Sớm có giải pháp căn cơ trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL:

Kỳ 1: Thấp thỏm sống cạnh miệng hà bá

Thứ Ba, 13/08/2019 14:08  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Từ đầu năm đến nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xảy ra hàng trăm vụ sạt lở, không những thiệt hại về tài sản mà còn có nạn nhân thiệt mạng. Những vụ sạt lở xảy ra trong đêm khuya đến rạng sáng, khiến người dân hết sức hoang mang. 

Đến nay đã có nhiều gia đình được hỗ trợ di dời và bố trí tái định cư, nhưng vẫn còn cả chục ngàn hộ khác đang rơi vào cảnh “ở chẳng được, đi cũng chẳng xong”.

NƠM NỚP LO SỢ

Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 29-7-2019, tại ấp Hòa Thành (xã Xuân Hòa, H.Kế Sách, Sóc Trăng) đã xảy ra sạt lở khiến một đoạn đê bao dài khoảng 30m và 1 căn nhà đổ sụp hoàn toàn xuống sông Hậu.

Vụ sạt lở làm thiệt hại hàng trăm triệu đồng, tuyến đê bao bị sạt lở có nguy cơ làm nước mặn xâm nhập, ảnh hưởng đến vùng trồng cây ăn trái và việc qua lại của hàng trăm hộ dân.

Đứng cạnh căn nhà còn sót lại, bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa (68 tuổi) kể: “Thời điểm đó tôi ngủ trong phòng chỉ khép chứ không có khóa, nghe tole “rầm rầm” rồi nước ở ngoài sông tràn vô. Tôi hoảng hồn tìm lối thoát ra ngoài và nhìn lại căn nhà chìm hết xuống sông. Thời điểm đó đuối sức nhưng được con rể ứng cứu mới thoát nạn. Căn nhà sàn, kho chứa đồ sụp mất, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng”.

Người dân xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đang gia cố lại bờ kè bảo vệ căn nhà sau vụ sạt lở.

Tương tự vào 0 giờ 15 phút ngày 15-7-2019, vụ sạt lở bờ sông Nha Mân (xã Tân Nhuận Đông, H.Châu Thành, Đồng Tháp) khiến 5 căn nhà rơi xuống sông và 7 căn khác trong khu vực phải di dời khẩn cấp.

Vụ sạt lở có chiều dài 30m, ăn sâu vào bờ 5m. Ngoài ra 20m đường đan bị sụp xuống sông, khiến người dân phải đi vòng hàng trăm mét mới ra được Quốc lộ 80.

Ông Nguyễn Thanh Nam (ngụ ấp Tân Thuận) kể: “Tôi đang ngủ tự nhiên nghe tole kêu rắc rắc, vừa mở cửa chạy ra ngoài là sụp xuống luôn”.

Hiện đang sống trong căn nhà cách mé sông chưa tới 3m, ông Nguyễn Văn Liệt (58 tuổi) cho biết: “Gia đình ở đây đến nay đã 3 đời mà chưa từng thấy vụ sạt lở nào đáng sợ như vừa rồi. Giờ sống trong cảnh phập phồng, gia đình cũng chưa được vận động di dời, trong khi đó thỉnh thoảng nhìn ra sông thấy đất rơi từng mảng”. Để bảo vệ căn nhà là tài sản duy nhất, ông Liệt và nhiều hộ dân khác đã mua tràm, cát về làm bờ kè tạm.

Người dân sống cạnh sông Nha Mân tự gia cố bờ kè để bảo vệ tài sản.

Ông Đặng Minh Đông - Chủ tịch UBND xã Tân Nhuận Đông - cho biết: “Khu vực trên còn 6 hộ dân cần được bố trí tái định cư, trong khi đó khu tái định cư đã đầy. Địa phương đang kiến nghị về trên lập khu dân cư mới, với diện tích 12 héc-ta. Ngoài ra sẽ đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm bờ kè kiên cố để bảo vệ 41 hộ dân có nhà dọc theo tuyến này”.

Trước đây, 27 hộ dân ven sông Vàm Cái Hố (xã An Thạnh Trung, H.Chợ Mới, An Giang) sống trong cảnh yên vui nay bỗng nhiên lâm cảnh mất đất, mất nhà. Những căn nhà lúc nào cũng vang lên tiếng cười nay đã khóa cửa im lìm, dây cảnh báo bủa vây.

Ông Bành Thanh Xuân (60 tuổi, ngụ ấp An Thị) cho biết: “Vụ sạt lở ngày 9 và 19-7 vừa qua, đã cuốn đi đoạn khu đất dài 160m, khiến hàng chục hộ phải nháo nhào bỏ chạy. Do nhà tôi nằm sát bờ sông nên ăn ngủ không yên. Nhiều hôm thấy từng vạt đất lở ùm xuống sông nên cả nhà chỉ còn cách kéo qua nhà người thân tá túc”.

Một góc xóm nhà ở cạnh sông Vàm Nao.

TRỞ LẠI “ĐIỂM NÓNG”

Sau trận sạt lở kinh hoàng diễn ra ngày 22-4-2017 trên sông Vàm Nao (tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới, An Giang) khiến 14 căn nhà bị đổ sụp xuống sông và 108 hộ khác phải di dời khẩn cấp. Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi quay lại nơi này thấy việc lấp hố xoáy vẫn đang tiếp diễn và rất nhiều gia đình đã dọn về đây sinh sống.

Đang kinh doanh nước giải khát và dù được cấp 3 nền tái định cư ở khu dân cư (KDC) Mỹ Hòa nhưng gia đình đều bám trụ cạnh điểm sạt lở, bà Tô Thị Kim Hồng (62 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông) cho biết: “Gia đình được UBND xã mời rất nhiều lần về KDC ở nhưng từ chối, bởi giữa đồng thì buôn bán cho ai bây giờ. Hiện đã thả bao cát lấp hố xoáy rồi nên mình cũng không còn sợ gì nữa. Mỗi ngày ở đây buôn bán cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, có cái đắp đổi qua ngày”.

Vụ sạt lở sông Vàm Nao vào năm 2017, làm 14 căn nhà chìm xuống sông và hơn 100 hộ dân phải di dời

Gia đình được bố trí 2 nền tái định cư và đã cất nhà xong nhưng mấy tháng nay vợ chồng kéo về nhà cũ – nơi xảy ra vụ sạt lở. Ông Nguyễn Văn Bé (69 tuổi) kể: Thời điểm chưa bị sạt lở, gia đình ông sống bằng nguồn tiền giữ xe tại bến đò, với thu nhập trên 200 ngàn đồng/ngày, đủ ăn gạo. Được vận động di dời cả nhà đi, nhưng nay thấy ổn nên quay về. Bến đò đóng cửa, 8 người con (gồm dâu và rể) của ông thất nghiệp phải đi Bình Dương làm công nhân.

“Đồ đạc vẫn còn để ở nhà cũ nên mình xuống ở, vì sống gần sông cuộc sống vẫn thoải mái hơn KDC. Ngoài tôi ra vẫn còn nhiều hộ khác dọn về, một phần vì không vay được tiền để cất nhà” – ông Bé cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực bị ảnh hưởng từ vụ sạt lở trên đều bị cắt hết hệ thống điện, nước, cắm biển báo và địa phương cảnh báo không nên trở về. Hiện hàng chục hộ dọn về đồng nghĩa với việc xài điện câu đuôi, sử dụng nước sông và tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Anh Châu Đồng An (41 tuổi) cho hay: “Sau sạt lở gia đình được hỗ trợ 50 triệu đồng và bố trí nền tái định cư, chưa cất nhà. Lý do không về KDC bởi rất xa, còn ở đây vợ tôi ra chợ mua bán trái cây, tôi giao gas được. Chấp nhận sử dụng điện câu đuôi nên mỗi tháng đóng hơn 500 ngàn đồng, gấp đôi ngày trước. Người dân chúng tôi giờ như cá bị mắc cạn, bởi ở chẳng được mà đi cũng không xong”.

Theo quan sát, khu vực này hiện trở nên đìu hiu, nhiều căn nhà bị bỏ hoang, đập nham nhở. Vị trí bị lở đã được làm bờ kè hoàn chỉnh và biển cảnh báo tháo dỡ bỏ. Riêng những cơ sở sản xuất kinh doanh khóa cửa, không còn hoạt động.

Dân “xóm lở” Nguyễn Văn Tiếp phải tá túc trường học đợi tái định cư.

LẤY TRƯỜNG HỌC LÀM NHÀ

Do bị ảnh hưởng của sạt lở nên 11 hộ dân có nhà cạnh kênh Nguyễn Văn Tiếp (ấp 1, xã Phong Mỹ, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp) phải di dời khẩn cấp để bảo toàn tính mạng. Đã gần 4 tháng trôi qua, họ vẫn chưa được bố trí tái định cư và phải ở nhờ nhà người thân hoặc trường học.

Tìm đến Trường Tiểu học Phong Mỹ (đã bỏ hoang) cặp Quốc lộ 30 chúng tôi chứng kiến cảnh mệt mỏi, chán chường, lo lắng của nhiều gia đình.

Xóm nhà cạnh kênh Nguyễn Văn Tiếp.

Hiện tuổi đã cao, các con đi làm thuê nên cuộc sống rất khó khăn, có được ngôi nhà mới là ước mơ đối với vợ chồng bà Trần Thị Một (70 tuổi). Đang ngồi trông cháu với vẻ mặt buồn bã, bà Một nói: “Trường này bỏ hoang 6 năm rồi nên về ở ngoài chịu đựng mùi ẩm mốc, còn bị mưa dột. Xung quanh cỏ mọc um tùm nên muỗi rất dữ, phải xài nhang muỗi “xịn” và đốt liên tục chứ loại thường không ăn thua.

Tôi và mấy đứa cháu thường bị nhức đầu, ho và mới đi bệnh viện lấy thuốc về uống. Đồ đạc hiện vẫn còn ở nhà cũ nên cả gia đình 11 người mỗi lần ăn uống chỉ còn cách dọn dưới đất”. Điều lo lắng nhất của gia đình bà là mùa tựu trường sắp tới, việc học hành của 4 đứa cháu sẽ rất khó khăn.

Tương tự gia đình bà Phan Thị Kim Quyến (66 tuổi) sống bằng nghề buôn bán rau, củ ở chợ Phong Mỹ, với nguồn thu nhập chỉ khoảng 100 ngàn đồng/ngày. Từ khi xảy ra sạt lở, gia đình bà rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Bà Quyến nói: “Sạt lở vẫn đang tiếp diễn nên mất đất, mất nhà là chắc rồi. Bản thân tôi bị thiếu máu não và bận di dời đồ đạc ra đây nên không còn tâm trạng buôn bán. Đến thời điểm hiện tại gia đình chưa biết được tái định cư ở đâu và chừng nào. Cuộc sống khó khăn nhưng tiền điện - nước mỗi tháng phải đóng gần 300 ngàn đồng. Tôi mong được chính quyền địa phương xem xét, hỗ trợ có chỗ ở mới để gia đình sớm ổn định cuộc sống”.

Sạt lở ở miền Tây đang diễn biến bất thường, đe dọa cuộc sống người dân.

Ông Phan Chí Hiếu – Phó chủ tịch UBND xã Phong Mỹ - cho biết: “11 hộ dân gồm 60 nhân khẩu có nhà ảnh hưởng bởi sạt lở thì 6 hộ đã di dời về nhà người thân, còn 5 hộ được bố trí tại điểm trường tiểu học ở tạm. Đến nay, do 2 hộ ở không quen nên đã về nhà người thân. Những hộ này chưa được bố trí tái định cư bởi địa phương không còn quỹ đất. Ngoài ra 4 hộ bị ảnh hưởng cạnh sông Tiền dù đã bố trí nền nhưng không có kinh phí để xây nhà, phải đợi con gửi về”.

Ông Tô Hoàng Môn – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường An Giang: “6 tháng đầu năm, đã xảy ra 15 vụ sạt lở, chủ yếu trên sông Hậu và kênh xáng Tân An. Qua khảo sát toàn tỉnh có 52 đoạn sạt lở, trong đó 6 đoạn đặc biệt nguy hiểm, 32 đoạn nguy hiểm…

Qua khảo sát, thẩm tra của sở hiện có 21.000 hộ nằm trong trong vùng sạt lở nguy hiểm cho tới trung bình. Vừa qua, tỉnh có đề xuất với Chính phủ hỗ trợ xây dựng 7 KDC để di dời cho các hộ dân nằm trong diện đặc biệt nguy hiểm”.

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang