Khán giả dọa tẩy chay nếu Trác Thúy Miêu tiếp tục làm giám khảo âm nhạc

Thứ Ba, 04/07/2017 10:09

|

(CAO) Trong tập 6 của Người Hát Tình Ca 2017 trên sóng THVL, Trác Thúy Miêu với tư cách giám khảo khách mời đã chê Ngọc Ánh Idol hát “Nửa hồn thương đau” bằng kỹ thuật hơn là cảm xúc. Nhiều khán giả xem chương trình đã rất bức xúc khi để lại những bình luận gay gắt về việc nữ nhà báo – MC liệu có đủ tư cách để phê bình một ca sĩ chuyên nghiệp, đã có nhiều năm trong nghề.

Trác Thúy Miêu đã dành cho chúng tôi phút trải lòng về cảm xúc của chị trên những chiếc ghế nóng từng ngồi qua.

Chị suy nghĩ gì về nhiệm vụ của bản thân khi nhận làm giám khảo ở một cuộc thi hát trên truyền hình?

- Điều đầu tiên tôi cân nhắc khi nhận lời ngồi nhận xét những phần biểu diễn là những mảng màu của cả thí sinh lẫn những người sẽ ngồi cùng tôi trên ghế nóng. Tôi sẽ phải điều chỉnh những nét riêng của mình để vẫn giữ được màu sắc của tôi nhưng không quá khác biệt với không gian chung để tạo ra nét thú vịcho chương trình. Khán giả đến với chương trình không chỉ để nghe hát hay mà còn bởi những câu chuyện đời thường, những sự việc khác xảy ra xung quanh đó.

Giám khảo Trác Thúy Miêu

Đó là một chương trình truyền hình, không phải một cuộc thi nghệ thuật hay một cuộc thi nghề. Người ở lại lâu trên những trường đua này không nhất thiết phải là người hát kỹ thuật nhất. Điều quyết định số phận của thí sinh chính là tính cách và chất liệu mà họ mang đến chương trình. Nói về những chất liệu thì không chỉ có những thí sinh, những điều tương tự ở các giám khảo cũng sẽ là những phần tử đóng góp vào chương trình. Nói cách khác, đây giống như một bộ phim truyền hình nhưng không có dàn dựng. Yếu tố tương tác ngẫu hứng giữa các nhân vật tại trường quay, tại thực địa chính là điểm thu hút khán giả mở truyền hình đón xem.

Nhiều khán giả nghĩ rằng chị không đủ chuyên môn, học thuật để nhận xét về những màn trình diễn trong chương trình?

- Khi nhận xét một tiết mục hay hoặc chưa hay cũng vô chừng như sự tốt và xấu. Nó tùy thuộc vào hệ giá trị của người đánh giá. Vì thế mà trong các chương trình vẫn phải cần nhiều hơn một người ngồi ở ghế giám khảo. Các vị giám khảo thuần về chuyên môn và học thuật sẽ luôn nhận xét về những “tròn vành rõ chữ” hay “phát âm tiếng Việt chuẩn”. Đối với tôi sự hay là những câu chuyện được truyền tải, là cảm giác dễ chịu khi lắng nghe và theo dõi những màn trình diễn.

Nhiều khán giả dọa tẩy chay nếu Trác Thúy Miêu tiếp tục làm giám khảo âm nhạc

Những thí sinh nào có được sự đồng thuận cao từ giám khảo sẽ có thể đi tiếp đến cuối chương trình và có khả năng trở thành quán quân. Đó cũng là lý do quán quân của một cuộc thi chưa bao giờ là người hát hay nhất trong lòng tất cả mọi người. Quán quân của các chương trình sẽ luôn là những đề tài gây tranh cãi, tạo ra những phản biện. Tất cả những điều đó chính là đặc sản của các chương trình truyền hình thực tế.

Cụ thể như trong chương trình “Người hát tình ca 2017”, anh nhạc sĩ Đức Huy luôn giữ được sự “máu lạnh” và lý tính trong những nhận xét dành cho thí sinh. Tôi lại hơi có xu hướng nghiêng về danh ca Ý Lan nhiều hơn, có thể vì chúng tôi cùng là phụ nữ. Chúng tôi lắng nghe bản thân nhiều hơn, đưa ra những nhận định chủ quan hơn và có phần ngược lại với anh Đức Huy.

Đối với tôi, dòng nhạc tình ca của thế hệ trước không phải được tạo ra bởi những giọng hát tròn trịa mà phải có những tỳ vết. Chính những tỳ vết đó tạo thành chữ ký trong giọng hát của từng ca sĩ. Tôi luôn lắng nghe những cảm xúc trong những bài hát của các thí sinh.

Nhiều lần khán giả đã thấy được sự khó chịu đến mức không thể tiết chế của chị trên sóng truyền hình dành cho các thí sinh. Thật sự, họ đã hát “tệ” đến như vậy?

- Tôi có không ít kinh nghiệm với truyền hình nhưng đến giờ vẫn chưa học được cách để thỏa đáp sự ưu ái của khán giả dành cho hình ảnh cá nhân tôi. Để làm được điều đó tôi phải nâng niu, ve vuốt các thí sinh. Thật ra thì tôi thương các thí sinh lắm chứ, không chỉ là các bạn trẻ mà còn là các bạn không còn trẻ nữa nhưng vì đam mê nên dấn thân vào các cuộc thi.

Tôi xin không dùng từ “chê” mà thay vào đó là “nói thật”. Tôi gọi thẳng những vấn đề của họ. Đó là những điều mà khi trở thành những ngôi sao chuyên nghiệp, họ chỉ có thể nghe xì xào trong đám đông khán giả hay trên những dòng bình luận vô tội vạ trên mạng xã hội. Ngay tại đây, họ có một khán giả dám nói thẳng cho họ nghe những điều đó. Họ sẽ tự làm việc với cảm xúc của bản thân để phản ứng lại với những vấn đề của tôi đưa ra. Những phản ứng của họ với nhận xét của tôi đôi khi sẽ trở thành chất liệu vàng mà bất kỳ nhà sản xuất chương trình truyền hình nào cũng cần.

Về cảm nhận cá nhân, tôi không thích cách xử lý bài hát bằng tư duy duy ý chí. Những bài tình ca cần một sự thể hiện lãng mạn và tự do để tải rất nhiều cảm xúc chưa trong lời ca của tác giả.

Trác Thúy Miêu nhiều lần không thể tiết chế cảm xúc trên sóng truyền hình

Một sai lầm ngay từ điểm xuất phát của nhiều bạn là cố tình hát để khoe giọng hát nội lực, vạm vỡ mà quên đi điều này. Khi nghe họ hát, tôi nghe được sự tính toán đến từng chữ từng nốt. Các ca sĩ trẻ ngày nay khi khai thác dòng nhạc tình vẫn hay bị nhầm lẫn cách thể hiện của một tình ca và một hùng ca.

Bằng kinh nghiệm bản thân, tôi nhìn được ai đến với tình ca bằng sự đam mê vài ai đến chỉ vì đây là một kho tàng màu mỡ. Tôi cho rằng suy nghĩ hát tình ca chỉ vì thị trường đang cần hay hát tình ca để khoe giọng là lối tư duy nhà quê và không hợp thời. Do đó tôi cực kỳ khắc nghiệt với các thí sinh khi thể hiện âm nhạc chỉ bằng nốt nhạc và ca từ mà không phải bằng cảm xúc. Khi đó tôi sẽ không ngại ngần để lột trần điều đó ra.

Vậy điều gì sẽ khiến chị nhảy bật khỏi ghế để hoan hô, cổ vũ?

- Điều làm cho tôi phấn khích là khi nhìn thấy ở một người trẻ dấu hiệu của một sứ mệnh do Tổ nghiệp ban cho. Vị thần nghệ thuật không ban phát đồng đều những nghiệp mệnh cho những người đi hát. Nhận lấy nghiệp mệnh đó vừa là một ân phúc mà cũng vừa là một lời nguyền.

Họ còn quá trẻ để phải sống trong những cảm xúc bi thương mà tác giả gửi gắm. Họ phải sống hộ khán giả những cảm xúc đó dù chỉ trong vài phút ngắn ngủi của bài hát. Khi họ hát, tôi cảm nhận nguồn năng lượng của bài hát được truyền tải thật mãnh liệt. Tôi không thể ngồi yên mà phải đứng lên để hoan hô, để tưởng thưởng. Tôi muốn họ biết rằng những điều họ cố gắng làm, đã có một người phía bên dưới, là tôi, hiểu được và trân trọng.

Nhưng không quá nhiều người trẻ làm được điều đó đối với tôi. Nên đó cũng là lý do để tôi miệt mài tham gia, nhận lời làm giám khảo cho những cuộc thi hát trên truyền hình để tìm ra những dấu ấn đó.

Bình luận (0)

Lên đầu trang