Thủ tướng đề nghị chưa tăng lương

Thứ Tư, 20/05/2020 12:44

|

(CAO) Lý giải, Thủ tướng cho biết, việc này nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Tác động của dịch bệnh rất nghiêm trọng

Báo cáo bổ sung kết quả năm 2019, tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2020 tại phiên họp Quốc hội sáng 20/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tác động của đại dịch Covid-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng do nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế.

Phiên họp Quốc hội sáng nay, 20/5

Dịch bệnh, theo Thủ tướng, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, dịch bệnh còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dịch tả lợn châu Phi… cũng gây thiệt hại lớn ở nhiều vùng, địa phương cùng với tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp.

“Đại dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế” - Thủ tướng khái quát.

Phân tích kỹ hơn, báo cáo của Thủ tướng chỉ ra, khu vực nông nghiệp chỉ tăng 0,08% do khó khăn rất lớn trong xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp tăng 1,8%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và đối mặt với thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và khó khăn thị trường đầu ra. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy, chế biến gỗ, thủy sản... sụt giảm mạnh.

Khu vực dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống, vận tải... Tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm giảm 4,3%.

Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn ở tất cả các loại hình, quy mô doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các hợp tác xã, hộ kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,3% và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6%.

Đáng chú ý, nhu cầu lao động sụt giảm nghiêm trọng. Thống kê cho thấy, trong quý I/2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 55,3 triệu người, giảm 673,1 nghìn người so với quý trước và giảm 144,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân là do thị trường lao động giảm ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước và ở các ngành, nghề lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,22%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,73%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,97%; khu vực nông thôn là 2,52%.

Số lao động bị ảnh hưởng là trên 5 triệu người (trong đó, 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ, hàng không nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc). 

Tính chung 4 tháng, số lao động mất việc là 670.000 người, riêng tháng 4 có 270.000 người mất việc làm.

Vẫn có những điểm sáng

Mặc dù gặp khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH sau dịch.

Mặc dù giảm khá mạnh so với cùng kỳ, nhưng tăng trưởng GDP quý I vẫn đạt 3,82%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới. Trong khó khăn, nhiều địa phương vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao.

“Chúng ta vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, không để rơi vào suy thoái, trong khi hầu hết các nước, đối tác lớn đều tăng trưởng âm” - Thủ tướng thông tin.

An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm, cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.

Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại phiên họp

Cùng với đó, Việt Nam vẫn quan tâm dành nhiều nguồn lực, chú trọng bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quốc phòng an ninh và các hoạt động đối ngoại.

Việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới không chỉ tạo niềm tin rất lớn trong nhân dân. Lợi thế này, theo Thủ tướng, cần được tận dụng để vươn lên mạnh mẽ.

Để duy trì và tạo đà phát triển cho thời gian tiếp theo, Thủ tướng đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.

Thủ tướng cũng mong Quốc hội đồng ý cho chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả.

Bên cạnh miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020.

Việc này, theo người đứng đầu Chính phủ, là để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Một đề nghị nữa với Quốc hội, được Thủ tướng nêu ra, là xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch và an sinh xã hội; góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang