TP.Hồ Chí Minh:

Tăng cường giáo dục ứng xử văn minh trong môi trường đô thị hiện đại

Thứ Bảy, 27/06/2020 22:20

|

(CAO) Tại chương trình, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Văn hoá bên trong đó, chính là đặc điểm của dân tộc, triết lý sống của cộng đồng dân cư, nếp sống trở thành chuẩn mực của cộng đồng, đem lại sức mạnh quốc gia.

Chiều 27/6, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình “Đối thoại Văn hóa” với chủ đề “Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TPHCM – TP Văn hóa”.

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Phan Nguyễn Như Khuê.

Những giá trị văn hóa tiêu biểu của người Việt Nam

Tại chương trình, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Văn hoá bên trong đó, chính là đặc điểm của dân tộc, triết lý sống của cộng đồng dân cư, nếp sống trở thành chuẩn mực của cộng đồng, đem lại sức mạnh quốc gia. Sức mạnh quốc gia không chỉ đo bằng sức mạnh kinh tế, đo bằng giá trị vật chất, mà còn bằng sức mạnh văn hóa.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại chương trình.

Nền văn hóa Việt Nam được hình thành như Đảng ta đã nhận định: “Văn hóa Việt Nam là thành quả của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước kiên cường, bất khuất, đầy gian khổ hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam. Trong đó, yêu nước là nền tảng, là động lực của quá trình hình thành văn hóa Việt Nam, đồng thời là hạt nhân cơ bản, là điều cốt lõi nhất tạo nên hệ giá trị của cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt Nam”- Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Theo Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân, những giá trị văn hóa tiêu biểu của người Việt Nam là yêu nước, đoàn kết, thương người, cần cù, dũng cảm, kiên cường; gia đình tình nghĩa vàng son; trung thực, sáng tạo; vị tha, nam nữ bình quyền; thượng tôn pháp luật… Có khoảng 20 thuộc tính rất đặc biệt, trong đó yêu nước là hàng đầu.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết: Trong Dự thảo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP cũng xác định mục tiêu “xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á”.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các chuyên gia văn hóa, người làm nghệ thuật, quản lý, đảng viên, người Việt Nam ở nước ngoài… cùng trao đổi về văn hóa. Đặc biệt từ nay trở đi, TP sẽ tổ chức đối thoại văn hóa định kỳ trên các phương tiện truyền thông.

Bên cạnh đó, người dân TP chung tay để văn hóa trở thành yếu tố đặc trưng, động lực cho phát triển, để xây dựng TPHCM trở thành TP văn hóa, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học công nghệ của đất nước và khu vực.

Nhân tố xây dựng con người là quan trọng hàng đầu

Tại chương trình, đa số các đại biểu cho rằng giới trẻ hiện nay cần phải rèn luyện lối sống lành mạnh, vì cộng đồng, ứng xử văn minh trong môi trường đô thị hiện đại.

Bên cạnh đó, công cuộc hội nhập sâu rộng với thế giới đã tạo ra cho chúng ta nhiều cơ hội và cả thách thức, giới trẻ cần đặt cho mình mục tiêu nâng cao trí tuệ, hoàn thiện giá trị, nhân cách, bản lĩnh văn hóa con người TP trước tác động của các nền văn hóa khác trong xu thế giao lưu, hội nhập toàn cầu hiện nay.

Đồng thời, TPHCM cần quan tâm những giải pháp căn cơ về “văn hóa” giúp khắc phục những bất cập, hạn chế trong phát triển về văn minh đô thị nhằm hướng đến một xã hội công nghiệp, hiện đại nhưng vẫn giữ vững được bản sắc riêng, trong đó nhân tố xây dựng con người là quan trọng hàng đầu.

Các đại biểu tham gia buổi đối thoại

Một số ý kiến cho rằng, văn hóa giao tiếp cộng đồng giúp mỗi người phát triển văn hóa cá nhân, góp phần thực hiện các quy ước cộng đồng một cách tích cực, tự giác, qua đó thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Bên cạnh đó, văn hóa giao tiếp tạo bầu không khí lành mạnh, là điều kiện để cộng đồng phát triển bền vững, là nơi trực tiếp gìn giữ, tiếp thu văn hóa dân gian, văn hóa cộng đồng tạo nên đời sống văn hóa chung lành mạnh, phong phú.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm nhấn mạnh: Đây là chương trình đối thoại văn hóa số đầu tiên phát sóng trên Đài Truyền hình TP, được tổ chức trang trọng, cầu thị theo hình thức đối thoại với hình thức đặt vấn đề trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia, các nhà quản lý, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí, người dân TP với lãnh đạo TP về thực trạng các vấn đề cần đề xuất, hiến kế, kiến nghị với lãnh đạo TP nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các nét đẹp riêng về văn hóa của người dân TP, gắn với giao lưu văn hoá thế giới, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân TP.

“Đời sống thực tiễn TP luôn sôi động, ẩn chứa nhiều điều mới mẻ nhưng các tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay lại chưa phản ánh được thực tế đó, chưa có những tác phẩm xứng tầm.

Do đó, việc tổ chức một kênh đối thoại văn hóa định kỳ phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội là một việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay, là diễn đàn để cùng chia sẻ, đề xuất các nội dung, kiến nghị mà các ngành, các cấp có thể đưa ra đối thoại, cùng tìm ra các giải pháp căn cơ.” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm khẳng định.

Đồng chí  Lê Thanh Liêm cũng đề nghị các sở, ngành quan tâm, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về giáo dục gắn với xây dựng nền tảng văn hóa, giáo dục để phát triển toàn diện con người từ trong nhà trường; Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP; Giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của bản sắc văn hoá truyền thống, văn hoá gia đình, những phẩm chất đặc trưng của con người TP trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Bên cạnh đó, xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật vận động của văn học nghệ thuật trong quá trình hội nhập và xu thế phát triển nhằm tạo điều kiện phát triển văn học nghệ thuật TP một cách đúng tiềm năng, thế mạnh. Đồng thời, có những giải pháp đồng bộ để phát triển và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về văn hoá của TP; tạo ra những hoạt động văn hoá mang đậm dấu ấn TP, là điểm đến tiêu biểu cho du khách trong và ngoài nước; quan tâm chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp văn hoá của TP; Quan tâm đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, đẩy mạnh cơ chế chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hoá các hoạt động văn hoá.

Kết luận tại chương trình, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần đưa nghệ thuật dân gian vào các trường học phổ thông. Mỗi một di tích, di sản văn hoá được công nhận cần có 1 trường phổ thông đỡ đầu để di sản, di tích đó sống gắn với thiếu nhi. Bên cạnh đó, cần dành tỷ lệ ngân sách cố định cho ngành văn hoá của TP. “Đầu tư cho văn hoá là đầu tư lâu dài, đem lại hiệu quả cao”- Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu TP cần có trường Trung học phổ thông năng khiếu văn hoá nghệ thuật TPHCM. Nếu thành lập trường này, tất cả nghệ sĩ đang hoạt động trên địa bàn TP sẽ là giáo viên thỉnh giảng.

Ngoài ra, cần nghiên cứu thực trạng về đời sống văn hoá trên địa bàn TP dưới góc độ hình thành hệ sinh thái về nghệ thuật; hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang