Ứng phó bão Noul: Sẽ di dời khoảng 500.000 dân

Thứ Tư, 16/09/2020 15:40  | T.Nam

|

(CAO) Đây là cơn bão rất lớn, có khả năng đổ bộ vào đất liền cùng lúc với triều cường. Theo dự kiến, sẽ phải di dời khoảng 500.000 cư dân nằm trong diện rủi ro khi bão đổ bộ.

Sáng nay 16/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương để chủ động ứng phó với diễn biến áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão (cơn bão số 5, có tên quốc tế là Noul) và mưa lũ sau bão.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành có liên quan (nhất là các Bộ Tài nguyên và Môi trương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công thương, Xây dựng, Quốc phòng, Công an) và các địa phương khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão (kể cả các địa phương không nằm trong khu vực được dự báo có nguy cơ ảnh hưởng của bão nhưng có tàu thuyền còn đang hoạt động trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão) tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động, kịp thời triển khai các phương án ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Đồng thời, ngay sau cuộc họp này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trình Thủ tướng ký ban hành Công điện về ứng phó với bão số 5.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tránh tâm lý chủ quan, lơ là, bất ngờ trong ứng phó với bão.

"Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Biên phòng, hiện nay còn khoảng trên 700 tàu thuyền vẫn còn ở trong vùng nguy cơ ảnh hưởng của bão trong 24 giờ tới, chưa kể số tàu thuyền, phương tiện hoạt động ven bờ". Phó Thủ tướng lưu ý.

Cũng theo Bộ đội biên phòng, tính đến 10 giờ ngày 16/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 phương tiện/285.384 người biết diễn biến, hướng di chuyển của Bão số 5 để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Hướng đi dự báo của bão số 5. Nguồn: TTDBKTTVQG

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, hiện có 55 hồ hư hỏng cần lưu ý (Thanh Hóa 16, Nghệ An 10, Hà Tĩnh 8, Quảng Bình 12, Quảng Trị 6, Thừa Thiên Huế 3); 41 hồ đang thi công (Thanh Hóa 6 hồ; Nghệ An 14 hồ; Quảng Bình 9 hồ; Quảng Trị 12 hồ); 99 vị trí đê biển xung yếu khu vực từ Thanh Hóa – Đà Nẵng cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ. Hiện có 26 công trình đê điều đang thi công trong đó có 13 công trình trên các tuyến đê biển, đê cửa sông.

Trước diễn biến nguy hiểm, phức tạp của bão số 5, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 11/CĐ-TW ngày 16/9 chỉ đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận chủ động ứng phó với bão và mưa lũ sau bão.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cử đoàn công tác do Phó Chánh văn phòng Nguyễn Văn Tiến làm trưởng đoàn đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế để kiểm tra và phối hợp chỉ đạo công tác ứng phó với bão.

Ngày 15/9, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị tạo thuận lợi cho ngư dân, tàu thuyền vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp gặp sự cố do bão.

Các địa phương đã chủ động triển khai công điện chỉ đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong đó các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận đã có công điện, văn bản chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho hay, ngày 18/9, bão số 5 đi vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, trọng tâm là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

Bão di chuyển nhanh với cường độ mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 14; vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có khả năng gió mạnh cấp 12, giật cấp 14.

Mưa lớn tập trung ở Trung Bộ từ chiều 17/9 đến đêm 18/9 với lượng mưa rất lớn, trong thời gian ngắn. Lũ cao nhất có khả năng lên báo động 2 ở các tỉnh Trung Bộ kèm nguy cơ cao là lũ quét và sạt lở đất.

Bão số 5 đang mạnh lên, dự báo có thể giật cấp 14
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang