Vụ đánh bạc gần chục ngàn tỷ: Nhà mạng thu 1.200 tỷ như thế nào?

Thứ Ba, 13/11/2018 10:19

|

(CAO) Sáng 13-11, tại phiên xét xử đường dây đánh bạc gần chục ngàn tỷ tại TAND Phú Thọ, đại diện VKSND tiếp tục công bố cáo trạng.

Trong đó thể hiện rõ việc các đối tượng mua Rik đánh bạc bằng việc lựa chọn mua thẻ cào viễn thông của các nhà mạng qua những cách khác nhau. Các nhà mạng thu về hơn 1.200 tỷ đồng.

Để mua Rik đánh bạc, đối tượng đánh bạc lựa chọn theo 3 cách:

Thứ nhất, người đánh bạc nộp tiền vào tài khoản thẻ ATM, thẻ thanh toán quốc tế của đối tượng tại các ngân hàng có kết nối thanh toán với cổng thanh toán quốc gia Napas và các cổng thanh toán quốc tế Mycard (Đài Loan), PayOneQ (Hàn Quốc). Sau đó, đăng nhập vào cổng game bài Rikvip bằng tài khoản đánh bạc đã đăng ký.

Thứ hai, người đánh bạc mua thẻ cào viễn thông của các nhà mạng (Viettel, Mobifone, Vinaphone) và các loại thẻ game (Gocoin của Công ty VTC online, Vcard của Công ty CNC, Zing của Công ty cổ phần VNG, Vcoin của Công ty VTC công nghệ và nội dung số, Gate của Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến Gate, MegaCard của Công ty VNPT EPAY. Sau đó, đăng nhập vào cổng game bài Rikvip bằng tài khoản đánh bạc đã đăng ký.

Trong ngày xét xử thứ hai,VKSND  tiếp tục nêu cáo trạng truy tố 92 bị can.

Thứ ba, người đánh bạc chuyển tiền cho đại lý để mua Rik. Đại lý sử dụng chức năng “Chuyển Rik” trong công cụ quản lý của đại lý để chuyển Rik vào tài khoản đánh bạc của đối tượng đánh bạc. Đối tượng đánh bạc thanh toán với đại lý bằng tiền mặt trực tiếp hoặc qua chuyển khoản ngân hàng.

Để đổi Rik ra tiền hoặc hiện vật là thẻ cào viễn thông hoặc thẻ game, đối tượng đánh bạc có 3 cách, trong đó: Đổi Rik lấy thẻ cào hoặc thẻ game, bằng cách từ giao diện chính của tài khoản đánh bạc trong cổng game bài Rikvip, đối tượng đánh bạc nhấn vào biểu tượng “Tiêu Rik” chuyển sang giao diện “Tiêu Rik, mua mã thẻ”, lựa chọn loại thẻ, mệnh giá thẻ muốn đổi, sau đó nhấn nút “Thanh toán” để lấy mã code, seri thẻ cào của các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone và các loại thẻ game ở kho thẻ đổi thưởng trong cổng game bài Rikvip.

Đại diện VKSND Phú Thọ đọc cáo trạng.

Căn cứ vào biên bản đối soát giữa các công ty trong giai đoạn Rikvip, tài liệu đối soát được lưu trên Dropbox do Phan Sào Nam cung cấp, tài liệu giám định, kết quả so sánh, đối chiếu mã thẻ do nhà mạng cung cấp với tài liệu giám định, biên bản làm việc chốt số liệu giữa các bên và sao kê tài khoản của các công ty, cá nhân có liên quan, đến nay đã đủ cơ sở khẳng định:

Tổng số tiền được nạp vào hệ thống game bài Rikvip, Rikvip, 23ZDO, Zon/Pen do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm vận hành là: hơn 9.800 tỷ đồng (số liệu này chưa đầy đủ vì không có dữ liệu từ ngày 24-6-2017 đến ngày kết thúc 29-8-2018).

Trong đó: Tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ viễn thông, thẻ game là hơn 8.800 tỷ đồng; tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ Gocoin là hơn 360 tỷ đồng; tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ Vcard là hơn 460 tỷ đồng; tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ ATM của các ngân hàng là hơn 180 tỷ đồng.

Số tiền doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến được phân chia như sau:

Các công ty phát hành thẻ được phân chia hơn 1.200 tỷ đồng, gồm: Viettel hơn 900 tỷ đồng, Vinaphone gần 150 tỷ đồng, Mobifone hơn 170 tỷ đồng, Công ty VTC online (thẻ Gocoin) hơn 14 tỷ đồng, Công ty Gate (thẻ Gate) hơn 230 triệu đồng, Công ty VNG (thẻ Zing) hơn 160 triệu đồng; Công ty VTC intercom (thẻ Vcoin) hơn 10 triệu đồng và 33 ngân hàng phát hành thẻ ATM là hơn 960 triệu đồng…

Sau khi trừ chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành là hơn 3.700 tỷ đồng, thì các cá nhân còn được hưởng lợi hơn 4.700 tỷ đồng, trong đó: Phan Sào Nam hơn 1.400 tỷ đồng; Nguyễn Văn Dương – CNC hơn 1.600 tỷ đồng; Nguyễn Quốc Tuấn - CNC hơn 20 tỷ đồng; Phạm Tuấn Anh - CNC hơn 18 tỷ đồng; Nguyễn Ngọc Thịnh - CNC hơn 19 tỷ đồng; nhóm Phan Anh Tuấn, Hoàng Thành Trung và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) hơn 1.500 tỷ đồng.

Chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương cùng HĐXX

Liên quan đến việc ông Phan Văn Vĩnh không đồng ý đăng bản án lên cổng thông tin điện tử của TAND tỉnh Phú Thọ, và được sự chấp thuận của chủ tọa phiên tòa, đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi với báo chí về việc này, thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương cho biết, căn cứ theo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, theo quy định công bố bản án công khai, bị cáo được từ chối vì lý do cá nhân và đây là quyền của họ. Chỉ cần 1 trong các bị cáo có đề nghị không đăng thì HĐXX sẽ không đăng.

Cũng theo thẩm phán Hương, xem xét trong vụ án có hơn 90 bị cáo, HĐXX cẩn thận hơn vì phải là bản án có hiệu lực thì mới được đăng tải. Bản án chưa có hiệu lực, không biết có tình huống kháng cáo, kháng nghị hay không.

Bình luận (0)

Lên đầu trang