TP.Hồ Chí Minh:

Hàng giả, kém chất lượng tràn lan trên môi trường thương mại điện tử

Thứ Sáu, 15/11/2024 09:35

|

(CATP) Trong báo cáo kết quả thực hiện Chủ đề năm 2024 "Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội" ban hành cách đây không lâu, Sở Công thương TPHCM đặc biệt chú trọng đến việc triển khai chương trình phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời nhận định tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn xuất hiện nhiều trên môi trường mạng gây thiệt hại đến quyền lợi của doanh nghiệp lẫn quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Đẩy mạnh nhiều hoạt động

Ông Lê Huỳnh Minh Tú (PGĐ Sở Công thương TPHCM) cho biết, thời gian qua, được sự chỉ đạo sát sao của UBND TP, việc triển khai phát triển TMĐT đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Theo đó, Sở phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT. Tính đến thời điểm này đã có 23.870 website TMĐT bán hàng (chiếm 47,2% cả nước), 319 website cung cấp dịch vụ TMĐT (chiếm 43,5% cả nước), 295 ứng dụng TMĐT bán hàng (chiếm 45,2% cả nước), 158 ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT (chiếm 44,5% cả nước). Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh số bán TMĐT ước đạt 3,1 tỷ USD, chiếm 18,67% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa của TP và chiếm 32,42% quy mô TMĐT cả nước.

Lực lượng chức năng phát hiện vụ vi phạm hàng hóa mua bán trên mạng xã hội

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp quản lý thuế tại TPHCM đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, cũng như rà soát các văn bản pháp lý, chính sách liên quan đến hoạt động TMĐT, Sở Công thương còn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT. Cụ thể, lực lượng chức năng đã kiểm tra 258 vụ việc về hoạt động TMĐT trong giai đoạn 2021 - 2023. Ngoài ra còn phát hiện các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng giả; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tạm giữ 290.294 đơn vị sản phẩm phụ kiện điện thoại di động, thuốc lá điện tử, mỹ phẩm, dụng cụ y tế, linh kiện điện tử, thực phẩm... Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 3 tỷ đồng, qua đó đã xử phạt 164 vụ với số tiền 4,81 tỷ đồng.

Song song đó, cơ quan chức năng còn triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đẩy lùi các hành vi vi phạm về buôn lậu; kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng tự giác chấp hành các quy định của pháp luật để không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Theo thống kê, có 17.705 tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, làng nghề và tổ chức, cá nhân kinh doanh khác ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Livestream bán hàng trên không gian mạng (ảnh minh họa)

Sở Công thương TP cũng đẩy mạnh phát triển TMĐT trong doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các hoạt động đối thoại thường niên giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp thương mại điện tử, kịp thời nắm bắt những vấn đề cần tháo gỡ; triển khai chương trình Chuyển đổi số, khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, giải pháp an ninh mạng nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch TMĐT của doanh nghiệp và dân cư trên địa bàn; truyền thông thương mại điện tử đến doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ông Tú cho biết thêm, để việc triển khai chương trình phát triển TMĐT trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả cao, Sở Công thương cũng thường xuyên quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực TMĐT, giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật về TMĐT thông qua việc thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử cũng như tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử phổ biến cho cá nhân, thương nhân trên địa bàn.

Cần thêm các giải pháp

Có thể nói hoạt động TMĐT trên địa bàn TP tiếp tục phát triển, tăng trưởng mạnh, tiếp tục trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần tiêu thụ hiệu quả hàng hóa. Các kênh phân phối TMĐT được triển khai đa dạng các mô hình, ứng dụng, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch TMĐT, đáp ứng xu hướng mua sắm trực tuyến thay cho mua sắm truyền thống của người tiêu dùng TP.

TMĐT TP thời gian qua phát triển rất nhanh cả về quy mô và chất lượng, tạo thành nền tảng để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, khi thực thi các thỏa thuận thương mại tự do. Cộng đồng doanh nghiệp TP luôn chủ động, sáng tạo, thử nghiệm triển khai giải pháp ứng dụng TMĐT mới và có trách nhiệm hơn với người tiêu dùng nên lượng khách hàng mua sắm trực tuyến thường xuyên ngày càng gia tăng. Doanh nghiệp cũng tích cực ủng hộ, mạnh dạn góp ý xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai các chương trình nhánh phát triển TMĐT.

Kiểm tra hàng không rõ nguồn gốc

Tuy nhiên, theo ông Tú, hiện chưa có các quy định, hàng rào kỹ thuật, siết chặt quản lý đối tượng TMĐT xuyên biên giới, quản lý đầu tư nước ngoài trong thương mại điện tử nhằm bảo vệ hàng sản xuất trong nước và đảm bảo an ninh quốc gia. Đáng nói, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn xuất hiện nhiều trên môi trường mạng gây thiệt hại không chỉ đến quyền lợi của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chân chính mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Hiện việc triển khai chương trình TMĐT còn thiếu cơ sở dữ liệu về hoạt động TMĐT để phục vụ công tác quản lý nhà nước nhằm kịp thời cập nhật thông tin thị trường, bám sát tình hình và nhận định xu hướng phát triển, làm cơ sở để xây dựng giải pháp thúc đẩy phát triển và quản lý nhà nước về TMĐT và chuyển đổi số. Bên cạnh đó công tác kiểm tra, theo dõi tình hình hoạt động TMĐT của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn còn khó khăn, vướng mắc do cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ trong công tác kiểm tra, giám sát, chia sẻ thông tin về TMĐT.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT còn hạn chế, dẫn đến không chủ động trong việc ngăn ngừa, xử lý hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Tình trạng thất thu thuế phát sinh khi người bán không đăng ký kinh doanh, không kê khai doanh thu với cơ quan quản lý nhà nước, không công khai hoặc công khai không chính xác tài khoản hoặc giao dịch thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, không có hóa đơn, chứng từ.

Từ những hạn chế còn tồn tại, Sở Công thương TPHCM kiến nghị, trong thời gian tới rất mong các Bộ, ngành Trung ương cần có sự phối hợp, quan tâm chỉ đạo thực hiện những giải pháp để phát triển TMĐT thông qua việc xây dựng các cơ chế, chính sách, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử; xây dựng hệ thống phục vụ quản lý nhà nước về TMĐT; xây dựng cơ chế chính sách phát triển thị trường TMĐT; liên kết vùng trong phát triển TMĐT; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Bình luận (0)

Lên đầu trang