Công an TPHCM giữ vững và không ngừng mở rộng “vùng xanh”

Thứ Năm, 09/09/2021 17:51

|

(CATP) Bằng việc áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh, sau nhiều ngày giãn cách xã hội, TPHCM đã mở rộng thêm nhiều “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19.

Thời gian qua, trước sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19, nhiều khu vực tại TPHCM đã bị phong tỏa. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số khu vực từ đầu mùa dịch đến giờ chưa có ca nhiễm bệnh, hoặc đã xảy ra tình trạng nhiễm bệnh nhưng bị cô lập xử lý và không tái phát trở lại.

Xuất phát từ thực tế trên, cùng nhận định dịch bệnh đi vào cộng đồng bằng 2 con đường chính: Một là do người nơi khác đi vào địa bàn gây lây nhiễm, hai là do người dân trong địa bàn đi ra ngoài bị lây nhiễm và mang dịch trở về, nhiều địa phương đã lên ý tưởng cô lập, khoanh vùng bảo vệ các khu vực chưa nhiễm bệnh để xác lập thành “vùng xanh”, trên cơ sở đó thành lập các tổ tự quản với sự tham gia của lực lượng tại chỗ để bảo vệ các khu vực này.

Mọt chốt kiểm soát phòng chống dịch trên địa bàn phường Linh Đông, TP.Thủ Đức

Trên cơ sở các “vùng xanh” đã được xây dựng, ngày 1/8/2021, Công an TPHCM đề xuất một số nội dung hướng dẫn bảo vệ “vùng xanh” trong phòng chống dịch Covid-19. Dựa trên đề xuất đó, ngày 12/8/2021 UBND TP ban hành công văn số 2696/UBND-VX về việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, nguyên tắc thiết lập “vùng xanh” có thể trên phạm vi một hoặc một số xã, phường, thị trấn hoặc một quận, huyện. Tuy nhiên, trong “vùng xanh” phải được phân chia thành những khu vực giới hạn bởi các tuyến đường giao thông có các phương tiện vận tải công cộng có thể lưu thông thường xuyên (gọi tắt là khu vực). Mọi hoạt động, sinh hoạt của người dân phải được đáp ứng để không phải ra những tuyến đường lớn này.

Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TPHCM kiểm tra, trao đổi với lực lượng tự quản bảo vệ “vùng xanh” ở quận Phú Nhuận

Mỗi khu vực trong “vùng xanh” phải đảm bảo các điều kiện: Ban hành, niêm yết nội quy tại mỗi khu vực; thiết lập các chốt kiểm soát bảo vệ khu vực thuộc “vùng xanh”; lực lượng tham gia bảo vệ “vùng xanh” chủ yếu là lực lượng tại chỗ, gồm: Đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, công đoàn, cựu chiến binh, chữ thập đỏ), bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, công an hưu trí, cán bộ, công chức đang nghỉ...

Kiểm soát “vùng xanh” theo nguyên tắc “giữ chặt, kiểm soát nghiêm”, thực hiện đúng nội quy “vùng xanh”; đảm bảo hoạt động cung ứng thực phẩm; tổ chức ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho cư dân “vùng xanh” theo quy định. Trường hợp có người nghi nhiễm trong khu vực “vùng xanh” phải nhanh chóng khoanh vùng, cô lập và đưa người nghi nhiễm và những người tiếp xúc đi cách ly bên ngoài “vùng xanh”.

Kiểm soát người dân ra đường trong thời gian giãn cách xã hội

Ngay khi chủ trương được triển khai, phong trào thi đua mở rộng “vùng xanh” trên khắp các xã, phường, thị trấn của TPHCM càng thêm sôi động. Bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như truyên truyền trên báo đài, tuyên truyền qua mạng xã hội, tuyên truyền qua nhóm zalo, tuyên truyền bằng xe loa... để người dân hiểu được chủ trương của TP cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, hăng hái phối hợp với lực lượng Công an và các ban, ngành, đoàn thể tham gia phòng chống dịch.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng hoạt “hàng rào mềm”, “chốt tự quản” đã được người dân dựng lên để bảo vệ khu vực mình sinh sống. Tại các con hẻm, tình trạng người dân tụ tập không còn mà thay vào đó là thực hiện nguyên tắc 5K và “ai ở đâu, ở yên đó”.

Tại TP.Thủ Đức, từ ngày 1/7/2021, đơn vị đã triển khai toàn diện đến 34/34 phường việc rà soát các khu vực “sạch” để thiết lập thành “vùng xanh”. Phường An Lợi Đông là một “vùng xanh” tiêu biểu của phành phố phía Đông này. Nơi đây có diện tích 360ha, bao gồm 866 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu, được chia thành 20 khu vực.

Trước khi trở thành “vùng xanh”, phường từng có 2 điểm phong tỏa nhưng nhờ áp dụng nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch cùng sự đồng lòng của nhân dân để cùng nhau thiết lập nên “vùng xanh”, trong vòng 14 ngày, phường đã xóa tan 1 điểm phong tỏa, điểm còn lại cũng chuyển hóa thành “vùng vàng”. Tỷ lệ tiêm vắc xin trên địa bàn phường hiện đạt trên 98%.

Đội tình nguyện phường An Lợi Đông, Thủ Đức đi mua hàng giúp dân
Công an phường An Lợi Đông kiểm soát các trường hợp ra vào

Ông Nguyễn Văn Lưu - Phó Chủ tịch UBND phường An Lợi Đông, TP.Thủ Đức cho biết: Ở “vùng xanh” cư dân không được ra khỏi nơi cư trú. Do đó, để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, thuốc men… cho người dân, phường đã thành lập đội tình nguyện gồm 32 người, đồng thời xây dựng một phần mềm online để người dân có thể đặt các món nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình họ.

Hàng ngày, đội tình nguyện sẽ kiểm tra đơn, đi mua và giao hàng ngay trong ngày, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thiết yếu để cư dân an tâm ở nhà phòng chống dịch.

Song song với việc thiết lập và bảo vệ các “vùng xanh”, TP.Thủ Đức tiến hành xác định lại các điểm có nguy cơ cao, rất cao trên địa bàn từng phường để tập trung xét nghiệm, bóc tách đưa những trường hợp F0 đi điều trị, đồng thời tổ chức tiêm ngừa theo từng tổ dân phố, từng khu vực đối với những người dân đủ điều kiện trong vùng. Bằng việc áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, tính đến cuối tháng 8/2021, TP.Thủ Đức đã xây dựng được khoảng 1.700 “vùng xanh”.

Công an TP.Thủ Đức tuần tra kết hợp phát loa tuyên truyền đến người dân

Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng - Trưởng Công an TP.Thủ Đức cho biết: Hiện nay, TP.Thủ Đức đang tiếp tục giai đoạn 2, đó là đưa ra tiêu chí để xác lập vùng an toàn.

Theo đó, trên cơ sở các “vùng xanh” đã giữ được từ trước tới nay, xét nghiệm liên tiếp 7 ngày không có trường hợp nào nhiễm bệnh thì xác định là vùng an toàn. Từ đó, tiến hành kiểm soát chặt dịch bệnh, đảm bảo vấn đề tiêm ngừa phải đạt trên 95%, vấn đề an sinh xã hội cho người dân, từng bước lan tỏa các vùng an toàn, tiến tới xây dựng phường an toàn, khôi phục vấn đề phát triển kinh tế xã hội, việc đi lại, việc sản xuất.

Có thể thấy việc thiết lập “vùng xanh” đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phòng chống dịch bệnh. Với hình thức khoanh vùng, kiểm soát người từ bên ngoài vào cũng như việc đi lại của người dân trong vùng, các yếu tố có nguy cơ lây bệnh đã được chặn lại.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo tốt nguồn cung ứng thực phẩm cũng như xét nghiệm định kỳ, tiêm ngừa đầy đủ đã giúp người dân trong vùng cảm thấy an tâm để đồng lòng cùng chính quyền phòng chống dịch.

 Hàng hóa được giao cho bảo vệ khu đô thị để giao tận nhà người dân
 Khử khuẩn các phương tiện ra vào
Shipper không được vào vùng xanh mà sẽ để hàng hóa tại khu vực chỉ định rồi gọi điện khách ra nhận hàng

Tính đến đầu tháng 9/2021, TPHCM đã thiết lập gần 11.000 “vùng xanh”. Đây là nỗ lực không ngừng của CATP trong công tác phòng chống dịch bệnh. Trong cuộc chiến gian nan này, dẫu đã có nhiều cán bộ chiến sĩ bị nhiễm bệnh, thậm chí là hy sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhưng với quyết tâm khôi phục lại nhịp sống bình yên cho TP, hàng chục ngàn CBCS CATP đã gác lại những tình cảm, công việc riêng tư để luôn vững bước nơi tuyến đầu.

Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an TPHCM nhấn mạnh: Trong khó khăn về đại dịch ngày hôm nay, chúng tôi cảm thấy đây là trách nhiệm và cũng là vinh dự để tiếp tục cống hiến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Lực lượng CATP sẽ cùng các lực lượng khác quyết tâm chính trị cao để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Dịch Covid-19 dù không thể một sớm một chiều có thể dập tắt ngay được nhưng tin rằng với những nỗ lực của lực lượng Công an và các lực lượng khác cùng sự phối hợp của nhân dân, TP sẽ sớm khống chế được dịch bệnh, mở rộng thêm nhiều “vùng xanh”, xóa tan “vùng đỏ”, từng bước xanh hóa TPHCM để người dân trở lại cuộc sống bình thường.

Bình luận (0)

Lên đầu trang