Chiêu thức mới của tội phạm trên mạng:

Vài lần nhấn phím điện thoại, 172 triệu đồng “bốc hơi”

Thứ Tư, 09/10/2019 16:26

|

(CATP) Những năm gần đây, việc mua sắm trực tuyến trên mạng trở nên phổ biến và rất tiện lợi cho người tiêu dùng, thông qua các website hoặc mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Instagram...

Lợi dụng điều này, một số kẻ gian lên mạng trà trộn để lừa đảo nạn nhân bằng chiêu thức hoàn toàn mới. Chỉ sau vài cú nhấn phím điện thoại, 172 triệu đồng trong tài khoản của vợ chồng anh Lê Duy Tính đã “không cánh mà bay”.

Anh Lê Duy Tính (ngụ P13, Q.Tân Bình, TPHCM) cho biết: Trong thời gian mang thai, vợ anh là chị Nguyễn Thị Hồng (28 tuổi) nghe theo chỉ dẫn của bạn bè, đến các chợ Bình Tây, An Đông, Kim Biên... mua quần áo, túi sách về bán qua mạng để có thêm thu nhập.

Trước đó, chị cũng thường lên mạng mua sắm đồ đạc cho mình và người thân. Sau khi tìm hiểu, chị lập fanpage “Trang Bảo” trên mạng Facebook để bán quần áo, đồ dùng cá nhân với giá bán rất “mềm”.

Trong số khách hàng, người có nickname “Thu Thuy” nhắn tin qua ứng dụng Messenger, ngỏ ý muốn mua 2 túi xách thời trang và 2 bộ quần áo nữ với giá 1,2 triệu đồng. Hai bên thống nhất giá là 1,1 triệu đồng cho 3 sản phẩm.

Mặc dù chưa nhận hàng, vị khách hào phóng đề nghị chị Hồng cung cấp số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền. Như thường lệ, chị Hồng sử dụng số tài khoản của chồng mở tại ngân hàng Vietcombank để giao dịch với khách.

Nhiều người mua bán online trở thành nạn nhân của tội phạm trên mạng

Sau 15 phút nhận số tài khoản, “Thu Thuy” gọi điện thoại cho chị Hồng, thông báo đã thanh toán đủ tiền hàng. Cùng lúc đó, anh Tính nhận tin nhắn từ số điện thoại 0896205... về việc có giao dịch 1,1 triệu đồng từ kênh thanh toán quốc tế Western Union và yêu cầu chủ tài khoản nhấn vào đường liên kết (link) của website: westernunion-onlinebanking.weebly.com để xác nhận giao dịch.

Tưởng là khách hàng thanh toán tiền cho vợ, anh Tính không ngần ngại nhấn vào đường link trên. Ngay sau đó, website yêu cầu anh nhập thông tin cá nhân liên quan đến tài khoản của mình, gồm: Họ tên, địa chỉ, số tài khoản, số điện thoại sử dụng dịch vụ internet banking, mật khẩu đăng nhập.

Anh Tính cho biết, đây là lần đầu anh thao tác khi thanh toán trên trang mạng kiểu này và không hề nghĩ đó là cái bẫy của kẻ gian. Nào ngờ khi anh điền các thông tin xong thì toàn bộ số tiền 172 triệu đồng trong tài khoản của vợ chồng anh bị chuyển sang một số tài khoản khác mở tại ngân hàng Techcombank.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Phòng CSĐTTP về trật tự quản lý kinh tế và tham nhũng TPHCM cho rằng, tin nhắn mà anh Tính nhận được từ số điện thoại 0896205... được thiết lập sẵn trên mạng internet và là tin nhắn giả mạo.

Thời gian gần đây, Công an TPHCM nhận được nhiều đơn tố cáo của người dân về tình trạng lừa đảo tương tự. Các đối tượng lừa đảo giả vờ mua hàng trên mạng rồi dụ dỗ nạn nhân truy cập vào một website giả mạo dịch vụ thanh toán quốc tế Western Union. Website của chúng được lập ra có giao diện giống như website của Western Union.

Để phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo mới này, Phòng CSĐTTP về trật tự quản lý kinh tế và tham nhũng Công an TPHCM cho rằng, tội phạm công nghệ cao hiện nay thường lập ra và sử dụng các website trông giống như website của các ngân hàng, dịch vụ chuyển tiền quốc tế thật, nhằm mục đích đánh lừa mọi người.

Thông thường, các đối tượng đánh cắp mật khẩu của chủ tài khoản hoặc các thông tin bí mật từ khách hàng. Nhiều nạn nhân đã dễ dàng sập bẫy trước thủ đoạn lừa đảo này. Nếu nhận được email hoặc tin nhắn từ người chưa quen biết, nhưng lại hướng dẫn mình đăng nhập vào một website của quốc tế, người dân cần thận trọng và không đăng nhập vào website khả nghi đó.

Bình luận (0)

Lên đầu trang