TP.Hồ Chí Minh: Hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp

Thứ Năm, 04/04/2024 10:56  | Trung Hiếu

|

(CATP) Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, trong quý I/2024, đơn vị đã kiểm tra và phát hiện 1.102 vụ (trong đó nổi cộm là các vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc...); thu nộp ngân sách hơn 23 tỷ đồng; đồng thời chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, khởi tố vụ án hình sự 4 vụ với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 6,5 tỷ đồng.

Được biết, trong quý I/2024 (trước, trong và sau Tết Nguyên đán), nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Ngoài các mặt hàng thiết yếu và lương thực, thực phẩm thì nhu cầu mua sắm các sản phẩm trang trí, quà biếu tặng và các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp cũng chiếm số lượng đáng kể. Đây cũng được xem là thời điểm mà các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại... hoạt động mạnh để kiếm lợi nhuận phi pháp.

Trong thời gian qua, Cục QLTT TP cũng đã chỉ đạo lực lượng tăng cường triển khai đồng bộ các kế hoạch công tác; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử năm 2024; đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Đặc biệt, các Đội QLTT đã tập trung tăng cường kiểm tra, xử lý rất nhiều đối tượng vi phạm kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trung tâm thương mại với số lượng hàng hóa vi phạm bị xử lý lớn. Trong đó, các đối tượng lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua bán online, mạng xã hội (Facebook, Zalo...) với nhiều thủ đoạn để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thực phẩm bánh kẹo

Theo kết quả ghi nhận, trong quý I/2024, Cục QLTT TP đã kiểm tra 1.102 vụ; xử lý 1.019 vụ, tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá gần 29 tỷ đồng. Ngoài ra, đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự 4 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 6,5 tỷ đồng.

Điển hình, ngày 13/3/2024, Đội QLTT số 3 phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao kiểm tra hộ kinh doanh tại phường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) và phường Nguyễn Cư Trinh (Quận 1), phát hiện tại đây đang kinh doanh 10.266 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử các loại, phụ kiện và tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ.

Tương tự, ngày 26/02/2024, Đội QLTT số 10 bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh phụ kiện điện thoại PA tại Phường 7 (Quận 10), phát hiện 19.220 đơn vị sản phẩm phụ kiện ĐTDĐ không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hộ này sau đó bị xử phạt hành chính 45 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm. Trước đó, tại một công ty TNHH xuất nhập khẩu ở phường Đông Hưng Thuận (Quận 12), Đội QLTT số 3 phát hiện 1.072 hộp thực phẩm khô, thực phẩm chứng năng và thuốc tân dược không có hóa đơn chứng từ. Lực lượng chức năng đã xử phạt co6nn ty này 245 triệu đồng...

Kiểm đếm hàng vi phạm trước khi tiêu hủy

Đại diện Cục QLTT TPHCM cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi... trên địa bàn vẫn đang diễn biến phức tạp. Thời gian tới, Cục tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các lĩnh vực, mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu như: xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón; các loại rau, củ quả; thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh...

Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác giám sát, kiểm tra nội bộ nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đạo đức công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, nhất là hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực...

Bình luận (0)

Lên đầu trang