Quảng Nam:

Sự thật vụ Bí thư thị trấn 'khai man' năm sinh để nhận Huy chương kháng chiến

Thứ Bảy, 13/05/2017 09:30

|

(CAO) Chuyện khó tin, nhưng hoàn toàn có thật, chỉ một người lại “sở hữu” đến 4 năm sinh khác nhau tại tỉnh Quảng Nam. Đáng nói, người đang bị chỉ trích, sở hữu đến 4 năm sinh này lại là ông Đặng Ngọc Dũng, Bí thư đương nhiệm tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại lộc, tỉnh Quảng Nam).

Thu hồi tiền trợ cấp của nguyên Bí thư Tỉnh ủy khai man thành tích

Một cán bộ lãnh đạo có đến 4 năm sinh?

Những ngày qua, dư luận tỉnh Quảng Nam không khỏi xôn xao, đặt nhiều dấu hỏi lớn trước thông tin tố giác ông Đặng Ngọc Dũng – Bí thư thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) khai man tuổi để làm hồ sơ nhận Huy chương kháng chiến hạng Nhì.

Ông Phạm Lương – Trưởng phòng Nội vụ huyện Đại Lộc

Cụ thể, hiện ông Dũng “sở hữu” đến 4 năm sinh khác nhau được thể hiện trong giấy tờ, hồ sơ cùng những bằng khen, thành tích kháng chiến và bằng cấp của mình. Trong đó, ông Dũng có tuổi sinh thực tế là 1962; Trong hộ khẩu và chứng minh nhân dân năm sinh là 1964; Bằng tốt nghiệp THPT, hồ sơ cán bộ công chức, kể cả hồ sơ bảo hiểm xã hội lại là sinh năm 1967; Đặc biệt, hồ sơ khai để nhận Huy chương kháng chiến lại có năm sinh là 1956 ?.

Đi tìm lời giải cho sự lệch năm sinh đầy “ly kỳ” đến khó tin này, PV báo Công an TP.HCM trực tiếp đến UBND thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, và tiếp xúc với những “người liên quan” để có câu trả lời rộng đường dư luận. Trả lời câu hỏi của PV, vì sao trong hồ sơ, giấy tờ của một cán bộ lãnh đạo thị trấn lại có đến 4 năm sinh khác nhau. Nhưng đến nay chính quyền địa phương mới phát hiện?...

Ông Phạm Lương – Trưởng phòng Nội vụ huyện Đại Lộc đã xác nhận: Trong một số giấy tờ, hồ sơ, lý lịch của ông Đặng Ngọc Dũng đã có sự sai lệch về năm sinh. Việc ông Dũng khai năm sinh, số tuổi lớn hơn tuổi thật để có đủ điều kiện làm hồ sơ, làm thành tích, nhận huy chương là có thật. Ông Dũng khai tuổi không đúng, và nhiều lần thay đổi năm sinh như vậy là sai phạm, khai man.

Ông Đặng Ngọc Dũng – Bí thư thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam)

Thực tế tuổi của ông Dũng là sinh 1962, và hồ sơ của ông Dũng hiện đang lưu tại Phòng Nội vụ là sinh 1967. Còn theo điều tra, từ phía gia đình ông Dũng cung cấp thì vào thời điểm đó không có khai sinh. Cũng có rất nhiều trường hợp như ông Dũng, trong thời điểm chiến tranh đã khai không đúng tuổi thật, nhằm mục đích để trốn bị bắt đi lính Ngụy. Hoặc sau giải phóng, khai tuổi nhỏ lại để được đi học dù đã quá tuổi “phổ thông”…

Cũng theo ông Lương, người nhận Huy chương kháng chiến hạng Nhì không có tiền bạc gì, mà Huân chương kháng chiến mới có. Do đó bấy giờ ông Dũng chỉ nghĩ đơn giản, cũng không có ý đồ gì khi khai tăng tuổi ngoài mục đích để “phù hợp”… Hiện vụ việc sai lệch năm sinh của ông Dũng đang được các cấp chức năng của huyện Đại Lộc và tỉnh Quảng Nam tiếp tục thẩm tra, xử lý.

Đơn trình bày của ông Dũng gởi các cấp xem xét việc ông nhận Huy chương kháng chiến hạng Nhì

Trực tiếp đề cập chuyện “4 năm sinh chỉ một người” với ngay nhân vật chính, ông Đặng Ngọc Dũng, ông cũng thừa nhận: Đúng là trong giấy tờ, lý lịch của ông nhiều điểm không đồng nhất về năm sinh. Nhưng việc ông khai lệch năm sinh, hoàn toàn không phải vì mục đích “khai gian’ để nhận vơ thành tích, hay huy chương. Hoặc ông có bất cứ một lợi ích, vụ lợi cá nhân nào như lời đồn đoán và dư luận chỉ trích nhiều ngày qua về ông. Việc này, ông Dũng cũng đã gửi đơn trình bày lên các cấp lãnh đạo để xem xét...

Lý giải của người trong cuộc

Giữa tâm bão chỉ trích của dư luận, và để “giải oan” cho mình, Bí thư thị trấn Ái Nghĩa, ông Đặng Ngọc Dũng đã gửi một lá đơn trình bày gửi Hội đồng thi đua – Khen thưởng tỉnh Quảng Nam. Trong đơn, ông Dũng lý giải: “Tôi được sinh ra, lớn lên trong một gia đình cách mạng tại quê ngoại Xóm Nổ, xã Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Nam. Nơi đây là một trong những vùng tranh chấp ác liệt và là căn cứ cách mạng giáp ranh 3 xã Điện Tiến – Điện Hồng – Đại Hiệp”.

Xác nhận kê khai thành tích của ông Đặng Ngọc Dũng được ông Hồ Hữu Hùng ký

Cha đi thoát ly hoạt động cách mạng, mẹ và bà ngoại bám trụ tham gia kháng chiến. Lên 7, 8 tuổi tôi được mẹ và các anh, chị du kích hướng dẫn đi xóa dấu chân cán bộ đi tránh càn của địch... Đến năm 1973, được kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, tiếp tục được giao nhiệm vụ làm công tác giao liên, mang cơm tiếp tế cho bộ đội địa phương và du kích tại trận địa bố phòng ở Điện Tiến trong đợt lấn đất giành dân năm 1974…

Đến năm 1975, khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, gia đình chuyển về quê nội ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc. Lúc này, vì mong muốn cho con trai được đi học, nên gia đình đã khai lại năm sinh cho tôi từ 1964 thành 1967 để phù hợp với tuổi đi học. ..

Còn theo ông Hồ Hữu Hùng (quê ở Điện Tiến, Điện Bàn, từng là xã đội phó xã Điện Tiến giai đoạn 1971 -1974, nguyên Bí thư xã Điện Tiến) xác nhận: “ Tôi là người trực tiếp cùng một số đồng chí trong ban chỉ huy xã đội giao nhiệm vụ cho anh Đặng Ngọc Dũng làm giao liên, liên lạc, cảnh giới địch, phục vụ cho các anh, chị du kích đánh địch…

Ông Phan Chí Hòa - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đại Hiệp, Đại Lộc

Sau khi nước nhà thống nhất, Nhà nước có chủ trương kê khai thành tích có công kháng chiến chống Mỹ. Tôi đã hướng dẫn, xác nhận và đề nghị anh Dũng khai tăng năm sinh 1956 để Hội đồng thi đua khen thưởng xã Đại Hiệp xét xứng đáng với công lao đóng góp của ông Đặng Ngọc Dũng”… Cũng chính vì lý do này, một lần nữa ông Dũng đã “sửa đổi” năm sinh từ 1964 thành 1956 vào trong bản báo cáo thành tích kháng chiến của mình. Và nhờ việc xét duyệt của các cấp lúc bấy giờ, nên một thời gian sau, ông Dũng được gọi lên xã để nhận Huy chương kháng chiến Hạng nhì...

Để tìm hiểu thêm vụ việc, PV Báo Công an TP.HCM đã gặp ông Phan Chí Hòa (SN 1958, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đại Hiệp, Đại Lộc). Ông Hòa cung cấp: Giai đoạn (1965-1970) ông là Đội trưởng Đội Thiếu niên Tiền phong của xã Đại Hiệp. Khoảng năm 1973, ông Dũng đã được kết nạp vào đội, và được giao nhiệm vụ lượm mảnh bom, cảnh giới địch, xóa dấu vết bộ đội đi qua… Vì vậy, những hoạt động của ông Dũng trong chiến tranh là sự thật, không thổi phồng thành tích.

Riêng “người trong cuộc”, nhân vật chính sở hữu đến 4 năm sinh khác nhau, ông Đặng Ngọc Dũng lại thẳng thắn: “Thành tích của tôi ở tuổi thiếu niên trong chiến tranh là vậy, tôi không hề có một chút gì gian dối, vì nhân chứng sống đã giao công việc và biết việc làm của tôi hiện nay vẫn còn hàng chục người đang sinh sống ở Điện Tiến, Điện Hồng và Đại Hiệp. Tấm Huy chương hạng Nhì đó là một chút vinh dự về những đóng góp của bản thân...

Tuy nhiên, việc tự khai năm sinh lớn hơn tuổi thật trong tờ báo cáo thành tích là sai trái. Do vậy, tôi đã làm đơn gởi Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp xem xét, nếu thấy việc khai báo tăng tuổi của tôi là không hợp lệ và không công nhận được thành tích, thì cho tôi được giao nộp lại Nhà nước tấm Huy chương đã nhận…

Bình luận (0)

Lên đầu trang