(CATP) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM cho biết, vừa có Văn bản số 3784/HCM-QLNH về việc "Phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động ngoại hối". Theo đó, Công an TPHCM, Cục Quản lý thị trường TPHCM, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức phối hợp cùng NHNN Chi nhánh TPHCM tiếp tục quan tâm, phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực ngoại hối trên địa bàn.
Cuối năm, nhu cầu thu đổi ngoại tệ tăng mạnh
Theo NHNN Chi nhánh TPHCM, hiện đang vào thời điểm cuối năm (giáp Tết Âm lịch) nên nhu cầu thu đổi ngoại tệ từ lượng khách quốc tế, khách du lịch và người dân tăng mạnh, do đó không ngoại trừ hiện tượng một số tổ chức, cá nhân không được phép kinh doanh ngoại hối nhưng đã lợi dụng để mua, bán ngoại tệ bất hợp pháp (nhiều nhất là các doanh nghiệp kinh doanh vàng). Việc này không chỉ vi phạm quy định về quản lý ngoại hối mà còn tác động ảnh hưởng không tích cực đến tỷ giá và thị trường quản lý ngoại hối nhất là trong những thời điểm tỷ giá biến động, làm ảnh hưởng đế hiệu quả chính sách và tình hình an ninh trật tự xã hội. Để bảo đảm kỷ cương trong hoạt động thu đổi ngoại tệ; ngăn chặn các tổ chức, cá nhân thực hiện việc mua, bán ngoại tệ tự do trái quy định pháp luật; NHNN Chi nhánh TPHCM đề nghị: Công an TPHCM, Cục Quản lý thị trường TPHCM, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức tiếp tục quan tâm, phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực ngoại hối trên địa bàn.
Phối hợp, hỗ trợ NHNN Chi nhánh TPHCM thường xuyên thông tin, tuyên truyền và phổ biến các chính sách của Chính phủ, của NHNN Việt Nam đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong việc mua, bán ngoại tệ và sử dụng ngoại tệ. Theo đó, mọi hành vi mua, bán, sử dụng ngoại tệ đều phải tuân thủ quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn (đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vàng) nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nếu phát hiện những hành vi mua, bán và sử dụng ngoại tệ trái phép. Chi nhánh sẽ thường xuyên phối hợp với Công an TPHCM, Cục Quản lý thị trường TPHCM và UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức trong lĩnh vực có liên quan đến công tác quản lý ngoại hối và vàng, cũng như hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng và phát triển, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ và xuất nhập khẩu.
Người dân đổ xô đi bán vàng tại một tiệm vàng ở TPHCM khi giá tăng cao
Cũng theo NHNN Chi nhánh TPHCM, do hệ thống mạng lưới các cửa hàng vàng; doanh nghiệp kinh doanh vàng, đại lý chi trả và thu đổi ngoại tệ... rộng khắp trên địa bàn các quận, huyện, vì vậy việc phối hợp tốt sẽ góp phần quan trọng trong việc quản lý hiệu quả thị trường nói chung và thị trường vàng ngoại hối nói riêng.
Sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường vàng
Theo NHNN, trong tháng này (01/2024), NHNN báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường. Bởi thực tế đến nay cho thấy, kể từ khi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực từ hồi tháng 05/2012, thị trường không có nguồn cung vàng nguyên liệu. Sau đó, NHNN quản lý và sản xuất độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, song Nhà nước cũng không sản xuất thêm vàng miếng SJC. Trong khi đó, người dân luôn muốn nắm giữ vàng miếng SJC khiến giá của loại vàng này ngày càng tăng và cao hơn giá vàng thế giới hàng chục triệu đồng/lượng. Như Chuyên đề Công an TPHCM đã có bài phản ánh, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) nhận định sau hơn 10 năm, Nghị định 24 cần sửa đổi vì không còn phù hợp với diễn biến của thị trường ở thời điểm hiện tại. Theo đó, VGTA đã kiến nghị NHNN sửa đổi các quy định quản lý thị trường vàng cho phù hợp hơn trong bối cảnh thị trường đã có nhiều thay đổi. Không thể còn độc quyền thương hiệu, đẩy giá vàng SJC luôn cao hơn thế giới đến hàng chục triệu đồng/lượng.
NHNN sẽ đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng
Về hành lang pháp lý cũng cần đổi mới chính sách quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng, thay đổi Nghị định 24, chính sách thuế và sửa đổi luật đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trước mắt, các doanh nghiệp cần được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức. Trước biến động tăng mạnh của giá vàng những ngày gần đây, NHNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. Cũng theo NHNN, nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày vừa qua chủ yếu "do yếu tố tâm lý” trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Do vậy, trong những ngày giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, NHNN khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.
Hạn chế tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế
Trao đổi với báo chí liên quan đến thị trường vàng, ông Đào Xuân Tuấn (Vụ Trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN) cho rằng, thời gian qua do căng thẳng địa chính trị, ngoại giao, xung đột vũ trang tại một số khu vực trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu tăng chậm khiến giá vàng quốc tế biến động mạnh theo hướng tăng là chủ đạo. Trên thị trường trong nước, mặc dù nhu cầu vàng miếng SJC đã giảm so với giai đoạn trước khi Nghị định 24 ban hành, nhưng tâm lý thị trường vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Do vậy, ông Đào Xuân Tuấn cho rằng nguyên nhân chính khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng cao trong thời gian qua là do yếu tố tâm lý trước đà biến động tăng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, qua theo dõi thị trường trong những ngày giá vàng miếng SJC biến động tăng, khối lượng giao dịch mua, bán vàng miếng SJC có tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như giai đoạn trước đây. Sau khi tăng cao, giá vàng miếng SJC có chiều hướng giảm dần từ chiều 28/12/2023, trên thị trường khách hàng đang có xu hướng bán vàng miếng SJC. Ông Đào Xuân Tuấn cho rằng: "Vàng là tài sản có giá trị cao và giá vàng thường biến động mạnh và khó lường, vừa qua lãnh đạo NHNN cũng đã có thông điệp cảnh báo người dân nên thận trọng trong giao dịch đầu tư vàng".
Đa dạng các sản phẩm vàng
Ông Đào Xuân Tuấn cũng khẳng định, NHNN luôn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, sẵn sàng có giải pháp can thiệp bình ổn thị trường nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu xuyên suốt của Nghị định 24 là quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỉ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ban ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động kinh doanh vàng. Hiện nay, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường.
Từ khi Nghị định 24 được ban hành, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, NHNN chỉ thuê công ty gia công vàng miếng khi có nhu cầu và hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của NHNN. Do vậy, trong tháng 01/2024, NHNN trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Ngày 28/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 1426 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương có các giải pháp nhằm bình ổn thị trường vàng. Ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.