Phúc thẩm đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: Đề nghị y án tử hình đối với Trương Mỹ Lan

Thứ Sáu, 15/11/2024 10:46

|

(CAO) Bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ được Viện kiểm sát (VKS) ghi nhận có nhiều tình tiết mới, đề nghị giảm một phần hình phạt tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” nhưng hai tội danh “Đưa hối lộ”, “Tham ô tài sản” được đánh giá đặc biệt nghiêm trọng, quy định pháp luật không đủ cơ sở để giảm mức án tử hình.

Sáng 15/11, TAND Cấp cao tại TPHCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 đối với kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo cùng một số người liên quan, bước sang phần tranh luận.

Phiên tòa phúc thẩm

Nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND Cấp cao tại TPHCM đánh giá hành vi của bà Lan là đặc biệt nghiêm trọng; là người chủ mưu, cầm đầu, cùng lúc phạm 3 tội Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Đưa hối lộ; tác động xấu đến hoạt động ngân hàng, mất an ninh trật tự, hoang mang dư luận và mất niềm tin của Nhân dân. Do đó, tòa sơ thẩm tuyên bị cáo mức án tử hình về 3 tội này là "đúng người, đúng pháp luật, không oan sai".

Ngoài các tình tiết giảm nhẹ cấp sơ thẩm đã áp dụng như có nhiều thành tích trong hoạt động từ thiện, phòng chống Covid -19, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo có nhiều tình tiết mới như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, cam kết khắc phục toàn bộ thiệt hại và đã cam kết giao toàn bộ 658 tài sản không thế chấp cho bất cứ khoản vay nào, cùng dự án 6A khu Trung Sơn để khắc phục hậu quả vụ án trong trường hợp 1.121 mã tài sản thế chấp không đủ.

Căn cứ những tình tiết mới tại phiên phúc thẩm, VKS đề nghị cần xem xét giảm nhẹ cho bị cáo Lan một phần hình phạt về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Tuy nhiên, đối với 2 tội còn lại, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có tổ chức, tinh vi, phạm tội hai lần trở lên trong thời gian dài.

Mặc dù bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ mới như trên, nhưng căn cứ quy định của pháp luật thì chưa đủ điều kiện để giảm hình phạt, do đó, không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo về tội “Tham ô tài sản (tử hình)”, “Đưa hối lộ (20 năm tù)".

Theo đại diện VKS, căn cứ vào tài liệu chứng cứ, kết quả thẩm vấn công khai, có cơ sở xác định, từ năm 2011, bà Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành SCB.

Lợi dụng chính sách của Nhà nước trong đề án tái cơ cấu SCB, sau khi thâu tóm thành công SCB, bị cáo sử dụng ngân hàng này thành công cụ tài chính để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân và hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.

Theo đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu hơn 1.000 doanh nghiệp là các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước.

Trương Mỹ Lan đã tiến hành thâu tóm SCB nhằm xây dựng kênh huy động vốn cho mình.

Bằng thủ đoạn thu mua cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên, tính đến đầu năm 2018, tỷ lệ bà Lan sở hữu cổ phần tại SCB lên tới hơn 91,5%.

Với việc sở hữu gần như tuyệt đối về cổ phần, bà Lan đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân mà mình tin tưởng, đều là người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng, để bố trí vào các vị trí chủ chốt tại SCB.

Mặc dù không có tên trong ban lãnh đạo SCB, nhưng trên thực tế, Trương Mỹ Lan có quyền lực chi phối mọi hoạt động của ngân hàng này, kể cả về nhân sự hay hoạt động tín dụng.

Trương Mỹ Lan chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.

Luật sư tham gia bào chữa tại phiên phúc thẩm

Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB, thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty “ma”, thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.

Tiếp đó, thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ ngân hàng SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tháng tiền sau giải ngân.

Đồng thời, bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước làm trái công vụ.

Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, trong đó nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Trong đó, từ ngày 1-1-2012 đến ngày 31-12-2017, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Đến ngày 17-10-2022, còn dư nợ 132.247 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi của Trương Mỹ Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho ngân hàng SCB số tiền hơn 64.621 tỉ đồng.

Từ ngày 9-2-2018 đến ngày 7-10-2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của ngân hàng SCB số tiền hơn 304.096 tỉ đồng, gây thiệt hại số tiền 129.372 tỉ đồng.

Hồ sơ vụ án xác định, SCB đặc biệt yếu kém về tài chính và có rất nhiều sai phạm. Để che giấu những sai phạm, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đồng phạm “đi đêm’’ với bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) nhờ giúp đỡ.

Theo chỉ đạo của Lan, Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB đã đưa quà, tiền bồi dưỡng cho các thành viên trong đoàn thanh tra.

Chỉ tính riêng bà Nhàn, Văn đã đưa số tiền lên tới 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỉ đồng. Kết quả điều tra xác định, sau khi nhận tiền, Nhàn bao che, bưng bít cho sai phạm của SCB và Trương Mỹ Lan.

Nữ cục trưởng chỉ đạo cấp dưới, bỏ ra ngoài số liệu phân loại nợ xấu gần 38.000 tỉ đồng, trích lập dự phòng rủi ro hơn 18.700 tỉ đồng…; nhằm mục đích có lợi cho SCB để hợp thức, đưa vào báo cáo đoàn thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra và báo cáo Chính phủ.

Nhàn còn bị cáo buộc báo cáo không trung thực, không đầy đủ, sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm; tạo điều kiện giúp SCB tiếp tục tái cơ cấu…

Chính hành vi này của đoàn thanh tra khiến cơ quan quản lý nhà nước không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Tại phiên  phúc thẩm, bà Lan cho biết không kêu oan về 3 tội danh bị cáo buộc, chỉ xin tòa xem xét bối cảnh phạm tội để giảm nhẹ hình phạt tử hình. Đồng thời, bà cũng xin tòa xem xét tính toán lại số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt, định giá lại các tài sản bị kê biên.

Ngoài ra, bà xin lại một số tài sản của người thân và gia đình có nguồn gốc từ trước thời điểm tham gia tái cơ cấu ngân hàng như: căn biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần, tòa nhà 19-25 Nguyễn Huệ, 24 Lê Lợi là những tài sản do mẹ bà mua cho các cháu và một số tài sản là trụ sở của Vạn Thịnh Phát.

Bà nhiều lần nói đang lên phương án chi tiết khắc phục hậu quả vụ án để gửi cho tòa và cam kết chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền Ngân hàng nhà nước cho SCB mượn.

Bà Lan cũng lần đầu nhắc đến khoản tiền 5.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho SCB nộp năm 2021 nhưng chưa được ngân hàng nhà nước ghi nhận nên đề nghị tòa thu hồi.

Bà cũng đề nghị tòa thu hồi số tiền hơn 2.000 tỷ đồng bà và SCB cho một đối tác vay khi thực hiện thỏa thuận nhận chuyển nhượng dự án trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Các bị cáo khác nguyên là lãnh đạo cấp cao, nhân viên của SCB và Vạn Thịnh Phát đề nghị tòa xem xét bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội để giảm nhẹ một phần hình phạt.

Các bị cáo này cho rằng, thực hiện hành vi phạm tội trong bối cảnh SCB gặp khó khăn về tài chính, áp lực vì những khoản vay cũ quá lớn. Việc lập khống hồ sơ giải ngân chủ yếu là để đảo nợ cho những khoản vay cũ đã quá hạn.

Phiên tòa tiếp tục với quan điểm của VKS về kháng cáo của 47 bị cáo và người liên quan. Chiều nay, bà Lan và các luật sư của mình sẽ đưa ra quan điểm đối đáp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang