Cơ quan công an vào cuộc
Công an tỉnh Cà Mau ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 17/QĐ-CSKT, khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế và CDC Cà Mau theo quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khi vụ án tại Công ty Việt Á bị phát hiện, ngành y tế Cà Mau bất ngờ tỏ ra lúng túng về số tiền mua kít test của Công ty Việt Á. Cụ thể, ngày 12-11-2021, Sở Tài chính báo cáo thẩm tra quyết toán dự án Công ty Việt Á trúng đấu thầu gói số hai (bộ test xét nghiệm PCR) qua hình thức chỉ định thầu với giá trị hơn 5,4 tỷ đồng. Ba ngày sau, Sở báo cáo công ty này trúng gói thầu bộ test xét nghiệm có giá trị hơn 11,7 tỷ đồng cũng bằng hình thức chỉ định thầu. Hiện Cơ quan điều tra xác định, số tiền mà ngành y tế tỉnh Cà Mau mua của Công ty Việt Á hơn 40 tỷ đồng...
Công an tỉnh Đồng Tháp đang điều tra mua sắm thiết bị y tế của Công ty Việt Á. Trước đó, Thanh tra tỉnh Đồng Tháp có kết quả thanh tra mua sắm thiết bị trong phòng chống dịch Covid-19. Kết quả, tổng giá trị hợp đồng mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm của các đơn vị trong giai đoạn năm 2020-2021 trên 742 tỷ đồng. Trong đó, mua sắm trang thiết bị y tế gần 84 tỷ đồng, vật tư y tế hơn 182 tỷ đồng, sinh phẩm xét nghiệm trên 305,8 tỷ đồng và kit xét nghiệm gần 170 tỷ đồng.
Trong thời gian chống dịch, nhiều địa phương mua kít xét nghiệm của Công ty Việt Á
Riêng Công ty Việt Á, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã mua sắm thông qua 10 gói thầu, với giá trị hợp đồng hơn 233 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị thực tế mua sắm hơn 197,4 tỷ đồng; đã thanh toán cho Công ty Việt Á số tiền gần 157 tỷ đồng và còn lại hơn 40,6 tỷ đồng chưa thanh toán. UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế yêu cầu các chủ đầu tư tiến hành khắc phục ngay những hạn chế. Đồng thời, tổ chức xử lý trách nhiệm đối với các chủ đầu tư còn thiếu sót trong quá trình tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm. "Khi có kết quả xác minh, Công an tỉnh sẽ báo cáo với Bộ Công an", lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Tháp xác nhận.
Tại Trà Vinh, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiến hành xác minh làm rõ trách nhiệm trong mua sắm thiết bị y tế của Công ty Việt Á thì một số cán bộ vội vàng trả lại "quà”. Trước đó, lãnh đạo đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết, địa phương này mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á trong 2 đợt, với 2 mức giá khác nhau. Đợt đầu, Sở Y tế mua 11.520 kit test với giá 470.000 đồng/kit, mua kèm vật tư với tổng số tiền lên tới hơn 10 tỷ đồng. Tiếp đó, Sở Y tế Trà Vinh chi thêm hơn 22 tỷ đồng mua 43.200 kit (bao gồm vật tư) của Công ty Việt Á, giá 367.500 đồng/kit.
Ngoài việc điều tra của cơ quan công an, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh cho biết Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã vào cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với Đảng ủy Sở Y tế và 8 cá nhân có liên quan.
Mua rồi đem hủy
Bên cạnh Cơ quan công an tiến hành điều tra làm rõ, một số địa phương xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Thanh tra tỉnh Tiền Giang vừa có kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong hai năm 2020-2021, tổng kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 toàn tỉnh trên 1.366 tỷ đồng (trong đó nguồn từ ngân sách Nhà nước trên 1.263 tỷ đồng), đã chi trên 1.297 tỷ đồng. Có 43 đơn vị liên quan việc mua sắm với tổng số tiền trúng thầu là 801,6 tỷ đồng, tương ứng 573 gói thầu (trong đó có 1 gói thầu của Công ty Việt Á có tổng giá trị mua sắm trên 19,4 tỷ đồng).
Kít xét nghiệm của Công ty Việt Á nhập của Trung Quốc có giá hơn 21 ngàn đồng nhưng bán gần 500 ngàn đồng/kít
Qua kiểm tra việc thực hiện 286/573 gói thầu cho thấy việc mua sắm, quản lý, sử dụng của các đơn vị còn có những sai phạm, thiếu sót, hạn chế. Kết luận thanh tra chỉ rõ, 8 trung tâm y tế không công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu là chưa đúng quy định của pháp luật. 14 gói thầu chọn mức giá cao hơn trong dãy giá đã được công bố, trong các báo giá hoặc trong các hình thức được lựa chọn theo quy định. Các cơ quan, đơn vị thiếu quản lý, kiểm tra, điều tiết sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế.
Đến ngày 31-12- 2021, tỉnh Tiền Giang tồn kho trang thiết bị y tế tại 25 đơn vị trong ngành y tế là trên 64 tỷ đồng. Sau đó, số lượng tồn kho vật tư y tế nói trên được các đơn vị tiếp tục sử dụng đến ngày 28-2-2022 còn gần 46 tỷ đồng; có đơn vị mua nhưng không có nhu cầu sử dụng phải hủy. Thanh tra tỉnh Tiền Giang, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu và lĩnh vực trực tiếp phụ trách; các Phó giám đốc sở chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực, công việc được phân công phụ trách đối với các sai sót, hạn chế của ngành; đồng thời tổ chức kiểm điểm những thiếu sót liên quan.
Thanh tra tỉnh Kiên Giang ban hành kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao thuốc và sinh phẩm, kit xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 từ Công ty Việt Á. Trong 2 năm (2020 và 2021), Sở Y tế và CDC tỉnh Kiên Giang có ký mua của Công ty Việt Á. Trong đó, Sở Y tế ký 2 hợp đồng trị giá hơn 58 tỷ đồng, CDC ký 2 hợp đồng trị giá gần 790 triệu đồng. Cả 2 gói thầu do Sở Y tế ký đều mua giá cao hơn các mặt hàng cùng loại như mua Chloramin B cao hơn 25.000 đồng/kg, bộ kit xét nghiệm cao hơn từ 67.500 đến 72.500 đồng/bộ. Sở Y tế Kiên Giang đã ký hợp đồng trị giá 55,6 tỷ đồng, đã thanh toán 55,5 tỷ đồng. Qua thanh tra, phát hiện nhiều vi phạm quy định trong đấu thầu, cụ thể là việc lấy 3 bản báo giá để xây dựng dự toán gói thầu không phải do Sở Y tế thực hiện, mà do Công ty Việt Á lấy và cung cấp.
Hà Tấn Bình Đẳng, cán bộ CDC Hậu Giang trên đường bị áp giải về nhà tạm giữ
Thanh tra tỉnh xác định, Sở Y tế đã phê duyệt dự toán mua sắm không đúng thẩm quyền theo quy định, không thực hiện bước xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình UBND tỉnh phê duyệt... Đối với 2 gói thầu do CDC thực hiện và cho Việt Á trúng thầu, cả 3 báo giá cũng đều do công ty này cung cấp cho CDC. Trong đó có công ty con của Việt Á và công ty không sản xuất hoặc kinh doanh thiết bị, dụng cụ y tế.
Thanh tra kiến nghị kiểm điểm, có hình thức kỷ luật đối với ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang đã phê duyệt dự toán gói thầu mua sắm không đúng thẩm quyền; vi phạm quy định pháp luật đấu thầu... Kiểm điểm có hình thức kỷ luật đối với ông Kha Vĩnh Xuyên (trưởng phòng kế hoạch - tài chính, tổ trưởng tổ mua sắm Sở Y tế), chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu mua sắm. Kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với ông Cao Thành Nam (Giám đốc CDC) do có sai sót trong công tác mua sắm và quản lý, sử dụng hàng hóa mua sắm..., cùng kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 8 cá nhân khác.
Tại TP.Cần Thơ, thông tin mua sắm kít test của Công ty Việt Á khá "nhỏ giọt". Ban đầu thanh tra cho rằng, tổng số kít xét nghiệm Covid-19 mà các đơn vị được thanh tra đã mua có liên quan đến Công ty Việt Á là 98.448 kít, với tổng số tiền là hơn 39,2 tỷ đồng. Trong đó, đã thanh toán hơn 22,7 tỷ đồng, còn lại chưa thanh toán là hơn 16,5 tỷ đồng. Đến ngày 7-3-2022, Chánh Thanh tra TP có báo cáo về vấn đề trên, theo đó, tổng số kít xét nghiệm bổ sung đã mua có liên quan đến Việt Á là 148.800, chưa xác định giá trị do đơn vị mới mượn hàng để kịp thời phòng, chống dịch mà chưa thanh toán.
Tuy nhiên, qua làm việc với các đơn vị liên quan thì tổng số kít mà các đơn vị thuộc đối tượng thanh tra đã mua từ 1-1-2020 đến 31-12-2021 là 247.248. Trong đó, đã thanh toán 53.520 test sinh phẩm với tổng số tiền hơn 22,7 tỷ đồng, còn mượn 193.728 test (chưa xác định giá trị, do đơn vị mượn hàng). Thế nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức. Tương tự, CDC Bạc Liêu mua sinh phẩm của Công ty Việt Á phục vụ cho máy của Công ty Việt Á do Bộ Y tế và UBND tỉnh mua cấp với tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.