Đại án Việt Á từ những "bàn tay đen":

Kỳ 1: Công ty Việt Á lãi cả ngàn tỷ đồng như thế nào?

Thứ Hai, 21/08/2023 09:12  | Thanh Hòa

|

(CATP) Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an vừa chuyển hồ sơ, vật chứng vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương liên quan sang Viện KSND Tối cao, đề nghị truy tố 38 bị can về 5 tội danh. Đại án này được đánh giá là có cách xác minh, xử lý khác với các vụ việc trước đây. Điều đáng nói là chính từ sự thông đồng, chỉ đạo, can thiệp của những người có chức vụ mà một công ty cổ phần nhỏ đã trục lợi cả ngàn tỷ đồng giữa đại dịch Covid-19.

Kết quả điều tra xác định, trong tổng số hơn 8,7 triệu kit test Covid-19 mà Công ty Việt Á sản xuất trong 2 năm (2020 - 2021), công ty này đã tiêu thụ 8,3 triệu kit test, với tổng trị giá hơn 3.929 tỷ đồng, đã được thanh toán hơn 2.257 tỷ đồng.

Biến kit test của Nhà nước thành tài sản riêng

Quá trình sản xuất, bán kit test cho các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng ngân sách nhà nước, Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) và đồng phạm đã vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại đến tài sản nhà nước hơn 402 tỷ đồng. Trong số 38 bị can bị đề nghị truy tố, có 3 người từng là Ủy viên Trung ương Đảng, gồm: nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Cơ quan điều tra cũng đã làm rõ vai trò của nhiều vị lãnh đạo Bộ có liên quan tới vụ án đặc biệt này.

Phan Quốc Việt cùng một số bị can trong vụ án

Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) và các nước trên thế giới, Chính phủ và Bộ KH&CN có chủ trương giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test xét nghiệm do Bộ KH&CN phê duyệt, trong thời gian này, Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (Phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế, kỹ thuật, đơn vị đầu mối quản lý nghiên cứu khoa học thuộc Bộ KH&CN) để Công ty Việt Á được Bộ KH&CN phê duyệt tham gia phối hợp Học viện Quân y thực hiện đề tài. Quá trình tham gia nghiên cứu, Phan Quốc Việt thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài, lập hồ sơ đăng ký gửi Bộ Y tế.

Sau đó, Phan Quốc Việt tiếp tục đề nghị Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (Thư ký của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long) can thiệp, tác động, chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, đơn vị đầu mối cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế của Bộ Y tế) tham mưu, đề xuất ông Nguyễn Trường Sơn (Thứ trưởng Bộ Y tế; được phân công ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế) ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test Covid-19 cho Công ty Việt Á, biến kit test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước do Bộ KH&CN quản lý, thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Việt Á trái với quy định của pháp luật.

Khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit test Covid-19 cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá (kết quả điều tra xác định giá thành sản xuất kit test này tối đa là 143.461 đồng/kit test, đã bao gồm 5% lợi nhuận và tất cả chi phí), nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá là 470.000 đồng/kit test không có căn cứ. Khi Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Công ty Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành, nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý. Điều này tạo điều kiện cho Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế đã được Phan Quốc Việt nâng khống, đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tạo "mặt bằng giá” để bán cho các đơn vị, địa phương, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản nhà nước, đồng thời tạo kẽ hở để thu lời bất chính của tổ chức, cá nhân.

Số tiền hối lộ lên tới hàng triệu USD

Để Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm kit test Covid-19, được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm dù thực sự không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, tạo điều kiện hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương theo giá đã được Phan Quốc Việt nâng khống nêu trên, Phan Quốc Việt đã đưa tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng "cảm ơn" Nguyễn Văn Trịnh (nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ), nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh 200.000 USD (tương đương 4,6 tỷ đồng), nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc 50.000 USD (tương đương 1,15 tỷ đồng). Phan Quốc Việt còn đưa hối lộ Trịnh Thanh Hùng (nguyên Phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) 350.000 USD (hơn 8 tỷ đồng), Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) 2,25 triệu USD (khoảng 51,1 tỷ đồng) và nguyên thư ký Nguyễn Huỳnh 4 tỷ đồng, Nguyễn Minh Tuấn (nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế) 300.000 USD (tương đương 6,9 tỷ đồng), Nguyễn Nam Liên (nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế) 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng).

Hai bị can Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long

Quá trình Công ty Việt Á sản xuất và bán kit test Covid-19, với mục đích để công ty này được thuận lợi trong việc tiêu thụ, thu lời bất chính, Phan Quốc Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á liên hệ làm việc, thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ các công ty trung gian (Công ty Việt Á bán cho các đơn vị, cơ sở y tế qua công ty trung gian) hoặc lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế, để Công ty Việt Á giao kit test Covid-19 cùng thiết bị, vật tư y tế khác cho các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng trước. Sau đó, thông đồng hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để đơn vị, cơ sở y tế thanh quyết toán, chuyển tiền cho Công ty Việt Á hoặc công ty trung gian theo đơn giá do Công ty Việt Á hoặc công ty trung gian đưa ra.

Cụ thể, Công ty Việt Á hoặc công ty trung gian dùng thủ đoạn cung cấp thông số kỹ thuật sản phẩm và báo giá của Công ty Việt Á, báo giá của các công ty trong hệ thống Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, chỉ đạo, điều hành (gồm Công ty An Việt, Công ty Khoa học Việt Á, Công ty cổ phần Thừa Thiên - Huế...) hoặc báo giá của các công ty có mối quan hệ quen biết với Phan Quốc Việt, quan hệ làm ăn kinh tế với Công ty Việt Á (như Công ty VNDAT, Công ty TABC...). Trong đó, báo giá do Công ty Việt Á hoặc công ty trung gian đưa ra là giá thấp nhất để lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng, đưa vào hồ sơ dự toán, hồ sơ đấu thầu (đấu thầu rộng rãi, chào thầu qua mạng hoặc chỉ định thầu thông thường, chỉ định thầu rút gọn), không bảo đảm nguyên tắc khách quan, minh bạch trong đấu thầu, vi phạm các điều cấm trong đấu thầu.

Theo lời khai của Phan Quốc Việt và đồng phạm, sau khi Công ty Việt Á hoặc công ty trung gian được các đơn vị, cơ sở y tế thanh toán tiền theo hợp đồng, Phan Quốc Việt chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho công ty trung gian hoặc đơn vị, cơ sở y tế bằng hình thức chuyển tiền từ tài khoản Cửa hàng Âu Lạc (do Hồ Thị Thanh Thảo, em vợ Phan Quốc Việt quản lý, sử dụng) đến tài khoản của 7 nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á. Các nhân viên này tiếp tục chuyển khoản hoặc rút tiền mặt đưa cho lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế hay chuyển thẳng đến tài khoản của lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế và cả tài khoản của các đối tượng khác do lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế cung cấp. Tài khoản Cửa hàng Âu Lạc còn chuyển tiền đến tài khoản của các cá nhân do công ty trung gian cung cấp để công ty trung gian sử dụng chi tiền cho lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế.

Có một điểm rất khác với tất cả những vụ án mà Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an đã xác minh, xử lý trước đây, thường chỉ đề xuất phối hợp lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ sau khi đã xác lập chuyên án, trong Đại án Việt Á, xác định vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lại diễn ra trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, tổ chức và nhân dân, bên cạnh việc tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, đơn vị đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an cho phối hợp ngay với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ để triển khai những biện pháp trinh sát liên hoàn. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cũng phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sao kê nhiều tài khoản ngân hàng của các công ty, đối tượng có liên quan. Nhờ sự quyết đoán, mạnh dạn đề xuất, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã thu thập được rất nhiều thông tin, tài liệu phản ánh chi tiết về những hành vi, hoạt động có dấu hiệu của tội phạm của các đối tượng liên quan tới Công ty Việt Á.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang