(CATP) Năm 2020 chắc chắn sẽ được ghi nhớ trong lịch sử loài người như một năm đầy biến cố mà điểm nhấn đáng chú ý nhất là sự bùng phát và tràn lan của đại dịch Covid-19. Bệnh dịch chưa có tiền lệ đã làm cho cả hành tinh bị bao phủ bởi nguy cơ chết chóc và khiến cuộc sống của hàng tỷ người bị xáo trộn.
Đất nước Việt Nam bước vào năm 2020 với những dự báo rất lạc quan về sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng sẽ đạt một tỷ lệ cao chưa từng thấy kể từ cuộc suy thoái kinh tế vào những năm cuối thập niên trước. Nhưng rồi, trong các nỗ lực ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng, nhà chức trách buộc phải triển khai một loạt các biện pháp giãn cách, phong tỏa,... Hệ quả là sinh hoạt xã hội bị hạn chế; hoạt động giao thương, sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng, có lúc thậm chí bị đình trệ. Triển vọng tăng trưởng dự kiến ban đầu trở thành không tưởng.
Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ và người dân đã thể hiện sự đồng lòng chung tay ứng phó. Các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt đã được phát huy, giúp đất nước tạo ra điều thần kỳ mà cả thế giới phải nhìn nhận với thái độ ngưỡng mộ.
Với một hệ thống dịch vụ y tế chưa thật sự phát triển, Việt Nam đã và đang thành công trong việc khống chế dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng. Số ca nhiễm, số người chết do không qua khỏi ở mức thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Có lúc, có nơi ghi nhận ổ dịch; nhưng nhờ sự cảnh giác cao độ của các cơ quan chuyên trách, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị và sự tích cực hợp tác với ý thức kỷ luật cao của quần chúng nhân dân, các ổ dịch đã nhanh chóng bị dập tắt.
Trong không gian nội địa an toàn, các hoạt động giao tiếp giữa người và người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội - đi lại, học tập, hội họp, sản xuất, ẩm thực, du lịch, giải trí,... - được thực hiện bình thường. Điểm khác biệt duy nhất là sự phổ biến của chiếc khẩu trang trên mặt người và chai nước rửa tay diệt khuẩn ở nơi công cộng.
Sự thành công trong việc duy trì ổn định cuộc sống bình thường, nếu không muốn nói là vẫn nhộn nhịp, sôi động, trong bối cảnh đại dịch hoành hành trên toàn cầu đã giúp nền kinh tế quốc gia đứng vững và tiếp tục phát triển đi lên. Các số liệu thể hiện bức tranh kinh tế sáng sủa liên tục xuất hiện: hàng chục ngàn doanh nghiệp mới được thành lập; thu ngân sách vẫn đạt chỉ tiêu dự kiến; xuất khẩu gạo phá kỷ lục về giá trị và có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng; giá trị xuất siêu chạm mức gần 20 tỷ USD;... Tổng kết cuối năm, Việt Nam được ghi nhận nằm trong số rất ít quốc gia sở hữu tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dương. Đây thực sự là lợi thế không nhỏ, sẽ tạo điều kiện cho đất nước thu ngắn cách biệt với các nước tiên tiến về các chỉ số phát triển.
Bước vào năm 2021, những thách thức, khó khăn đặc trưng của năm qua vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, điều chắc chắn là Chính phủ và nhân dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đã "thiện chiến" hơn trên mặt trận chống đại dịch, đặc biệt là trong việc vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh hoạt động kinh tế. Vả lại, việc chế tạo, thử nghiệm và sản xuất hàng loạt vắc-xin phòng dịch đang ở trong lộ trình hiện thực hóa tương đối suôn sẻ trên phạm vi toàn cầu. Có thể nói cả đất nước đã có sự chuẩn bị thật chu đáo và ở trong tư thế sẵn sàng, phong thái tự tin và lạc quan để dấn thân chinh phục những cột mốc mới trên con đường dẫn đến sự phồn vinh.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, (Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen)