Gần đây, vụ việc khách hàng bị hacker (người đánh cắp dữ liệu) thu thập thông tin từ website của Vietnam Airlines đã khiến dư luận xôn xao và vô cùng hoang mang. Nhiều ngân hàng đã nhanh chóng có các phương án ngăn ngừa, kiểm soát rủi ro: Nhắn tin khuyến cáo khách hàng, khóa các giao dịch thanh toán online, cấp lại thẻ mới…
Tuy nhiên đâu mới là giải pháp lâu dài cho việc bảo mật thông tin thẻ cho người tiêu dùng?
Động thái từ các Ngân hàng: Đầu tư công nghệ để cải tiến "hàng rào bảo mật"
Vài năm trở lại đây, nhiều tổ chức tín dụng Việt Nam và quốc tế đã trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc, do đó an toàn bảo mật thông tin cho khách hàng luôn được các ngân hàng đặt ở mức ưu tiên cao nhất. Trước hết là việc thay thế thẻ từ truyền thống sang thẻ chip điện tử EMV. Nếu với thẻ từ, thông tin chủ tài khoản thể hiện bên dưới lớp băng từ, cố định, không được mã hóa và lưu trữ dưới dạng văn bản khiến việc lấy cắp thông tin qua các đầu đọc thẻ khá dễ dàng.
Bảo mật thông tin thẻ - cần phối hợp giữa ngân hàng và người tiêu dùng
Thì với thẻ sử dụng chip điện tử EMV thông tin được mã hóa trên con chip nằm trên bề mặt thẻ giúp tăng tính bảo mật bằng các khóa mật mã để chứng minh thẻ là bản gốc, và theo một quá trình xác thực động, xác nhận tính hợp lệ của cả thẻ và đầu đọc thẻ. Không những thế mọi giao dịch đều phải trải qua một quy trình xác thực khép kín với sự tham gia của ba bên đó là: Ngân hàng thanh toán, tổ chức thẻ và ngân hàng phát hành. Do đó, tính bảo mật được đánh giá là khá chắc chắn và an toàn.
Hiện nay công nghệ bảo mật thẻ chip EMV được xem là công nghệ hiện đại nhất thế giới.Tại Việt Nam, một số ngân hàng như ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), VIB, ACB… đã áp dụng công nghệ này để bảo vệ an toàn cho khách hàng dù chi phí sản xuất cao hơn nhiều so với thẻ từ thông thường. Ngoài ra còn có ngân hàng mạnh dạn đầu tư công nghệ in thẻ 3D giúp khách hàng dễ dàng xác minh tính thật giả của thẻ chỉ bằng mắt thường nhằm chống lại hành động sao chép, giả mạo.
Chủ động bảo vệ quyền lợi – tư duy của người tiêu dùng hiện đại
Người tiêu dùng trước hết cần chủ động bảo vệ quyền lợi của mình, tuyệt đối bảo mật thông tin số thẻ, mật khẩu, pin hay giao dịch sao kê hàng tháng… Đồng thời, tuyệt đối không đưa thẻ cho người khác mượn nếu không muốn số dư tài khoản thâm hụt bất thường. Nếu tham gia mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng nên lưu ý giao dịch tại các trang thương mại điện tử uy tín như: đã đăng ký với Bộ Công thương, có chính sách bảo mật thông tin và khiếu nại hợp lý, minh bạch hóa thông tin…).
Ngoài ra, người dùng cũng nên thường xuyên tiến hành giao dịch thanh toán bằng hình thức chuyển khoản tại website chính thức của các Ngân hàng. Khi thanh toán qua các máy POS tại các cửa hàng, rút tiền ở các trạm ATM, người dùng nên cẩn trọng khi đăng nhập mật khẩu và đề phòng thông tin bị chụp hình, sao chép lại.
Hơn nữa, khách hàng cần kiểm tra kỹ càng các SMS thông báo giao dịch, nếu xuất hiện giao dịch không phải do mình thực hiện thì phải thông báo ngay cho ngân hàng. Trong trường hợp nguy cấp xảy ra hoặc khi thẻ bị thất lạc, đánh cắp cần liên hệ ngay với số hotline của ngân hàng để khóa thẻ. Trong thời đại công nghệ số ngày nay, người dùng còn có thể ứng dụng một thói quen đơn giản để tự bảo vệ mình là cập nhật thường xuyên phần mềm diệt virus trên máy tính và điện thoại, quét định kỳ nhằm loại trừ các phần mềm độc hại - tránh trường hợp tin tặc lợi dụng đánh cắp thông tin.
Những tiện ích mới và hiện đại bao giờ cũng đi kèm với một vài rủi ro nhất định. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng Việt Nam và quốc tế luôn có nhiều biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa, hạn chế rủi ro cũng như trong tư thế sẵn sàng ứng phó các tình huống phát sinh nhằm bảo vệ khách hàng tốt nhất và mang đến những dịch vụ hoàn thiện nhất. Song song đó, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu, cân nhắc và quyết định kỹ khi lựa chọn dịch vụ ngân hàng hay khi giao dịch để luôn an toàn, tự tin trong việc quản lý tài chính cá nhân của mình.