Phim Sinh tử: Gai góc, hấp dẫn và những điều tiếc nuối

Chủ Nhật, 01/03/2020 22:22

|

(CAO) Sinh tử - bộ phim chính luận của hãng phim VFC đang chiếu những tập cuối cùng trên kênh VTV1 (dự kiến 80 tập), thu hút sự quan tâm của đông đảo khán, thính giả.

Bộ phim gây hấp dẫn bởi tính thời sự, dàn diễn viên nhập vai; nhiều lời thoại, chi tiết trong phim gây ấn tượng, thú vị với người xem! Nhiều khán giả đánh giá cao bộ phim này. Tuy nhiên, vẫn còn một điểm khiên cưỡng khiến người xem không thực sự thấy "đã".

Bước đột phá của dòng phim chính luận

Kịch bản phim Sinh tử của nhà văn Phạm Ngọc Tiến (người viết kịch bản phim "Ma làng" (viết chung với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần), "Đất và người", "Chuyện làng Nhô", "Gió làng Kình"...), 40 tập đầu do NSND Nguyễn Khải Hưng làm đạo diễn, 40 tập sau do NSƯT Mai Hiền.

Poster phim Sinh tử

Được biết, đạo diễn và các diễn viên gạo cội trong phim đã sửa nhiều lời thoại để gây ấn tượng, hiệu ứng, phù hợp hơn. Sau hàng loạt phim chính luận về đề tài nông thôn, ngành kiểm lâm, cảnh sát hình sự...; phản ánh, khắc hoạ một số nhân vật có chức quyền, chủ yếu cán bộ cấp xã, lãnh đạo sở đến phó chủ tịch tỉnh; phim Sinh tử mở rộng hơn; phản ánh trực diện tệ tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, những liên minh ma quỷ giữa người nắm quyền lực, người thực thi pháp luật và doanh nhiệp, tạo nên nhóm lợi ích thao túng, tha hóa quyền lực.

Đối lập là sự dấn thân, quyết tâm của một số cán bộ, lãnh đạo, nhà báo, vạch trần sai trái, tiêu cực, đem lại sự công bằng cho xã hội.

NSND - đạo diễn Tất Bình vai cựu bí thư Dĩnh
NSND Hoàng Dũng vai chủ tịch tỉnh
Nghệ sĩ Việt Anh vai doanh nhân Mai Hồng Vũ

Kịch bản phim rất hay, mang tính thời sự. Câu chuyện về ba vụ án hình sự đan xen, trong đó vụ án một chủ tịch huyện bị bắt vì "ăn hối lộ", khi lực lượng chức năng khám xét nhà, phát hiện tài sản ông này có tới 2 triệu USD, nhân vật tự tử chết ngay từ tập đầu đã khiến bộ phim trở nên kịch tính, gay cấn, thu hút người xem.

Diễn biến các tập tiếp theo, chính sự xuất hiện của dàn cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, một số sở, ngành địa phương, trung ương với các hoạt động về chức năng, nhiệm vụ đang rất "nóng" trong xã hội; đặc biệt là màu áo của ngành Kiểm sát, Công an với đội ngũ diễn viên nhập vai chuẩn như "đo ni đóng giày", lấy bối cảnh xảy ra tại một tỉnh tượng trưng (Việt Thanh) đã gây hấp dẫn, lôi cuốn người xem.

Có khá nhiều vụ việc diễn ra trong đời sống đang gây bức xúc dư luận, xã hội quan tâm, nhưng biên kịch, đạo diễn chọn vụ án sập mỏ đá làm chết nhiều người (9 người) và tình trạng doanh nghiệp lợi dụng mối quan hệ thâu tóm đất công, thu lợi bất chính cả ngàn tỷ đồng, kết bè cánh, lợi ích nhóm là câu chuyện từng xảy ra đâu đó torng xã hội. Trước món lợi nhuận kếch xù, quan hệ ô dù, cạm bẫy tiền - tù... ; trách nhiệm, thái độ của những người có quyền hành thực thi pháp luật hoặc giữ vai trò quản lý, điều hành nhà nước sẽ ứng xử ra sao? Điều này phản ánh nhân cách, giá trị của người cán bộ, từ cấp lãnh đạo đến nhân viên dưới quyền.

Nhiều vai diễn nhập tâm khiến giả thích thú

Dàn diễn viên năng lực đồng đều, họ nhập vai và diễn đạt đến mức khiến khán giả theo dõi nội dung phim "thích mê" từ thần thái, tác phong, cử chỉ, lời thoại. Họ thực sự đã hoá thân vào nhân vật của mình. Mặc dù những câu từ, thuật ngữ chuyên môn, chuyên ngành của Đảng, tổ chức chính trị, hành chính, tố tụng, không hề dễ thuộc, dễ nhớ chút nào, trong khi những diễn viên không có những năm tháng sống trong môi trường cán bộ nhưng họ đã làm rất tốt.

Thậm chí, diện mạo, biểu cảm, cách họ ăn nói còn hay hơn hẳn nhiều cán bộ hiện nay. Câu từ dứt khoát, gãy gọn, rõ lời, không thừa, không thiếu... Tuy nhiên, cũng có một vài vai diễn bị phàn nàn, chúng tôi sẽ nói ở phần sau.

Nổi bật trong các vai diễn giỏi phải kể đến NSND Hoàng Dũng (vai chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa), nghệ sĩ Việt Anh (vai doanh nhân Mai Hồng Vũ), NSND - đạo diễn Tất Bình (vai cựu bí thư Dĩnh), NSND Trọng Trinh (vai bí thư Nhân), diễn viên Thuý Hà (bà Hiền - phó bí thư thường trực tỉnh uỷ), giám đốc các sở: Tài nguyên môi trường, Kế hoạch đầu tư, viện trưởng, phó viện trưởng Viện kiểm sát, lãnh đạo một số ban của tỉnh uỷ, giám đốc Công an tỉnh...

Nhiều phân cảnh họ diễn như "lên đồng" khiến người xem cứ ngỡ họ chính là nhân vật thật ngoài đời, có dịp mường tượng, hình dung ra cuộc sống, mối quan hệ thường nhật trong công việc và gia đình của cán bộ quan chức. Đó chính là những điểm thú vị mà bộ phim mang lại.

Chi tiết Mai Hồng Vũ muốn hối lộ Viện trưởng Viện kiểm sát 1 triệu USD được ghi trong lòng bàn tay, gây bất ngờ, thú vị với nhiều người

Những vai diễn thiếu chiều sâu

Tuy nhiên, một số người cho biết, họ không thích phim, không theo dõi tiếp bởi cho rằng, bộ phim không phản ánh đúng bản chất cuộc sống của các gia đình quan chức, nhiều chi tiết không thật, khiên cưỡng dẫn đến sự nhàn nhạt của một vài nhân vật, như hầu hết các bà vợ cán bộ lãnh đạo đều có dáng vẻ của bà nội trợ, nhu mì, hiền hậu, tốt tính. Với một loạt vai như thế, cần khắc hoạ hình ảnh một vài bà vợ kiểu "quan bà", "sân sau" của chồng để đẩy bộ phim đến những cao trào, hợp lý hơn.

Có giáo viên nêu ý kiến: Nhiều tình tiết vô lý, không thể có chuyện vợ bí thư tỉnh uỷ mà nói rằng "Em mong anh nghỉ việc ở nhà, chứ anh đi suốt thế này, cứ mải mê vì công việc em không thích đâu"; ông bí thư trải qua bao chức vụ, bao nhiêu năm công tác mà chỉ có cuốn sổ tiết kiệm 300 triệu đồng khiến ông buồn thẫn thờ vì không đủ để cho cô con gái duy nhất thực hiện giấc mơ du học; lãnh đạo một số cơ quan đầu ngành đi dự sinh nhật vợ bí thư tỉnh uỷ mà chỉ mang những món quà dân dã, gồm hoa, trái cây vườn nhà...

Những vai phản diện lộ chân tướng quá sớm nên không tạo được yếu tố bất ngờ với người xem.

Một vài vai diễn chưa thực sự gây ấn tượng với người xem, như vai Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT), Trưởng phòng CSĐT, Điều tra viên Hoàng. Ngay từ đầu bộ phim phát sóng, nhiều ý kiến chê bai, cho rằng, các nhà làm phim chọn diễn viên đóng vai hai "sếp" công an không hợp, đều quá trẻ, non nghề (đóng vai "sếp" công an), phong thái chưa đủ tầm; trong khi đã từng có nhiều diễn viên vào vai dạng này rất hay. Diễn viên đóng vai điều tra viên Hoàng có khuôn mặt hợp với "dân xã hội" hơn công an. Mặc dù cả ba đã thành công ở những vai diễn phù hợp hơn, trước đó.

Cụ thể, diễn viên vào vai Phó giám đốc công an tỉnh, Thủ trưởng cơ quan CSĐT, thái độ nhiều khi nhâng nháo, ăn nói với cấp trên không lễ phép, nói trống không, không có tôn ti trật tự. Diễn viên vào vai Trưởng phòng CSĐT quá trẻ, tác phong, bản lĩnh, thần thái của lãnh đạo không có. Dường như cả hai đã "mặc chiếc áo" quá rộng, thiếu cái "thần" của người làm "sếp". Hình ảnh của họ không đại diện cho phần đông cán bộ, lãnh đạo công an nên gây phản cảm với người xem.

Tất nhiên ngành nào cũng có cán bộ hay hoặc dở, nhưng 3 cán bộ ngành công an trong phim đều khác xa đời thực. Trong phim, Kiểm sát viên áp đảo, nhiều khi làm thay phần việc của cơ quan điều tra mà tiền lệ chưa hề có nên "dội" với nhiều người.

Theo đạo diễn, NSND Nguyễn Khải Hưng, có những phân cảnh, NSND Trọng Trinh (bên phải, vai bí thư tỉnh uỷ) được quay tới... 70 lần trong điều kiện thời tiết nóng bức, cả hai mới ưng ý về thần thái, biểu cảm cho ra dáng "quan đầu tỉnh". Còn theo NSND Trọng Trinh và nhiều nghệ sĩ khác, vừa thuộc thoại với những thuật từ, thuật ngữ chuyên môn mới lạ, lần đầu tiên biết đến, vừa diễn xuất với biểu cảm, dáng vẻ như cán bộ, lãnh đạo là rất khó

Thực tế, Viện KSND Tối cao có Cơ quan điều tra, cần thiết họ sẽ làm các phần việc như Cơ quan điều tra của ngành Công an, chứ không phải Phòng 3 (Phòng thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế - chức vụ, an ninh, ma tuý) của Viện KSND cấp tỉnh. Các vai phản diện lộ chân tướng ngay từ đầu nên không tạo được yếu tố bất ngờ với người xem.

Vai nhà báo Hoàng Ngân và toà báo Việt Thanh cũng lộ nhiều tình tiết vô lý. Thật khó thuyết phục những người làm báo về vai trò báo Đảng ở một địa phương lại "năm lần bảy lượt" qua mặt hoặc phớt lờ chỉ đạo của chủ tịch tỉnh để đăng những bài báo gây bất lợi cho địa phương, dù tổng biên tập là bạn thân của bí thư tỉnh uỷ.

Diễn viên nhập vai nhà báo Hoàng Ngân nhiều khi thể hiện sự ngang tàng, bướng bỉnh thái quá; trong khi thiếu chiều sâu tâm lý, biết ẩn mình của người làm báo; thái độ phách lối, cao ngạo khi làm việc với cơ quan điều tra... thành ra tính cách, vai trò nhân vật bị tác dụng ngược, vào vai chính diện nhưng không được nhiều sự ủng hộ.

Vai diễn của chủ nhiệm UBKT tỉnh uỷ, phó bí thư thường trực tỉnh uỷ được đánh giá cao. Trong khi vai tổng biên tập "năn nỉ" phóng viên gỡ bài online là tình tiết  rất vô lý.

Theo giới thiệu của các nhà làm phim, "Sinh tử khắc hoạ cuộc chiến chống tham nhũng của một Bí thư tỉnh uỷ cùng những người cộng sự của ông, trong đó, nổi bật lên vai trò của Viện KSND tỉnh. Thông qua đó, nêu bật khao khát làm trong sạch bộ máy lãnh đạo địa phương, tính thượng tôn pháp luật và sự ấm áp của tình người. Ngoài ra, bộ phim còn truyền tải thông điệp "gieo nhân nào, gặt quả nấy", hoàn cảnh sống cùng sự giáo dục quyết định nên nhân cách và cách hành xử của mỗi con người".

Với ý đồ xuyên suốt của bộ phim là vậy nên có những tình tiết tưởng như vô lý, nhưng đó chính là sự mong mỏi của nhà viết kịch bản, những người làm phim về một xã hội công bằng với những con người biết kiềm chế lòng tham, sống chính nghĩa, thượng tôn pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang