TAND TPHCM dự kiến ngày 20/11 sẽ mở phiên xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án ‘‘Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức’’.
Hai bị can Mai Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Thị Như Phương
Trong đó, bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến tre) bị truy tố về hai tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil), bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ; Phó giám đốc Xuyên Việt Oil Nguyễn Thị Như Phương bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Các cựu quan chức gồm: bị cáo Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương), Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục thuế TPHCM), Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương), Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước), Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước) và Đặng Công Khôi (Phó cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính) bị xét xử về tội Nhận hối lộ.
Tham dự phiên tòa có gần 30 luật sư bào chữa cho các bị cáo, trong đó 3 luật sư bào chữa cho ông Lê Đức Thọ. Tòa triệu tập 95 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil. Quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại công ty, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, bà Hạnh đã vi phạm các quy định về sử dụng Quỹ bình ổn giá và tiền thuế bảo vệ môi trường gây thất thoát tài sản Nhà nước 1.463 tỷ đồng. Trong đó, thất thoát từ quỹ Bình ổn giá là 219 tỷ đồng, thất thoát từ thuế bảo vệ môi trường là 1.244 tỷ đồng.
Cụ thể, bị cáo Hạnh không chỉ đạo nhân viên trích lập Quỹ bình ổn giá (Quỹ BOG) theo quy định mà chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.
Sau đó, nữ bị cáo dùng tiền này để mua, cho bạn bè vay mượn, chi tiêu cá nhân, đưa hối lộ. Đối với việc thu hộ, quản lý và chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường bị cáo Hạnh cố ý sử dụng số tiền thu hộ vào các mục đích cá nhân mà không nộp tiền chuyển vào ngân sách Nhà nước.
Cáo trạng thể hiện, năm 2018, Lê Đức Thọ giữ chức vụ Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng. Cuối năm 2021, Lê Đức Thọ giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Giai đoạn 2019 - 2021, bị cáo này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để nhận hối lộ và gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Trong việc giúp Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng, từ năm 2019 đến tháng 01/2020, Lê Đức Thọ đã 2 lần nhận tiền hối lộ tổng cộng là 600.000 USD (tương đương hơn 13,8 tỷ đồng) của Mai Thị Hồng Hạnh.
Bị can Lê Đức Thọ
Ngoài ra, Lê Đức Thọ còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, gây ảnh hưởng đến Giám đốc một chi nhánh ngân hàng ở Bến Tre cho Công ty Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi, với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, tỉ lệ tín chấp khoản vay là 40%.
Thọ đã nhiều lần nhận tiền, tài sản có giá trị lớn từ Mai Thị Hồng Hạnh, gồm: 200.000 USD (tương đương hơn 4,5 tỷ đồng) vào ngày 28/3/2022, 1 bộ gậy chơi golf (trị giá 1,1 tỷ đồng), 1 đồng hồ hiệu Patek Philippe (trị giá 421.000 USD, tương đương hơn 9,8 tỷ đồng), 1 ôtô Mercedes Benz S450 Luxury (trị giá hơn 6,6 tỷ đồng).
Để Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công thương cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu vào các năm 2016, năm 2021, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra và giám sát Quỹ BOG, được ưu đãi mua hàng và thực hiện hợp đồng mua bán xăng dầu, được Cục thuế TP.HCM chậm ban hành quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế và xin phê duyệt hạn mức tín dụng cho Công ty Xuyên Việt Oil tại một ngân hàng, từ năm 2016 đến năm 2022, Mai Thị Hồng Hạnh đưa hối lộ 22 lần, tổng số 31.595.475.000 đồng (hơn 31,5 tỷ đồng) cho các cựu quan chức: Nguyễn Lộc An, Đỗ Thắng Hải, Trần Duy Đông, Hoàng Anh Tuấn, Phan Kiến Anh, Đặng Công Khôi, Lê Duy Minh và Lê Đức Thọ.
Sau khi trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh kinh xăng dầu, Mai Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Như Phương đã vi phạm quy định về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu gây thất thoát 219.043.995.108 đồng (hơn 219 tỷ đồng).
Mai Thị Hồng Hạnh vi phạm về quản lý, sử dụng tiền Thuế bảo vệ môi trường gây thất thoát 1.244.317.443.402 đồng (trên 1.244 tỷ đồng).
Cáo trạng còn xác định, Mai Thị Hồng Hạnh được sự "giúp đỡ” của Cục trưởng Cục Thuế TPHCM nên 5 lần đưa hối lộ nhiều tỷ đồng.
Từ tháng 01/2020, Công ty Xuyên Việt Oil chuyển khai báo, nộp thuế từ Chi cục Thuế Q3 đến Cục Thuế TPHCM do Lê Duy Minh làm Cục trưởng. Với mục đích chậm nộp thuế để có nguồn tiền trong kinh doanh, Mai Thị Hồng Hạnh đã liên hệ Lê Duy Minh nhờ "giúp đỡ”, tạo điều kiện để chậm ban hành các quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế đối với Công ty Xuyên Việt Oil, không công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lê Duy Minh đã 5 lần nhận tiền hối lộ của Hạnh tại phòng làm việc của Minh ở Cục Thuế TPHCM, với tổng số tiền là 190.000 USD (tương đương hơn 4,3 tỷ đồng) và 500 triệu đồng. Cụ thể, ngày 04/3/2020, Minh nhận 10.000 USD; ngày 29/4/2020 nhận 30.000 USD; ngày 27/01/2021 nhận 100.000 USD; ngày 13/10/2021 nhận 500 triệu đồng; ngày 24/12/2021 nhận 50.000 USD.
Ngoài ra, quá trình xin cấp phép và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Chủ tịch Xuyên Việt Oil còn bị cáo buộc mua chuộc nhiều cá nhân khác, trong đó có cựu Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải.
Theo cáo trạng, tháng 6/2021, để xin cấp lại giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đã liên hệ nhờ ông Đỗ Thắng Hải giúp đỡ, tạo điều kiện. Ông Hải chỉ đạo Vụ phó Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn xem xét, tạo điều kiện sớm cấp giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Ngày 19/11/2021, trên cơ sở đề xuất của Hoàng Anh Tuấn, ông Đỗ Thắng Hải đã nhận 50.000 USD (tương đương 1,139 tỷ đồng) của Hạnh tại phòng làm việc. Trong quá trình điều tra, ông Hải đã nộp lại 730 triệu đồng.
Bị cáo Đặng Công Khôi (Cục phó Cục Quản lý giá Bộ Tài chính) bị cáo buộc đã nhận hối lộ từ Mai Thị Hồng Hạnh với số tiền 20.000 USD, tương đương 459 triệu đồng.
Phiên xử kéo dài trong 2 tuần từ 20/11 đến ngày 5/12, do thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa phiên tòa.