Một kiểu buôn người?

Thứ Sáu, 22/05/2015 12:53  | Văn Cương - Ngọc Huy

|

(CATP) Thực chất, nhiều lao động sau khi đặt chân đến “miền đất hứa” mới biết mình bị lừa: phải làm việc quá sức, ăn uống kham khổ... thậm chí còn phải bỏ tiền ra chuộc... thân!

Mong muốn tìm được công việc phù hợp, thu nhập ổn định, chế độ đãi ngộ tốt là điều mà nhiều lao động (LĐ) trẻ luôn mơ ước. Nắm được tâm lý này, nhiều công ty “ma” đã tìm cách dụ dỗ, đưa ra chính sách hấp dẫn nhằm tuyển người lao động cho các nhà vườn tại Tây nguyên. 

Bị mua đi bán lại như hàng hóa

Nhận được tin từ đường dây nóng, chúng tôi tới xã An Nhơn Tây, Củ Chi, TPHCM gặp anh Nguyễn Thanh Tần (SN 1983, quê Bến Tre) vừa từ Lâm Đồng trở về, kể lại: Đầu năm 2015 anh từ quê lên TPHCM tìm việc làm và được bạn cùng quê cho biết ở cầu vượt An Sương (giáp ranh quận 12 và huyện Hóc Môn) dán nhiều tờ rơi, quảng cáo rao vặt tuyển dụng lao động đi làm việc ở Lâm Đồng với mức lương khá cao: 6 triệu đồng/tháng, công việc lại nhẹ nhàng: hàng ngày chỉ cắt cây cảnh, thu hoạch rau củ quả trong trang trại mà hồ sơ thủ tục lại rất đơn giản.

Anh Tần đã bật khóc khi trình bày sự việc - Ảnh: Báo CATP

Theo lời giới thiệu trên tờ rao vặt, anh điện thoại vào số 0987123... gặp Long. Ít phút sau, một người ăn mặc lịch sự đến gặp anh Tần ở quán cà phê gần đó, đề nghị anh đưa chứng minh nhân dân (CMND) để làm hồ sơ xin việc rồi chìa ra một tờ giấy, bảo là hợp đồng, nói anh Tần ký để còn kịp lên xe đi Lâm Đồng vì họ đang rất cần lao động. Xong thủ tục, người này bảo anh ngồi đợi, cứ ăn uống thoải mái, đã có công ty lo toàn bộ, cả tiền xe lên Lâm Đồng cũng được trả.

Xe chạy đến 23 giờ cùng ngày đến một ngã ba (sau này anh mới biết là ngã ba thôn Hòa, Nam Ban, Lâm Hà, Lâm Đồng) thì dừng lại, tài xế xe khách bảo anh Tần xuống cùng 3 người khác rồi đưa vào một trang trại gần đó. Bốn người được bố trí vào căn chòi tạm bợ có hai người đang nằm ngủ. Một cặp nam nữ yêu cầu mọi người không được sử dụng điện thoại di động, thậm chí đi vệ sinh cũng có người kèm. Đến sáng, cặp đôi này đánh thức tất cả mọi người dậy.

Anh Tần thấy tại đây treo nhiều bảng nội quy, trong đó có thông báo lương hàng tháng chỉ 2 - 2,5 triệu đồng, chưa bằng một nửa so với những gì mình được hứa khi ký hợp đồng. Đang ngơ ngác, anh Tần thấy nhiều người lạ xuất hiện, chỉ vào từng người, có lúc gật đầu, lúc không. Chừng nửa tiếng sau, anh Tần được thông báo đã có người nhận vào làm việc và yêu cầu anh đi theo về trang trại.

Vừa cuốc bộ về đến trang trại của ông chủ, anh Tần được phân công vác những bao phân 50kg và cây cà phê non mang lên đồi để trồng cho kịp mùa mưa. Đến 12 giờ trưa thì được nghỉ để ăn trưa, chưa kịp tiêu hóa xong thì 13 giờ chủ đã kêu dậy làm việc cho đến 18 giờ, tối mịt chủ trang trại mới cho nghỉ. Làm được ba ngày, cơm không đủ ăn, sức khỏe giảm sút, không thể làm được những công việc nặng nên anh xin nghỉ.

Lúc này chủ trang trại mới cho biết đã mua anh giá hai triệu đồng, nếu muốn nghỉ phải bỏ tiền ra chuộc, còn không phải làm cho đủ khoản này và tiền ăn thì mới được nghỉ. Anh Tần phải gọi điện khắp nơi cầu cứu. Thoát khỏi trang trại, anh Tần đón xe thẳng về TPHCM, còn những người đi chung chuyến hôm đó thì không hề biết tung tích.

Có hay không đường dây lừa đảo?

Qua những lời kể của các nạn nhân, liệu có hay không đường dây khép kín chuyên lừa đảo lao động? Các lao động được chuyển từ “cò” tuyển dụng tại ngã tư An Sương qua sự trung chuyển của lái xe H.B đưa đến các trung tâm phân phối tại Lâm Đồng, rồi bán lại cho các trang trại. Mỗi ngày, một chuyến có trên 20 lao động bị lừa bán lên Lâm Đồng thì số tiền chuộc có thể lên đến 40 triệu đồng/ngày.

Các lao động cũng cho biết thêm, sau khi bỏ tiền chuộc thân, chủ trang trại không trả lại hợp đồng, có người còn trả lời rất “vô tư” khi được hỏi: “Trả để tụi mày đi báo công an à?”. Khi về đến TPHCM, liên lạc với những số điện thoại đã xin việc trước đó để đòi lại tiền thì nhận được những lời thách thức, thậm chí đe dọa: “Tụi tao hoạt động theo công ty nên chả ngán đâu. Nếu có gan muốn lấy lại tiền thì cứ ra An Sương...”.

Qua những sự việc này, người lao động cần việc làm nên cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo của các công ty tuyển dụng “ma”. Khi có nhu cầu tìm việc cần liên hệ những trung tâm có uy tín hoặc tổ chức xã hội đã được thông báo qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời cũng rất mong cơ quan chức năng quận 12, huyện Hóc Môn kiểm tra tình hình hoạt động của các công ty đóng trên địa bàn, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý triệt để giúp người lao động tránh bị lừa.

Bình luận (1)

Chuyện này gặp hoài, cách đây không lâu, mình cũng gặp qua. Có một người ở tận Cà Mau cũng nghe lời bọn môi giới việc làm này, anh ta trốn chạy không giấy tờ, đi nhờ xe tải và lội bộ về Bến xe Miền Tây, hai chân lội bộ sưng húp... và không có xu nào để mua vé xe về. Tối hôm đó mình đi công tác (mang theo ít tiền) nên không thể giúp. mình nắm tay anh ta và dẫn vào nhà chờ xe Phương Trang nhờ mọi người giúp đỡ và anh ta đã có vé về ngay trong đêm.

Nguyên - Thứ Bảy, 23/05/2015, 16:16 Trả lời | Thích
Lên đầu trang