Dấu hiệu nhận biết cuộc gọi lừa đảo kiểu "Deep Fake"

Thứ Năm, 13/07/2023 08:56  | Đức Nam

|

(CATP) Thời gian qua, người dân thường xuyên phải nhận các cuộc gọi truyền thống và cả những cuộc gọi video "không truyền thống", mà đầu dây bên kia thường xuất hiện bằng hình ảnh, âm thanh của người thân, bạn bè... thậm chí là cả hình ảnh của một nhân vật đang mặc sắc phục Công an nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.

Mới đây, chị Thu Trang (32 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) cho biết, chị nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ vang lên giọng nói quen thuộc của một người bạn của chị Trang đang sinh sống tại TPHCM. Dù giọng nói hệt như bạn của mình, song chính cách nói chuyện, trao đổi và đặc biệt là cách xưng hô giữa 2 người khiến chị Trang cảm nhận rõ sự bất thường. Sau khi hỏi thăm ngắn gọn, người này mong muốn cùng chị Trang thực hiện một "phi vụ” đầu tư... Sau một lúc lắng nghe, chị Trang khẳng định một cách chắc chắn rằng, đây là cuộc gọi ảo - "một sản phẩm của AI".

Hình thức lừa đảo mới xuất hiện trong giai đoạn "trí tuệ nhân tạo" (AI) đang phát triển mạnh mẽ. Chúng sử dụng thuật toán nhằm thu thập âm thanh, hình ảnh của người thân, bạn bè trong gia đình rồi chuyển thành những cuộc gọi ảo để lừa đảo. Theo nhận định của các chuyên gia, các cuộc gọi dạng "Deep Fake" đang là mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh.

Tiếp đó là câu chuyện của một cán bộ công tác tại Công an tỉnh Cao Bằng nhận được một cuộc gọi video kiểu "Deep Fake", đầu dây bên kia xuất hiện hình ảnh một người đàn ông mặc sắc phục Cảnh sát. Kẻ lừa đảo sau đó bất ngờ khi gặp chính "hàng xịn". Lúc này, tên lừa đảo mới thừa nhận với vị cán bộ Công an đang sử dụng phần mềm để đi lừa.

5 dấu hiệu nhận biết cuộc gọi "Deep Fake" (Ảnh: Cục An toàn thông tin)

Dù các cuộc gọi này có hình ảnh video, giọng nói của bạn bè, thân nhân của người nhận cuộc gọi... song chỉ cần lưu ý 5 đặc điểm dưới đây, chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện ra các cuộc gọi giả mạo để phòng ngừa. Đặc điểm đầu tiên của các cuộc gọi "Deep Fake" chính là việc có thời lượng rất ngắn, thường chỉ trong khoảng 3 đến 5 giây. Về hình khuôn mặt được các đối tượng sử dụng trong các cuộc gọi "không có cảm xúc", bị "đơ", chỉ có phần mắt và miệng di chuyển hoặc hướng đầu và cơ thể của họ trong video không nhất quán với nhau.

Tiếp đến chính là màu da của nhân vật trong các cuộc gọi video sẽ không thực, có ánh sáng kỳ lạ, xuất hiện tình trạng đổ bóng không đúng vị trí. Khi được truy vấn, chúng sẽ đổ thừa do tín hiệu mạng yếu nên dẫn đến chất lượng cuộc gọi kém. Lưu ý tiếp theo mà người dân cần chú ý chính là âm thanh của cuộc gọi chất lượng không tốt, khẩu hình không khớp với video, có nhiều tiếng ồn lạc vào cuộc gọi video hoặc hình ảnh không có âm thanh.

Cuối cùng là việc chúng sẽ ngắt máy giữa chừng, chỉ sau 5 giây bắt tín hiệu với "con mồi" chúng nhắm đến. Sau khi ngắt máy, các đối tượng xấu sẽ lấy lý do vì sóng yếu, mất kết nối và dẫn dụ người dân trao đổi thông qua nhắn tin.

Khi phát hiện một trong các yếu tố trên, người dân cần nhanh chóng ngắt cuộc gọi, không tiếp tục đàm thoại để chúng thu thập dữ liệu nhằm mục đích xấu. Khi gặp bị các cuộc gọi nghi lừa đảo "Deep Fake", cần nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để cảnh báo, đồng thời thông báo tới nhà chức trách hoặc gửi thông tin đến nhà phát triển ứng dụng để có hướng ngăn chặn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang