Truyện ngắn:

Chơi với người điên

Chủ Nhật, 07/02/2021 20:26

|

(CATP) Cái huýt nhẹ từ phía sau cũng đủ làm tôi phải chú ý. Một gã hình thù lem luốt, áo phạch ngực, vành tai vắt điếu thuốc dở, nhìn tôi với đôi mắt nửa cầu lụy, nửa bâng quơ. Tay trái xách cây đàn gỗ, tay phải cầm mấy sợi thắt lưng, nách kẹp thêm đôi giày da đã lên màu meo mốc, thấy thái độ dửng dưng của tôi, gã hất hàm: “Mua giùm cái gì đi, bán rẻ hơn ở siêu thị”.

Tôi không trả lời, trong đầu bỗng ngờ ngợ trước chân dung khá quai quái của gã: trán dồ, đôi mắt sâu, khóe miệng lõm, cằm nhô ra và móc ngược lên như cái lưỡi câu, đặc biệt là mái tóc dài phủ gáy quăn quíu do nhiều ngày không tắm gội. Chiếc áo màu xanh lam dài đến gối được trây trét nhiều màu sắc, rõ nhất là muối bạc của mồ hôi. Hình tượng của gã như một bức họa dở dang của thượng đế, thiên thần và ác quỷ đan xen lẫn nhau, mặc sự cảm nhận của mỗi người. Gã thường qua lại trên con đường này, tôi đã nhiều lần nhìn thấy bóng dáng ấy, mãi cho đến hôm nay mới có dịp nhận rõ thớ thịt, làn da của kẻ “lữ hành cô độc”.

Bà con ở khu vực Bình Trưng Tây đặt cho gã cái biệt danh đượm mùi sương gió, nhiều người không biết gã tên gì, nhà cửa ở đâu, gia cảnh ra sao, trải qua rất nhiều ngày tháng, cứ từ sáng tinh mơ đến chiều mờ lại thấy gã cầm một mớ vật dụng ngược xuôi trên những con phố quen thuộc. Có cái người ta cho, có cái nhờ bán giúp chia huê hồng, nên hàng hóa của “cửa hàng di động” này cũng khá phong phú. Thế nhưng, không phải món gì đưa ra cũng có người mua, có lúc con gà chết lịm trên tay gã sau ba bốn ngày dầm mưa, dãi nắng theo cuộc hành trình gần như vô định. Những lúc buôn bán ế ẩm gã sống bằng gì, cũng không ai nghĩ đến, chỉ biết rằng cái thân xác tiều tụy ấy vẫn còn lăn lóc trên cõi đời này, vẫn ngày ngày hòa mình trong cộng đồng biết đói ăn, khát uống, biết cười khi vui, biết khóc khi buồn.

Gã nhíu mày, cử chỉ thúc hối. Thấy không có món nào ra cái gì, tôi chẳng buồn han hỏi, lắc đầu. Gã không thất vọng và cũng chẳng buồn bực, thản nhiên bỏ đi. Dường như gã đã quen với sự lạnh nhạt, hờ hững của người qua đường? Chốc chốc trên đường đi, gã trỏ tay xỉa mạnh vào một phụ nữ nào đó, miệng lầm bầm như mắng nhiếc, với người đã quen thì không ai phản ứng, với người chưa biết thì hành động ấy làm họ hốt hoảng, kinh sợ. Tại sao chỉ là phụ nữ? Tại sao lại giận dữ và thường xuyên biểu hiện thái độ đó? Bỗng dưng tôi lại thấy buồn cười cho chính cái quan tâm vu vơ của mình, một buổi sáng trời quang mà lại dành quá nhiều thời gian để khám phá nửa thế giới... gần như hư vô.

Bạn biết cầu Giồng Ông Tố không? Một cây cầu ngắn bắc qua con rạch lớn, nằm ngay ngã ba Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Thị Định, những địa danh dần quen thuộc theo đà phát triển của các khu dân cư phía đông thành phố. Cách đây 20 năm, tôi mua mảnh đất nằm lọt thỏm giữa cánh đồng còn ngát hương cỏ dại, 10 năm sau quay lại để xây nhà, thì bốn bề đã không còn hoang sơ như xưa nữa. Nhà cửa đủ hình dạng, độ cao chen chúc che khuất cả con rạch một thời trải màu xanh như dải lụa, đè ép những con đường vốn thênh thang gió lộng thành ngoằn ngoèo, gấp khúc. Có thể nói, không có thứ gì sinh sôi nẩy nở nhanh hơn con người, không có loài nào thích nghi với môi trường sống thông minh hơn con người và không có sinh vật nào dựng lên nơi cư trú của mình những hoạt động, hình ảnh gây nhiều cảm xúc, lôi cuốn trực giác như con người.

Ngày nay những cư dân chính gốc của đất Bình Trưng đã trở thành thiểu số. Theo dòng chảy của cuộc sống, con người từ khắp các vùng miền của đất nước kéo về định cư ngày càng đông, biến cảnh quan một thời được ví như tỉnh lẻ thành các phố thị sầm uất. Tuy nhiên, nói đến con người thì không thể không đề cập đến hai thái cực, chỉ riêng sự thụ hưởng “hạnh phúc” và “khổ đau” thôi, cũng đã làm cho xã hội loài người biến động xung đột, đấu tranh không bao giờ ngơi nghỉ.

Oái oăm thay, chính những xung đột, đấu tranh đó lại thúc đẩy xã hội con người phát triển và giúp cho mỗi cá nhân tìm ra phương thức để hoàn thiện chính mình. Trong một lần trò chuyện với cán bộ phường Bình Trưng Tây, tôi chú ý đến chi tiết: trong 16.000 dân địa phương, có đến 76 người bị bệnh tâm thần đang cư trú, chưa kể số lượng bệnh nặng phải đưa đi điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa. Một con số khô khan nhưng lại nói lên nhiều điều. Người điên cần gì ở người tỉnh, người tỉnh đối xử như thế nào với người điên?

Đang dừng xe mua nải chuối, thì một gã mình trần trùi trụi lù lù xuất hiện, nhìn tôi với thái độ khá thân thiện. Có lẽ nhiều ngày không chạm đến nước, nên từ đầu đến chân dính đầy bụi đất, trông gã không khác gì con trâu vừa ngâm mình dưới vũng sình. Gã bước đến gần tới hơn, cười nửa miệng: “Lúc rày ông khỏe không?”. Câu hỏi thắm thiết ấy làm như tôi với gã đã quen nhau từ lâu lắm rồi.

Gã trạc tuổi 40, không rõ mắc bệnh từ lúc nào nhưng thấy có da, có thịt hơn những người cùng cảnh ngộ mà tôi đã gặp, nhất là cái bụng tròn vo, chứng tỏ được ăn uống đầy đủ. Đảo mắt qua quầy hàng một lượt, gã lại nhìn tôi, cười mỉm. Hiểu ý, tôi bảo bà bán hàng cân cho gã mấy trái lê, nói nửa đùa nửa thật: “Hôm nay hết tiền, ăn đỡ một ít nha”. Gã liền buột miệng: “Nhìn bộ vó của ông, khó tin quá. Ông mà hết tiền giống như... tụi Mỹ hết đạn!”.

Tôi ngạc nhiên đến buồn cười trước lời ví von khá “ấn tượng” của gã. Một sự so sánh quá độc đáo mà ngay những người tỉnh táo nhất cũng khó nghĩ ra được. Tôi thầm nghĩ: Tay này không phải vừa, nếu có thời gian tìm hiểu về nhân thân có thể sẽ có lắm điều hay đây! Nhận bịch trái cây, gã chìa bàn tay đầy đất ra đòi bắt tay tôi, lại thêm một cử chỉ chào hỏi của người văn minh tôi cười: “Được rồi! À quên, ông bạn tên gì?”. Gã vỗ cái bụng nghe phành phạch: “Ba Mô-da!”. Tôi thốt lên: “Ồ! Thích ông ấy hả?”. Gã nói tỉnh queo: “Hồi xưa ổng dạy tôi học nhạc, được đâu hai năm ổng đi về Tây lấy vợ, bỏ tôi lại một mình...”. Chưa dứt câu, Ba Mô-da lửng thửng bỏ đi, từ phía sau tôi nghe rõ tiếng huýt gió khoan thai của gã. Mozart là nhà soạn nhạc thiên tài người Áo, gã này cũng có máu văn nghệ và nghiên cứu dữ lắm mới biết đến những nhân vật vĩ đại của nhân loại?!

Trong cái nửa tỉnh, nửa ngơ của người bệnh tâm thần, ta có thể thấy cái chất “Người” của họ hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Hãy nghe họ nói, hãy nhìn họ cư xử, cảm nhận những điều mà ta, những người may mắn còn lành lặn, đôi khi còn cảm thấy xấu hổ. Cách đây 5 năm, tôi có người em họ trở bệnh nặng phải đưa vào bệnh viện Tâm thần ở Biên Hòa điều trị. Thời gian sau, gia đình tôi tổ chức lên thăm.

Như đã được thông tin trước, vừa thấy tôi xuất hiện trước cổng, một người nào đó cất tiếng dỏng dạc: “Quí ngài đến! Nghiêm... chào!”. Tất cả mấy chục người đang sinh hoạt trong khuôn viên của dãy nhà lưu trú đều đồng loạt y lệnh. Mỗi gã chào một kiểu, có gã chào theo cách của quân đội, có gã cúi gập người như phong cách Nhật Bản, có gã đặt tay phải lên ngực, tay còn lại đưa lên môi “mi” gió như giới quý tộc châu Âu, cá biệt có gã còn giơ thẳng tay lên phía trước theo kiểu Hitler với gương mặt nghiêm trang đến... nghiêm trọng! Tôi thấy cộng đồng còn phân nửa “nơ-ron thần kinh” này thật trật tự, dễ thương hơn là đám tội phạm hình sự ở phía sau các chắn song mà tôi đã từng chứng kiến.

Tôi thường thức giấc rất sớm, 4 giờ là thời khắc trung bình để sửa soạn các công việc cho một ngày mới. Thói quen đầu tiên chưa lúc nào từ bỏ, là phóng xe đến đại lý báo mua một tờ Thanh Niên hay Tuổi Trẻ. Giữa cái đô thị ngày càng ngồn ngộn và ngột ngạt này, chỉ có thức giấc trước bình minh mới hưởng được cái “thanh” cái “thoát” của trời đất và lắng nghe được tâm tư của chính mình. Trên quãng đường dài non 2 cây số, tôi nhận rõ hơn câu nói “thức khuya, dậy sớm” của một bộ phận khá đông dân nghèo thành thị. Chỗ này là xe hủ tiếu bán xuyên đêm, chỗ kia là một quán cháo dường như không lúc nào đóng cửa, ở góc ngã ba là quán cà phê kèm mì gói, trước một con hẻm có mấy anh dân phòng ngồi căng mắt thâu đêm. Bên khu chợ Giồng nhiều xe tải cấp tập chuyển hàng vào nhà lồng, bà bán thịt cặm cụi lóc từng miếng da, bà bán bánh cuốn đã bắt đầu nhóm lửa, ông hàng phở thì chăm chút lau chùi bàn ghế.

Phải nói, cuộc sống của một kiếp người không thơm như hoa, mượt mà như cỏ, có những người lao động cật lực suốt cả đời nhưng chưa bao giờ với tới hai chữ an vui hay hạnh phúc. Họ là những phân tử giúp cho guồng máy xã hội trôi chảy mỗi ngày, song lắm khi được đời đáp trả bằng những thái độ hết sức phũ phàng. Hồi còn mài ghế nhà trường, ta được học nào là “nhân sinh quan - thế giới quan” đủ chuyện, vậy mà khi vào đời, trước sự cuốn hút vòng quay “cơm áo, gạo tiền” chừng như ta đã bàng quang với những hình ảnh đói nghèo, lam lũ, không có một màu sắc nào được cho là thi vị, làm lay động tâm hồn?! Tấm lòng với cuộc sống không phải dễ gì nẩy nở khi con người không đồng cảm với cảnh quan xung quanh, không thấu hiểu cái vị mặn của những công việc phải “đẫm mồ hôi, sôi nước mắt”, chưa từng trải qua nghịch cảnh “đói cơm, lạt muối”. Bỗng dưng tôi thấy mình “mắc nợ” quá nhiều người, bởi vì từng giấc ngủ, bữa ăn, phần việc mình đang làm có biết bao bàn tay lo toan, góp sức, có biết bao sự tương trợ lặng thầm, có những sợi dây kết nối không thể cắt bỏ đi được...

Trong một bữa cơm chiều, tôi đem chuyện mấy anh điên ra tán gẫu với bà xã. Thường xuyên ra chợ, vợ tôi không xa lạ gì mấy người này và còn kể thêm một anh chàng lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, nai nịt kỹ lưỡng, luôn đeo kính râm, đạp xe từ ngã ba này đến ngã ba kia, thỉnh thoảng dừng lại rất lâu trước một ngôi nhà như phát hiện ra điều gì đó, rồi tự đối thoại với mình. Vợ tôi lưu tâm đến anh chàng bán hàng dạo, mắc bệnh mà còn phải tự kiếm ăn, thì chắc hẳn không có ai nuôi dưỡng, thậm chí không có nơi tá túc. Thấy tôi ra chiều nghĩ ngợi, vợ tôi nói: “Anh nuôi ổng được mà. Hãy giúp ổng đi!”. Bụng dạ vợ tôi là thế, trước những thân phận khốn cùng, bà thường mở lòng trợ giúp và luôn khuyên chồng con nên làm việc thiện, sống tốt với cộng đồng.

Chẳng tìm kiếm làm gì cho mất công, vừa mua xong nải chuối, tôi đã thấy gã “lữ hành cô độc” lơn tơn trước mặt với mấy đôi dép và chiếc túi xách giả hiệu Gucci chỉ còn một quai. Gã nhìn tôi e dè, tôi mỉm cười bảo gã vào quán cà phê cóc bên cạnh để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh. Khi ngồi đối diện với chân dung quai quái này tôi mới nhận ra cái ngờ ngợ của mình ở lần gặp trước đó, chính là “bản sao” của thi nhân Bùi Giáng. Nếu có thêm mấy sợi râu lún phún trên gương mặt, thì tôi tin chắc ai cũng sẽ nghĩ Bùi Giáng “xuống trần” thêm lần nữa.

Với tôi, Bùi Giáng là một “nhà thơ huyền thoại”, ông còn làm được nhiều việc mà những người cầm bút như tôi không tài nào đuổi kịp. Lúc sinh thời, trong những năm 1995 - 1996, ông thường đến nơi làm việc tìm tôi, cuộc đàm đạo luôn diễn ra chóng vánh, tôi nói những điều mà ông không nhớ, ông nói những chuyện mà tôi... không hiểu. Khi tỉnh, ông làm thơ nói về mình: “Ông Vua kỳ vỹ thập thành, vì vui quá độ nên thành ra điên...”.

Cái điên của Bùi Giáng dữ dội lắm, không hiểu ông đến chỗ tôi bằng phương tiện gì, nhưng lần nào ông ra về tôi đều gọi xích lô đến chở và dặn dò hết sức kỹ lưỡng. Cũng có đôi lần mấy ông xích lô làm “sổng” Bùi Giáng giữa đường, thế là ông ấy đứng giữa trời múa may, quay cuồng, chẳng khác nào một đạo sĩ đang lên đồng, lên cốt và từ đó nhiều tứ thơ xuất thần cũng được “phun” ra:

“Ta cứ ngỡ xuống trần chơi chốc lát

Nào ngờ đâu ở mãi đến bây giờ...”.

Tôi hỏi gã đang giương mắt chờ đợi:

“Một ngày kiếm được bao nhiêu tiền?”, gã buồn bã: “Bán cây đờn người ta cho năm chục ngàn, chiếc túi này người ta cho bán chắc không ai mua, mấy ngày nay không bán được món nào hết...”. Tôi hỏi gia cảnh, gã nói tên Dũng, tuổi heo (62 tuổi), không có gia đình, mỗi tối về quận 4 ngủ trong một cái hóc ở nhà lồng chợ, nhiều bữa mua mì gói nhai thay cơm. “Có lấy vợ chưa?”, tôi hỏi tiếp. Gã cầm cái ly lên, khuấy đều, rồi uống một hơi cạn ly cà phê sữa đá, thè lưỡi liếm môi một lượt, gã đáp: “Ở được mấy tháng, nó bị người ta dụ đi mất, nó đẹp lắm, ở xóm ai cũng mê nó. Tôi không có tiền nên giữ nó không được. Ở nhà trọ mà nó cứ đòi mặc đồ hở chân, khoái đeo nhẫn, tui chạy xe lam tiền đâu mà mua...

Năm đó tui 42 tuổi, còn nó chỉ mới 30. Nó đi không nói một lời, còn lấy theo cái đồng hồ Seiko của tui để làm “kỷ niệm”. Hèn gì, có lẽ “hận” đàn bà nên gã mới tỏ thái độ chừng như xỉ vả những phụ nữ trên đường. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt xanh đục của gã: “Rồi từ đó ông phát bệnh luôn?”, gã không đáp, tôi cảm thấy dòng quá khứ đang cuộn về trên đôi mày nhíu lại từng hồi của người đàn ông thất cơ, bạc phận. Mấy vần thơ của Hàn Mạc Tử khá phù hợp với tình cảnh này:

“Người đi một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn kia bỗng dại khờ!”.

Người điên vẫn là một chủ thể trong xã hội, họ vẫn sống, vẫn vui, vẫn buồn, vẫn biết động lòng khi nhắc lại một dĩ vãng thương đau. Trong mảnh hồn còn lại, ta có thể nhận ra một điều gì đó có ích cho cuộc sống, giúp ta chiêm nghiệm bề mặt bề trái của cõi nhân sinh muôn màu, muôn vẻ. “Biết thằng Ba Mô-da không?”, tôi hỏi. Gã cảm thấy khó hiểu, tôi diễn tả thằng có hình thù như con trâu nước, gã bật cười: “Nó là thằng Ba Bụng, ông thấy cái bụng nó như cái trống không? Nó khoái đi “bụi”, chớ nhà nó khá lắm. Hồi nhỏ nghe nói nó học giỏi, biết đờn, biết ca, sau khi bị té xe, chấn thương não, nó bệnh luôn tới giờ. Mà ông đừng nghe nó, cái gì nó cũng thề độc, thề hoài mà không thấy nó bị làm sao hết...”. Tôi hỏi thêm: “Nó thề thế nào?”, gã đáp ngay: “Tui thề độc, nếu chiều nay không mưa, thì con chim bay ngang... ỉa trúng đầu tui đi...”. Tôi không nín được cười, thằng đó thề khôn chứ không phải thề độc!

Tôi gút lại vấn đề: “Mỗi ngày tôi sẽ hỗ trợ cho ông ăn hai bữa cơm, bán được món gì cứ dành dụm để phòng thân. Thấy tôi ở đâu cứ kêu, còn nếu không gặp thì mượn đỡ ai đó...”. Gã nói ngay: “Tui mượn đâu ai cho”. Tôi lấy ra tờ bạc 50 ngàn ấn vào tay gã: “Được rồi, ngày nào tôi cũng đi qua đây mấy lượt, thế nào cũng gặp mà”. Gã điên nhìn tôi trân trân, môi mấp máy như muốn nói điều gì đó, một hồi lâu gã đứng dậy, ôm bình nước trà ực hết một hơi. Trước khi rời khỏi quán, gã còn xỉa tay vào mặt cô chủ nhỏ, miệng lầm bầm như căm ghét... một cuộc tình!

Thế là mỗi ngày tôi lại dúi vào tay gã mấy chục bạc. Nhưng gã điên này lại đề cao lòng tự trọng, không đứng đợi tôi ở nơi nào đó để lấy tiền, mà cứ đi, đi mãi, đi với những thứ thuộc loại “ve chai” nhưng lại nuôi sống mình qua tháng ngày. Có lần, đã hai ngày không thấy Dũng “’Cô độc”, tôi chạy quanh mấy quãng đường để tìm gã. Trong lúc phân vân chưa biết có nên kết thúc công việc hơi “bao đồng” này, thì một tay mình mẩy lem luốt bước ra chặn đầu xe của tôi. Đó là Ba Mô-da. Gặp lại cố nhân, anh chàng này tỏ ra xăng xái, bảo tôi vào quán nước ở kề bên kể “chuyện này” hay lắm.

Bất đắc dĩ tôi phải nghe lời gã. Vừa ngồi xuống ghế, gã liền lấy từ lưng quần ra một mảnh giấy ghi mấy vần:

“Hồn ta một nửa đi đâu

Chiều mưa, gió lộng bên cầu đợi em

Mưa buồn làm dạ buồn thêm

Ngày mai em nhé, đừng quên

chốn này”...

Gã hỏi: “Hay không?”, tôi cười: “Ai sáng tác?”, gã vỗ bụng: “Còn ai ngoài Ba Mô-da này!”, tôi tiếp: “Thơ hay là nhạc?”, gã gật gật: “Thơ phổ thành nhạc”, tôi nói trân trọng: “Hát làm sao?”, gã huýt gió rồi nói: “Hát kiểu gì cũng được hay nhất là điệu bôlêrô. Không có đờn mất hứng, hẹn ông ngày mai ra đây thưởng thức”. Thấy tôi móc túi định lấy tiền, gã xua tay: “Tui mời để tui trả, đó là luật hè phố. Ông mà trả, tui sẽ không chơi với ông nữa... Ông muốn tui thề không?”.

Đã biết cái kiểu thề của gã, tôi cảm ơn và hỏi dò về Dũng “Cô độc”. Gã lắc đầu: “Ở đâu cũng người chật cứng, làm sao tui thấy chả. À, mà... có lẽ chả bị sét đánh trúng hổng chừng, tối qua mưa lớn quá, ông thử vô bệnh viện kiếm coi...”. Tôi chợt nhớ, những gã điên thường không chơi với nhau, trên phố không khi nào bạn gặp hai người bệnh thần kinh cùng song hành. Có lẽ trời sinh “giang san” ai nấy giữ “hồn phách” ai nấy gì, chẳng ai chịu thua ai hết?!

Thời gian trôi, từ mùa nắng sang mùa mưa, tôi cũng không nhớ mình đã bao lần gặp gã “lữ hành cô độc”, cũng không nhớ đã hỗ trợ gã bao nhiêu tiền, chỉ có điều, thời gian sau này gã ít đi vào buổi tối để cố bán cho được món gì đó để đổi cơm. Một hôm, tôi đang lui cui định lượm cặp kính vừa đánh rơi, thì có kẻ đã nhanh tay nhặt giúp. Tôi hơi bất ngờ khi nhận ra người đó là Dũng “Cô độc”, gã nhoẻn miệng cười để lộ hai cái nướu còn thưa thớt mấy cái răng.

Ngập ngừng một lúc, gã đưa con gà tre đến trước mặt tôi: “Ông mang về nấu cháo ăn, mấy bữa trước nghe bà bán bánh mì nói ông bị ho, có lẽ ông bị cảm...”. Tôi lắc đầu: “Tiền đâu ông đền cho người ta?”, gã nói: “Mai mốt bán mấy món khác bù vô ông cầm đi”. Tôi đẩy tay gã ra. Nghĩ ngợi một lúc, Dũng “Cô độc” đưa tay còn lại vào túi quần lấy ra hai trái chuối: “” Vậy thì ông ăn đỡ cái này, tôi biết ông thích ăn chuối mà”, tôi hỏi: “Ở đâu có?”, gã đáp: “Bà bán cơm cho hồi trưa, tui để dành cho ông đó. Ông mà không lấy, tui không nhận tiền của ông nữa”.

Tôi cầm hai trái chuối và lòng bỗng bâng khuâng trước những lời chân thật của gã. Trong nửa mảnh hồn còn lại, gã điên vẫn biết nghĩ đến cái nghĩa, cái tình, tố chất quan trọng của con người, dù đang sống chơi vơi giữa biển đời đầy giông tố!

Bình luận (0)

Lên đầu trang