Chiêu lừa đảo từ nhận phiếu mua hàng online

Chủ Nhật, 27/06/2021 15:41  | Xuân Tình

|

(CAO) Hiện nay do nhu cầu mua hàng qua mạng gia tăng khiến nhiều vụ lừa đảo giả mạo các thương hiệu, trang web online cũng xuất hiện ồ ạt. Giữa lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra đường thì việc mua hàng qua mạng trở nên phổ biến hơn. Những đối tượng lừa đảo cũng lợi dụng cơ hội này tung chiêu chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, trên mạng xã hội rộ lên chiêu thức mạo danh Co.opmart gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng phiếu mua hàng…nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm nhập hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp.

Rất nhiều khách hàng đã nhận được tin nhắn “Trúng thưởng phiếu mua hàng trị giá 5 triệu đồng” nhân dịp kỷ niệm 10 năm sinh nhật Co.opmart, kèm theo đường link.

Các đường link này thường cài đặt phần mềm có khả năng đánh cặp dữ liệu cá nhân; chỉ cần người dùng bấm vào đường link thì chế độ đánh cắp dữ liệu lập tức được kích hoạt.  Tài khoản của khách hàng cũng có thể bị chiếm dụng và thực hiện các hành vi lừa đảo như: nhờ nạp thẻ cào, chuyển khoản từ người thân, bạn bè. Không những vậy, bọn chúng còn yêu cầu khách hàng chuyển một khoản tiền gọi là phí nhận thưởng.

Các đối tượng giả mạo tung tin quảng cáo trúng thường để lừa khách hàng tiêu dùng.

Tinh vi hơn, đối tượng lừa đảo còn gửi thêm link tài khoản ngân hàng để nhận thưởng và yêu cầu khách hàng nhập số tài khoản, mã pin để chiếm dụng luôn tài khoản ngân hàng.

Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết hiện có tình trạng giả mạo trang web của hệ thống này, nhất là trong thời gian nhu cầu đặt hàng online tăng cao. Thủ thuật chung của những kẻ lừa đảo là gửi link đường dẫn có nội dung khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn và yêu cầu người tiêu dùng nhập thông tin đăng nhập trang Facebook cá nhân, hay nguy hiểm hơn là mật khẩu tài khoản ngân hàng cá nhân sau đó thủ phạm tiến hành chiếm đoạt tài khoản của các nạn nhân.

Còn đối với các tài khoản Facebook cá nhân, thủ phạm sẽ lần lượt nhắn tin danh sách bạn bè để nhờ nạp tiền, chuyển khoản. Đối với các tài khoản ngân hàng, thủ phạm sẽ thực hiện chuyển tiền hoặc rút tiền.

Các đối tượng giả mạo tung tin quảng cáo trúng thường để lừa khách hàng tiêu dùng.

Trước đó cũng từng có nhiều người nhận được tin nhắn với nội dung như tham gia “Quỹ phúc lợi Coca-Cola” để nhận quà; nhận thưởng từ đồng hồ Rolex nhân ngày thành lập và kèm đường link truy cập... Nếu ai bấm vào đường link đính kèm này, làm theo hướng dẫn thì Facebook sẽ bị chiếm đoạt ngay và sau đó tin nhắn này lại được phát tán tự động theo danh bạ người quen...

Thực ra đây không còn là chiêu thức mới xảy ra nhưng do bối cảnh nhu cầu mua sắm online tăng cao nên vẫn có người mất cảnh giác bị lừa.

Đại diện hệ thống Co.opmart cho biết, hệ thống siêu thị không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp những thông tin cá nhân cần phải bảo mật như mật khẩu Facebook, mật khẩu ngân hàng khi mua sắm trên các trang online của họ.

Để đảm bảo an toàn cho khách, các siêu thị thường chỉ cần để lại thông tin liên lạc, chủ yếu là số điện thoại di động, địa chỉ, để chủ động gọi lại cho khách chốt đơn hàng và thời gian giao nhận.

Các thương hiệu khuyến cáo khách hàng nên thận trọng và xác nhận lại với tổng đài chính thức của công ty trước khi nhận quà hay thanh toán tiền cho bất kỳ sản phẩm nào...

Bình luận (0)

Lên đầu trang