CSGT Công an TPHCM: Ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả công tác

Thứ Hai, 22/02/2021 11:12

|

(CATP) Bắt kịp xu thế của thời đại cách mạng công nghệ 4.0 trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự - an toàn xã hội, khoa học và công nghệ được xác định là một trong những biện pháp cơ bản góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Trong thành tích của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an TPHCM (CATP) cũng không thể không nhắc đến sự đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN) và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật.

TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ ỨNG DỤNG CNTT TRONG CÔNG TÁC NGHIỆP VỤ

Song hành với sự phát triển mạnh mẽ của KHCN những năm gần đây, lãnh đạo Phòng CSGT ĐB-ĐS đã sớm quan tâm chỉ đạo đội ngũ CBCS tập trung nghiên cứu, vận dụng các thành tựu KHCN, triển khai có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), khoa học kỹ thuật vào công tác nghiệp vụ nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông (UTGT), đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn thành phố (TP), đồng thời giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho người dân. Việc ứng dụng CNTT được thực hiện có hiệu quả trong từng mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng CSGT, cụ thể:

Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (ĐB-ĐS) đã chủ động xây dựng mạng LAN nội bộ kết nối các máy tính trong đơn vị, phục vụ trao đổi, khai thác thông tin, báo cáo và lưu trữ dữ liệu, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ; đã xây dựng quy trình số hóa, lưu trữ, bảo mật cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của đơn vị, phục vụ đắc lực cho việc quản lý, khai thác và sử dụng.

Dựa trên hệ thống đèn tín hiệu giao thông, camera giám sát, năm 2020 Phòng CSGT ĐB-ĐS thành lập Tổ Điều hành giao thông nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT và tạo cơ chế điều hành nhịp nhàng trong việc giải quyết các sự cố về TTATGT trên địa bàn TP. Tổ sẽ tiếp nhận thông tin từ cơ quan truyền thông, cơ quan chức năng và nười dân thông qua các đường dây nóng, đặc biệt là thông tin qua quan sát hệ thống camera được gắn khắp TP của Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn và Trung tâm Chỉ huy CATP, sau đó thông báo đến bộ phận trực ban các đơn vị liên quan để điều động CBCS nhanh chóng đến hiện trường giải quyết.

Lực lượng CSGT CÔNG AN TPHCM luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới

Trong xử lý vi phạm, giải quyết TNGT, Phòng CSGT ĐB-ĐS đã triển khai ứng dụng các phần mềm tin học góp phần cải cách hành chính trong phục vụ công tác như: "Trích xuất và lập hồ sơ vi phạm qua hình ảnh", "Xử lý vi phạm hành chính", "Quản lý dữ liệu thanh lý phương tiện cơ giới đường bộ", phần mềm "Quản lý dữ liệu TNGT đường bộ"... do chính CBCS của phòng nghiên cứu, lập trình. Thông qua đó, công tác tiếp dân được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn, mặt khác giúp lực lượng CSGT kịp thời tra cứu, phân tích thông tin về đảm bảo TTATGT chính xác, chặt chẽ.

Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TPHCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước đi đầu trong công tác xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua hình ảnh. Sau khi ghi lại các hành vi vi phạm, CBCS sẽ lưu trữ phim, dữ liệu đồng thời trích xuất hình ảnh vi phạm để làm cơ sở xử phạt. Trên cơ sở phần mềm xử phạt, các đơn vị sẽ chuyển thông báo vi phạm đến chủ phương tiện đến trụ sở đơn vị xử phạt qua hình ảnh để tiến hành các bước tiếp theo.

Từ ngày 19-8-2020 phòng đã triển khai thí điểm mô hình đăng ký xe trực tuyến đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chưa qua sử dụng trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại TPHCM và Hà Nội. Người dân có thể thực hiện các thủ tục đóng lệ phí trước bạ và điền tờ khai đăng ký trực tuyến thông qua cổng này rồi đưa xe đến các địa điểm đăng ký để kiểm tra số khung, số máy.

Tổ điều hành giao thông Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TPHCM

TIẾP TỤC NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Bên cạnh đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền trong tình hình mới, Phòng CSGT ĐB-ĐS đã đưa vào vận hành Trang thông tin điện tử CSGT TPHCM thuộc Cổng thông tin điện tử Công an TPHCM (http://csgt.catphcm.bocongan.gov.vn), đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông ĐB-ĐS, cũng như giải đáp thắc mắc về thông tin pháp luật giao thông và hướng dẫn các thủ tục hành chính liên quan xử phạt vi phạm hành chính trong đến lĩnh vực giao thông ĐB-ĐS, công tác đăng ký xe... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật, hoạt động của lực lượng CSGT, các thông tin về tình hình TTATGT đến với đông đảo người dân một cách nhanh chóng, chính xác.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công tác nghiệp vụ của lực lượng CSGT không chỉ giúp giảm bớt áp lực về sức người mà còn góp phần quan trọng trong cải thiện tình hình TTATGT trên địa bàn TP. Từ năm 2015 - 2020, tình hình TNGT trên địa bàn TP đã có nhiều tiến triển khá tốt, riêng giai đoạn 2017 - 2020 liên tục đạt chỉ tiêu giảm cả 3 mặt số vụ, số người chết và số người bị thương. Bên cạnh đó, tình trạng UTGT trên địa bàn TP đến nay cũng đã giảm rõ rệt so với những năm trước, các điểm có nguy cơ UTGT từ 40 xuống còn 22 điểm phức tạp cần theo dõi.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc áp dụng KHCN vào công tác nghiệp vụ của lực lượng CSGT vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, ảnh hưởng đến hiệu quả, cụ thể: hệ thống máy tính không đồng bộ, cấu hình thấp nên quá trình vận hành, khai thác còn chậm, khả năng lưu trữ thấp; CBCS có trình độ về KHCN nói chung, công nghệ thông tin nói riêng còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu, chuyển giao các phần mềm, sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ công tác... Hệ thống camera giám sát, các nút đèn giao thông đã cũ, hư hỏng nhưng không có linh kiện thay thế...

CSGT gắn phiếu thông báo vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ lên phương tiện vi phạm

Để tăng cường hiệu quả ứng dụng KHCN vào công tác nghiệp vụ, Phòng CSGT ĐB-ĐS nói riêng đã thực hiện một số định hướng sau: Xác định công tác đào tạo, nâng cao trình độ KHCN cho CBCS, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay là nhiệm vụ hết sức cấp bách, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ về lĩnh vực công nghệ thông tin và khoa học đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm TTATGT; tiếp tục duy trì hoạt động hệ thống camera quan sát giao thông trên địa bàn TP; tiếp nhận thông tin từ Đài phát thanh VOV, VOH, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, nhóm mạng xã hội Viber, điện thoại đường dây nóng để bố trí quân số giải quyết góp phần đảm bảo TTATGT trên địa bàn TP; tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong quản lý nhà nước về TTATGT; tăng cường ứng dụng và phát triển KHCN phục vụ công tác CA trong tình hình mới. Song song với đó nâng cấp, thay đổi trang thiết bị công nghệ, hệ thống camera giám sát, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông; trang bị đầy đủ phương tiện thiết bị kỹ thuật, thông tin liên lạc cho CBCS thực hiện nhiệm vụ.

Với vai trò lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm TTATGT, lực lượng CSGT - Công an TPHCM đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực học hỏi, nghiên cứu, áp dụng KHCN vào công tác chuyên môn nhằm nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công tác CA trong tình hình mới, góp phần vào thành công chung của lực lượng Công an nhân dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang