Ai đã “bức tử” những ngọn núi ở Khánh Hòa?

Kỳ cuối: Cần xử lý nghiêm kẻ phá hoại

Thứ Hai, 09/09/2019 16:30

|

(CATP) Trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, phát triển dân cư, đô thị tại Khánh Hòa, nhiều bất cập đã được chỉ ra. Trong những phiên họp HĐND tỉnh này thời gian gần đây, công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng... trở thành đề tài “nóng”, được các đại biểu truy trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Ở cấp cao hơn, công tác chỉ đạo, điều hành tại Khánh Hòa được xác định là “có vấn đề”.

Buông lỏng quản lý

Ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa), các ngọn núi và đảo tuy không phải khu bảo tồn thiên nhiên, nhưng cảnh quan, địa hình tại đây là một phần quan trọng của thắng cảnh quốc gia vịnh Nha Trang, tạo dấu ấn riêng của thành phố biển. Hơn nữa, việc giữ gìn những ngọn núi và thảm thực vật trên đó có ý nghĩa phòng hộ, giúp bảo vệ các khu dân cư (KDC) bên dưới, hạn chế nguy cơ lũ quét, sạt lở; giúp việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển du lịch một cách bền vững.

Di tích Biệt thự Cầu Đá (lầu Bảo Đại) bị đào bới làm biến dạng

Thế nhưng thời gian qua, nhiều ngọn núi, đảo ở Nha Trang đã bị “xẻ thịt”, cày xới nham nhở để làm dự án. Cả những đảo hoang trên vịnh Nha Trang theo quy hoạch phải giữ nguyên trạng hay những ngọn đồi gắn với các di sản quý (như Biệt thự Cầu Đá) cũng bị san ủi, “băm” nát. Đất di sản lại trở thành... “tài sản” của doanh nghiệp (?). Đây đó, hàng ngày vẫn ùng oàng tiếng nổ mìn khai phá núi. Sự vô trách nhiệm của cơ quan chức năng đã tiếp tay cho hoạt động bạt rừng, xẻ núi trái phép này.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam:

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ từ đầu luôn quán triệt rằng chúng ta phát triển phải bền vững. Đương nhiên trong quá trình phát triển, chúng ta phải khai thác tài nguyên thiên nhiên, khai thác các lợi thế so sánh về tự nhiên và xã hội để phát triển, nhưng phải bảo đảm bền vững. Khi các yếu tố bền vững chưa được bảo đảm thì tốt nhất là lùi lại, để đến khi có đủ điều kiện sẽ làm.

Tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Khánh Hòa - khóa VI diễn ra đầu tháng 7-2019, trong các phiên chất vấn, nhiều đại biểu “xoáy” vào sự bất cập của các dự án trên núi. Cụ thể là tình trạng xây dựng sai quy hoạch về mật độ, độ cao, tự ý thay đổi công năng công trình, phá vỡ cảnh quan tại dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View; việc chậm giải quyết hậu quả sạt lở núi làm sập nhiều nhà dân, 4 người trong một gia đình thiệt mạng xảy ra tại công trường Dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú (TP.Nha Trang); cấp phép xây dựng cho hàng loạt dự án tại khu vực núi Cô Tiên, trong khi chưa có quy hoạch chi tiết...

Phát biểu tại cuộc họp về tình hình sai phạm xây dựng tràn lan trên địa bàn, ông Nguyễn Tấn Tuân (Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa) nhấn mạnh, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Trước đó, ngày 10-4-2019, trong phiên họp bất thường của HĐND tỉnh Khánh Hòa, những bất cập trong công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng cũng được đưa lên bàn nghị sự. Ông Lê Đức Vinh (Chủ tịch UBND tỉnh) thừa nhận, đã có sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền. “Để xảy ra tình trạng như vậy là do sự buông lỏng quản lý từ chính quyền cơ sở, đến cấp huyện, kể cả cấp tỉnh” - ông Vinh nói.

Trước tình trạng sai phạm, bất cập diễn ra phổ biến và kéo dài tại các dự án đầu tư, phát triển KDC, đô thị, UBND tỉnh này đã yêu cầu các sở, ngành liên quan và địa phương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và có hình thức xử lý kỷ luật. Sau khi kiểm tra, rà soát, UBND TP.Nha Trang đã đề xuất UBND tỉnh thu hồi các dự án ở khu vực có nguy cơ gây lở núi.

Công tác chỉ đạo, điều hành "có vấn đề"

Thời gian qua, cùng với các dự án xẻ núi, tàn phá cảnh quan thiên nhiên, gây nhiều hệ lụy nặng nề trước mắt và lâu dài, việc bán đất “vàng” có nguồn gốc Nhà nước quản lý với giá rẻ tại TP.Nha Trang... là đề tài nóng hổi trên báo chí. Hàng loạt khu đất “vàng” ở trung tâm TP.Nha Trang đã được chuyển dịch quyền sử dụng cho các doanh nghiệp, cá nhân mà không qua đấu giá. Với hình thức chỉ định nhà đầu tư trái luật như vậy, đã làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang, Khánh Hòa:

UBND TP.Nha Trang xin nhận trách nhiệm, khuyết điểm. Có sự buông lỏng quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, vai trò tham mưu của phòng, ban trực thuộc thành phố cũng chưa đến nơi, đến chốn. Việc chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố cũng chưa được quyết liệt, rốt ráo, dẫn đến các khu vực tự phát hình thành kéo dài.

Trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, phát triển dân cư, đô thị tại Khánh Hòa, nhiều bất cập đã được chỉ ra. Trong những phiên họp HĐND tỉnh này thời gian gần đây, công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng... trở thành đề tài “nóng”, được các đại biểu truy trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Ở cấp cao hơn, công tác chỉ đạo, điều hành tại Khánh Hòa được xác định là “có vấn đề”.

Đơn cử việc bán đất trụ sở Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa tại số 01 Trần Hưng Đạo (TP.Nha Trang) và đầu tư xây mới trường này. Gần 7.400m2 đất tại đây được ấn định giá chỉ hơn... 122,1 tỷ đồng (!). Trong đó, diện tích đất xây dựng khối tháp (đất ở lâu dài) là 4.440m2, giá đất hơn 21,8 triệu đồng/m2. Diện tích đất cây xanh nội bộ (đất sản xuất phi nông nghiệp, thời hạn sử dụng 50 năm), giá thuê hơn 8,5 triệu đồng/m2. Tham khảo giá giao dịch trên thị trường, nhiều bài báo đã chứng minh giá đất trên là quá “bèo”. Vấn đề còn ở chỗ, việc chuyển dịch thửa đất tại số 1 Trần Hưng Đạo cũng như việc chỉ định thầu tại dự án đầu tư xây mới Trường Chính trị tỉnh là trái quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 25-5-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa có Tờ trình số 2539/TTr-UBND, trình Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số dự án trên địa bàn theo hình thức BT, trong đó có dự án Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa. Sau khi lấy ý kiến từ các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1191/TTg-KTN ngày 21-7-2011, lưu ý việc xem xét chỉ định nhà đầu tư (theo ủy quyền của Thủ tướng) và việc bố trí quỹ đất để thực hiện dự án thu hồi vốn phải tuân theo quy định của Nghị định 108/2009/NĐ- CP cùng các quy định liên quan.

Biệt thự thiết kế dày đặc tại dự án Haborizon trên núi Hòn Rớ (TP.Nha Trang)

Trong Văn bản số 3834/BKHĐT-QLĐT ngày 15-6-2011, tham mưu cho Thủ tướng về thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (trong đó có dự án Trường Chính trị tỉnh), cũng là văn bản hướng dẫn tỉnh thực hiện dự án này, căn cứ vào Điều 13, Điều 14, Nghị định 108/2009/NĐ-CP, Điều 14 Thông tư 03/2011/TT-BKHĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ý kiến: Dự án xây mới Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa không thuộc một trong các trường hợp được áp dụng chỉ định nhà đầu tư; đề nghị UBND tỉnh này tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành.

Mặt khác, việc thanh toán cho nhà đầu tư (thực hiện Dự án BT Trường Chính trị tỉnh) bằng quỹ đất phải thực hiện theo Khoản 3, Điều 9, Thông tư 03/2011/TT-BKHĐT. Cụ thể, trường hợp thu xếp được quỹ đất để tạo nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo hướng dẫn tại Thông tư 03/2009/ TT-BKHĐT. Thế nhưng việc “thanh lý” trụ sở Trường Chính trị tỉnh và dự án đầu tư xây mới trường này đều được thực hiện qua... chỉ định nhà đầu tư (!).

Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp bán đất “vàng” giá “bèo” tại Nha Trang được báo chí phanh phui. Từ những phản ánh của báo chí và dư luận, mấy năm qua, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện thanh tra hơn 30 dự án có sử dụng đất đai, tài sản công tại Khánh Hòa. Quá trình thanh tra kéo dài, cho thấy sự phức tạp và tính chất nghiêm trọng của các sai phạm. Ngày 4-9 vừa qua, đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTU) đã làm việc với Tỉnh ủy Khánh Hòa, thông báo kết luận việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trước đó, ngày 23-8-2019, UBKTTU cho biết, đã họp kỳ 38 để xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có nội dung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa. Tuy nhiên, xem xét kỷ luật mới chỉ là bước đầu trong quá trình đấu tranh, xử lý các cán bộ sai phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, để xảy ra thất thoát nghiêm trọng tài sản và ngân sách Nhà nước. Với chủ trương của Đảng là đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, sai phạm; căn cứ hậu quả nghiêm trọng từ công tác quản lý điều hành trái quy định của những cá nhân có thẩm quyền gây ra, rồi đây hẳn sẽ có những cán bộ của tỉnh Khánh Hòa bị xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm.

Mới đây, UBKTTU đã kết luận về trách nhiệm cá nhân của các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa như sau: Ông Lê Thanh Quang (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa. Ông Lê Đức Vinh (Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Nguyễn Chiến Thắng (nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa. Ông Trần Sơn Hải (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh) và ông Đào Công Thiên (Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh) cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

UBKTTU xác định, những vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa và các cán bộ trên làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Kỳ 4: Hiểm họa nhãn tiền
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang