Vụ 'Máy xúc chèn qua người': Sự ngụy tạo của công nghệ

Thứ Ba, 21/07/2015 13:46  | Hoàng Phương

|

(CATP) Giữa tháng 7-2015 vừa qua, một người dân ở huyện Cẩm Giàng - Hải Dương ngăn cản trong vụ giải tỏa đất nông nghiệp, đã xảy ra va chạm và bị thương. Chuyện chưa có gì nghiêm trọng, nhưng trên một báo mạng của những phần tử chống đối đã viết: “Chiếc máy xúc chèn lên người bà Châm khiến người này gãy 2 xương bả vai, vỡ xương mặt, máu chảy lênh láng”, và “Sau khi kéo bà Châm thoát ra khỏi gầm bánh xích xe ủi, nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu, hiện không rõ sống chết ra sao”.

Có lẽ ai cũng biết một xe xúc có bánh xích thì trọng lượng tối thiểu là 10 tấn, loại lớn cũng lên đến đôi ba chục tấn thì làm sao ai có thể kéo nạn nhân thoát ra khỏi gầm bánh xích xe xúc được (nếu thực sự bị chèn). Đã thế, nếu bánh xích xe xúc mà chèn qua người thì chắc chắn phần ngực, vai, đầu của bà chỉ còn là một đống bẹp dí dưới đất, làm gì còn kịp “đưa đi cấp cứu, hiện không rõ sống chết ra sao”(!).

Sự thật, theo báo cáo của Công an huyện Cẩm Giàng, gầu máy xúc va vào một người dân tên Lê Thị Châm (SN 1962 ở xã Cẩm Điền) dẫn tới bị thương. Sau đó, bà Châm được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện (BV) tỉnh Hải Dương trong tình trạng gãy xương bả vai và xây xát mặt. Khi vụ việc xảy ra, một số người có mặt tại hiện trường đã đánh anh Nguyễn Văn Sinh (SN 1973), công nhân lái xe xúc khiến anh này cũng phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, cả hai không có ai nguy hiểm tới tính mạng.

Bà Châm được chăm sóc tại bệnh viện

Theo ông Vũ Hồng Khiêm - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, dự án (DA) khu công nghiệp (KCN) Cẩm Điền khởi công từ năm 2008 với tổng diện tích quy hoạch ban đầu hơn 208ha, sau đó giảm xuống còn 150ha do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư DA là Công ty TNHH Phúc Hưng. Tháng 4 vừa qua, công ty này đã làm thủ tục chuyển nhượng DA lại cho Công ty cổ phần phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore.

Mặc dù nằm ở vị trí thuận lợi nhưng 7 năm qua, DA trên không thể đi vào hoạt động do người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường thu hồi đất. Trong tổng số gần 1.500 hộ dân có ruộng đất bị thu hồi, hiện còn hơn 100 hộ chưa nhận tiền đền bù, trong đó có cả những hộ đã nhận nhưng nay lại đòi phải đền bù mức cao hơn. Nhiều người còn mang chiếu ra khu vực cổng chào của DA, ăn cơm tại chỗ để đấu tranh đòi quyền lợi.

Người dân cho rằng mức đền bù 65 ngàn đồng/m2 đất nông nghiệp là quá thấp và yêu cầu trả 250 triệu đồng/sào ruộng. Cũng theo ông Khiêm, khoảng hơn 8 giờ sáng hôm ấy, khi máy xúc của Công ty cổ phần phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore (VSIP JSC) tiến vào san ủi mặt bằng tại KCN Cẩm Điền thì có nhiều người dân tập trung phản đối.

Ông Khiêm cũng khẳng định: “Tôi đã xem clip trên mạng, người ta cắt ghép kinh khủng quá, không đúng sự thật. Hiện bà Châm đã được đưa lên BV Việt Đức điều trị theo nguyện vọng của gia đình. Được biết, bà Châm bị bệnh tiểu đường, vì vậy gia đình có nguyện vọng chuyển tiếp bà lên BV tuyến trên để có điều kiện chữa trị tốt hơn và địa phương cũng đồng ý. Trước mắt, chủ đầu tư KCN Cẩm Điền - Lương Điền sẽ hỗ trợ bà và anh Sinh toàn bộ kinh phí điều trị.

KCN này hiện được một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, vì vậy rất có thể bị đối tượng xấu lợi dụng tình hình để tung tin thất thiệt, kích động người dân. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động, giải thích cho người dân hiểu các chính sách phát triển của tỉnh nhà. Người dân cũng cần tỉnh táo, không để đối tượng xấu lợi dụng. Sau này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ sự việc và quy trách nhiệm cụ thể với từng đối tượng gây ra sự việc đáng tiếc vừa nêu.

Bình luận (1)

Phải xử lý nghiêm nếu người đăng clip đã cắt ghép video làm sai lệch thự thật.

Nguyễn Văn Lúa - Thứ Ba, 21/07/2015, 15:23 Trả lời | Thích
Lên đầu trang