Cảnh giác:

Lừa đảo qua mạng lan tràn khắp nơi

Thứ Bảy, 13/08/2022 14:14  | Đăng Khoa

|

(CATP) Thời gian qua, đường dây nóng của Chuyên đề Công an TPHCM liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc là nạn nhân các sim rác; trong đó, không ít người bị lừa đảo qua mạng. Hàng ngày, nhiều cuộc gọi của các đối tượng tự xưng công an (CA), viện kiểm sát hoặc doanh nghiệp gọi đến "giăng bẫy" người dân. Bài viết dưới đây một lần nữa cảnh báo về những thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để lừa đảo.

"Bẫy" tìm việc, tuyển cộng tác viên

Tìm đến cơ quan CA, chị T. (ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) thất thần do "sập bẫy" lừa. Do có nhu cầu tìm việc, chị T. lên Facebook thấy có tài khoản (TK) đưa ra mức hoa hồng hấp dẫn nếu mua hàng thành công. Qua trao đổi, chị được hướng dẫn cài đặt app có tên "CTGroup" trên điện thoại (ĐT) để nạp, rút tiền trực tuyến khi tiến hành mua đơn hàng trên trang thương mại điện tử Omazon. Lúc đầu chị T. cũng đặt cọc để hoàn thành nhiệm vụ, sau đó rút được cả vốn lẫn lãi nên tin tưởng hơn. Khi "cá đã cắn câu", đối tượng yêu cầu chị đặt cọc 5 triệu đồng. Sau nhiều lần chuyển cho một số TK ngân hàng (NH) với hơn 8,4 tỷ đồng, đến khi chị T. không còn khả năng nạp tiền nữa, đối tượng cũng "lặn không sủi tăm"!

Chị T. nhớ lại: "Em làm đúng theo hướng dẫn thì bảo là sai. Những người chung tổ bảo tại em làm ảnh hưởng tới người khác, kêu em phải nộp tiền thêm để "hoàn thành nhiệm vụ”, nói cứ chuyển đi rồi sẽ lấy lại được số tiền mình đã chuyển với thêm khoản hoa hồng nữa, nhưng cuối cùng có thấy đồng nào đâu".

Tương tự, thấy TK Facebook "Phạm Minh Thu - Td1" đăng thông báo tuyển dụng cộng tác viên qua mạng, chị C.T.T (ngụ P9, TP.Trà Vinh) liền đăng ký; sau đó có đối tượng tự xưng "Hà Chi", nhân viên (NV) của App Shopee, sử dụng số ĐT: 0328.602.540 để kết bạn Zalo, hướng dẫn chị T. thủ tục đăng ký, với nhiệm vụ chỉ cần thanh toán các đơn hàng trên Shopee để tăng lượt bán và tương tác, sẽ được công ty thanh toán lại số tiền đơn hàng đồng thời hưởng hoa hồng 10% - 15%. Để tạo niềm tin, đối tượng gửi hình ảnh giấy phép lái xe và chứng minh nhân dân do CA tỉnh Bắc Giang cấp ngày 08-8-2015, mang tên Ngô Thị Hà Chi (sinh ngày 22-8-1999, hộ khẩu thường trú: xã Dương Đức, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).

Các đối tượng làm giả quyết định để "giăng bẫy" lừa

Sau khi nhận lời cộng tác, với các đơn hàng đầu tiên, chị T. đều được nhận tiền gốc và khoản hoa hồng. Tin tưởng, chị T. đã chuyển thanh toán 3 đơn hàng với tổng số 127,080 triệu đồng vào TK: 108000970838 của Huỳnh Gia Khan thuộc NH Đại chúng Việt Nam (PVCombank) nhưng không nhận được tiền trả lại. Lập tức, đối tượng tự xưng lên Lực, sử dụng số ĐT: 0921.233.912 liên lạc, yêu cầu chị T. chuyển thêm 120 triệu mới nhận lại được khoản tiền gốc, nếu không phải chờ đến 24 tháng sau. Lúc này, chị T. mới nhận ra mình đã bị lừa nên trình báo CA.

Chị H.TH.N (SN 1982, ngụ P9, TP.Trà Vinh) bị các đối tượng lừa tham gia làm cộng tác viên thanh toán hóa đơn trên Shopee, Lazada, Tiki... để hưởng hoa hồng (từ 10% - 20%) và bị lừa đảo chiếm đoạt 331,430 triệu đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng TK Facebook tên "Thu Thủy" đăng bài viết vào trang Tỉnh đoàn Trà Vinh rằng chị N. chiếm đoạt tài sản (TS) làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của chị.

Lợi dụng danh nghĩa ngân hàng để lừa đảo

Anh N.B (ngụ TP.Long Xuyên, An Giang) trình báo bị đối tượng giả danh NV tín dụng ngân hàng S. đăng bài trên MXH Facebook với nội dung hỗ trợ cho vay tiền, thủ tục đơn giản. Anh B. làm theo hướng dẫn, vay 40 triệu đồng, trả gốc và lãi gần 2 triệu đồng/tháng, trong vòng 24 tháng. Đối tượng yêu cầu anh B. đóng phí mở hồ sơ vay 1,2 triệu, phí bảo hiểm 3,6 triệu bằng hình thức chuyển khoản. Lát sau, có người tự xưng "kế toán của ngân hàng S." yêu cầu anh B. đóng trước tiền gốc và lãi 3 tháng đầu hơn 5,9 triệu đồng. Sau đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu anh B. chuyển thêm hơn 5,9 triệu, cam kết sẽ giải ngân lập tức và không đóng thêm khoản nào nữa. Tin lời, anh B. làm theo yêu cầu. Nhưng đến chiều cùng ngày, đối tượng cắt đứt mọi liên lạc! Cũng bị lừa với phương thức, thủ đoạn trên, anh N.T đã đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CNC) - CA tỉnh An Giang trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 23,4 triệu đồng.

Qua ứng dụng Zalo, anh L.C.T (ngụ xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, Trà Vinh) nhận được tin nhắn từ người lạ giới thiệu ứng dụng (App) vay tiền HAFIC. Do có nhu cầu nên anh T. đã tải về, đăng ký vay 50 triệu đồng. Ngay sau đó có người tên Xuân, tự giới thiệu là "nhân viên của App HAFIC", sử dụng số ĐT: 0923.372.811 liên lạc kết bạn, hướng dẫn anh T. làm các thủ tục vay tiền. Sau khi hoàn thành, anh T. mở TK trên App HAFIC thấy có 50 triệu đồng nhưng không rút được tiền nên anh liên lạc với Xuân. Đối tượng này yêu cầu anh T. phải nộp 10 triệu đồng để nâng mức tín nhiệm và sau khi phía App kiểm tra mới giải ngân, trả lại cho anh T. Tin tưởng, anh T. đã chuyển 10 triệu đồng vào TK: 3939999899998, chủ TK: Đỗ Phương Nam thuộc NH Quân đội (MB). Sau đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu anh T. chuyển tiền thì mới giải ngân được. Anh T. làm theo nhưng vẫn không nhận được khoản vay và đến lúc này mới biết mình bị lừa nên báo cho cơ quan chức năng. Tính tới thời điểm hiện tại, anh T. đã chuyển cho đối tượng 234 triệu đồng.

Bị chiếm quyền sử dụng mạng xã hội

Theo cơ quan chức năng, các đối tượng chiếm quyền sử dụng MXH, sau đó lợi dụng mối quan hệ thân thiết giữa chủ TK thực sự (trước khi bị chiếm quyền sử dụng), nhắn tin mồi chài, khai thác mối quan hệ, bắt chước cách nói chuyện, nhắn tin... để nạn nhân tin mình đang nói chuyện với người thân, bạn bè, sau đó nhắn qua Messenger yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào số TK đối tượng cung cấp. Anh L.P. (ở thị trấn Trà Cú, Trà Vinh) nhận được tin nhắn từ TK Zalo của đối tượng tự xưng "anh B. - Chủ tịch huyện Trà Cú”, với nội dung do bận việc nên sẽ chuyển cho anh P. một số tiền, nhờ anh P. chuyển giúp đến TK khác để làm từ thiện.

Một nạn nhân đến cơ quan công an trình báo bị lừa đảo

Tưởng thật, anh P. đồng ý cung cấp số TK ngân hàng. Sau đó, đối tượng gửi cho anh P. hình ảnh xác nhận đã chuyển khoản 2,2 tỷ đồng và cung cấp số TK nhờ anh P. chuyển đến. Do tin tưởng, anh P. không kiểm tra TK mà chuyển ngay 150 triệu đồng vào TK: 190331400940011 của Nguyễn Văn Thắng thuộc NH Techcombank (ngoài ra còn TK: 1024762639 của Nguyễn Văn Thắng thuộc NH Vietcombank CN Tây Hà Nội, PGD Sơn Tây). Mãi đến khi kiểm tra lại, anh P. mới biết TK ngân hàng của mình không hề nhận được 2,2 tỷ đồng như hình ảnh xác nhận đã chuyển khoản mà đối tượng gửi trước đó. Nghi bị lừa đảo, anh P. liên lạc với anh B. mới biết không có việc nhờ chuyển tiền.

Tài khoản Facebook tên "GiaBao Tang" (chủ là Thạch Thị Cha Da, hiện sống tại Pháp, bạn của chị T.K.C, ngụ ấp Chợ, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, Trà Vinh) nhắn tin qua hệ thống Messenger rằng muốn mua yến sào và đông trùng hạ thảo của chị C. với giá 95 triệu đồng. Sau đó, đối tượng gửi đường link để chị C. nhập thông tin vào. Tin tưởng, chị C. làm theo đồng thời gửi mã OTP thì phát hiện số tiền trong TK của mình bị trừ 95 triệu đồng để chuyển vào TK: 5905205573514 của Lê Văn Tài thuộc NH Agribank. Sau đó, có đối tượng nam nói giọng miền Bắc sử dụng 02 số ĐT: 0794.654.617, 0706.310.614 liên lạc yêu cầu chị C. cung cấp số TK và mật khẩu OTP để chuyển tiền trả lại. Nghi bị lừa, chị C. đã trình báo CA.

Trước đó, cũng với thủ đoạn trên, đối tượng đã lừa đảo trót lọt 2 vụ tại ấp Bào Môn, xã Đôn Châu và ấp Kinh Đào, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, chiếm đoạt của hai nạn nhân 130 triệu đồng. Trong đó, đối tượng sử dụng TK: 2105205214095 của Trần Ngọc Phước thuộc NH Agribank yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào. Mãi đến khi được yêu cầu chuyển lần thứ hai với số tiền lớn hơn, nạn nhân mới nghi bị lừa đảo, nên chủ động liên lạc qua ĐT với chủ TK thật để xác nhận, mới biết TK Facebook "GiaBao Tang" đã bị hack từ lâu.

Tại Đồng Tháp từ đầu năm đến nay, CA tỉnh này tiếp nhận 47 vụ đối tượng sử dụng CNC lừa đảo chiếm đoạt trên 23 tỷ đồng. Theo cơ quan CA, tội phạm lừa đảo qua mạng tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, lợi dụng nhu cầu mua sắm, tìm việc làm trên mạng của nhiều phụ nữ để "giăng bẫy", sau đó chiếm đoạt TS.

Ở Trà Vinh thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng CNC để LĐCĐTS của người dân xảy ra trên địa bàn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự - CA tỉnh, chỉ riêng quý II/ 2022, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ, số tiền bị lừa trong mỗi vụ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Tại Cà Mau, thống kê của CA tỉnh cho biết, từ năm 2021 đến nay tại địa phương xảy ra hơn 50 vụ LĐCĐTS qua MXH, đa số các vụ bị hại đều không trình báo. Hầu hết các vụ việc liên quan đến tội phạm CNC xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất khó làm rõ, do vướng một số khó khăn nhất định trong công tác điều tra, xử lý đối tượng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang