – Phó giám đốc Sở Nội vụ cùng chủ trì họp báo.

Họp báo thông tin về việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch

Như báo chí, dư luận đưa tin, sau khi hãng tin Al Jazeera của Qatar đăng các bài viết về tài liệu mật thu thập được, mang tên chương trình hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp). Trong đó, bài viết nêu ra nhiều cá nhân ở các nước đã bỏ ra ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD) để sở hữu “hộ chiếu vàng” của Cyprus.

Những người sở hữu hộ chiếu Cyprus sẽ trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU, và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. Với những lợi ích đó, trong 3 năm (từ 2017 đến 2019) đã có khoảng 2.500 hộ chiếu dạng này được Cyprus cấp.

Điều đáng nói, trong loạt bài viết này đã nêu ĐBQH Phạm Phú Quốc (SN 1969, quê quán Quảng Trị), Đại biểu Quốc hội khóa XIV đang có quốc tịch thứ 2 của Cyprus. 

Sau khi thông tin được công bố, hàng loạt các trang mạng của Việt Nam đã dẫn nguồn, thu hút dư luận. Bởi ông Phạm Phú Quốc hiện là ĐBQH đương nhiệm (là Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội), Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC – doanh nghiệp 100% vốn nhà nước).

ĐBQH Phạm Phú Quốc

Được biết, ông Quốc trúng cử ĐBQH khoá XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) ở đơn vị bầu cử số 4 TPHCM, với tỷ lệ 53,94%. Ông Quốc từng giữ các chức vụ: Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV. Ngày 4-12-2019, ông Quốc được UBND TPHCM bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Sau khi gây xôn xao dư luận, đến ngày 27-8-2020, ông Quốc đã có đơn giải trình báo cáo và xin thôi ĐBQH và Tổng giám đốc IPC.

Tại cuộc họp báo, ông Hà Quốc Thắng khẳng định: Tại thời điểm MTTQ địa phương giới thiệu ông Phạm Phú Quốc cũng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để tham gia ứng cử ĐBQH, đồng thời vẫn chưa có thông tin vợ và con có quốc tịch Cyprus. Đến tháng 2-2018, ông Quốc có thêm quốc tịch thứ 2, Cyprus mà không khai báo là không chấp hành đúng quy định.

Đông đảo PV báo đài đến tham dự.

Qua phản ánh của báo chí, các đơn vị chức năng có liên quan cũng đã rà soát và có báo cáo đề xuất hướng xử lý.

“Ngay trong tuần này, đoàn ĐBQH TP sẽ họp lại và có báo cáo để xem xét bãi miễn tư cách ĐBQH đối với ông Quốc theo Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội. Về mặt Đảng, xem xét và đề xuất xử lý theo đúng quy định, thực hiện trong tháng 9-2020. Ngay trong tuần này, UBND TP sẽ chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu để có quyết định đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc, và giao cho các đơn vị chức năng làm rõ trách nhiệm của ông Quốc trong thời gian công tác”, ông Thắng cho biết.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ thông tin tại buổi họp báo

Trả lời báo chí về việc có hay không việc ông Quốc bỏ ra khoảng 2,5 triệu USD để "mua" quốc tịch Cyprus, ông Khuê cho biết: Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có tài liệu khẳng định việc ĐBQH Phạm Phú Quốc mua quốc tịch Cyprus. Đồng thời, ông Quốc cũng đã có đơn giải trình và khẳng định việc có quốc tịch thứ 2 là do gia đình bảo lãnh.

“Về trách nhiệm của đảng viên, tổ chức Đảng nơi Phạm Phú Quốc sinh hoạt sẽ căn cứ vào báo cáo để cơ sở Đảng có xem xét, đối chiếu quy định của Đảng, trách nhiệm của đảng viên, và những vấn đề đó sẽ được thông tin rộng rãi đến cử tri để hiểu rõ”, ông Khuê nêu rõ.

Theo quy định Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015, ĐBQH phải là công dân Việt Nam, đủ 21 tuổi trở lên, có quyền ứng cử, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua hiệp thương nhân dân đưa vào danh sách ứng cử ĐBQH, có đủ số phiếu cần thiết để trở thành ĐBQH và được Ủy ban thẩm tra tư cách ĐBQH xác định đủ tư cách làm ĐBQH.
Theo Điều 22, Luật tổ chức Quốc hội hiện hành quy định về tiêu chuẩn của ĐBQH gồm 5 tiêu chuẩn như: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm…
Còn theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội (ngày 1-1-2021 có hiệu lực), bổ sung vào một tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” (khoản 1a, điều 22).

Bình luận (0)

Lên đầu trang