Khó khăn xóa độc quyền vàng miếng
Chiều 28/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì cuộc họp toàn thể của Hội đồng, bàn về đề xuất tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tình hình thị trường vàng, các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Về quản lý thị trường vàng, ý kiến của các chuyên gia cho rằng qua 12 năm thực hiện, Nghị định 24/2012/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 24) đã đạt những thành công và hoàn thành sứ mệnh. Các ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp (DN) đáp ứng đủ điều kiện.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cơ quan thường trực của Hội đồng nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo, đề xuất các giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường vàng để phát triển thị trường vàng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Vàng thỏi bị thu giữ. (Tang vật trong một vụ buôn lậu vàng. Ảnh: Bộ Công an)
Như vậy, hơn 12 năm, sau 10 văn bản của Thủ tướng (kể cả Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 20/3 của Thủ tướng) và tiếp theo là cuộc họp do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá - chủ trì với lãnh đạo NHNN và các bộ ngành liên quan bàn các giải pháp quản lý thị trường vàng, cho đến cuộc họp ngày 28/3, các chuyên gia mới đề xuất bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số DN đủ điều kiện.
Thực tế, vài năm qua, giá vàng trong nước "nhảy múa", trong đó giá vàng miếng SJC "lạc nhịp" rất sâu so với giá vàng thế giới. Tại cuộc họp đánh giá về Nghị định 24, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho rằng nghị định này ban hành từ năm 2012 đã làm thay đổi cục diện thị trường vàng, chống "vàng hóa" nền kinh tế khi độc quyền sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay NHNN chưa đấu thầu bán vàng miếng, tăng cung trên thị trường.
Từ năm 2011 trở về trước, Việt Nam có vàng miếng SJC, Bông Lúa, PNJ, VJC, Bảo Tín... Các loại vàng miếng khác được dập ít hơn hẳn SJC, hao hụt dần và tự chấm dứt tồn tại. Khi NHNN quản lý bộ phận sản xuất vàng miếng của SJC thì đến lượt mảng dập vàng miếng của SJC ngừng hoạt động. "Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế ở mức cao, có khi lên đến 20 triệu đồng/lượng", ông Phạm Thanh Hà phát biểu.
Nhận định của ông Phạm Thanh Hà không làm ai ngạc nhiên, vì cách nay hơn 3 năm (2022), tình hình giá vàng trong nước cũng gần y chang như hiện nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới rất cao. Điều này cũng có nghĩa là Nghị định 24 đã lạc hậu từ lâu. Bởi, Nghị định 24 ra đời cách nay 12 năm (2012), lúc đó vàng chỉ có 30 triệu đồng/lượng, nay có khi lên đến gần 82 triệu đồng/lượng, làm sao đủ sức điều chỉnh được những biến động của thị trường vàng như hiện nay.
Các bị cáo trong vụ án buôn lậu vàng do Mười Tường cầm đầu - Ảnh: TTXVN
Để giải quyết các vấn đề tồn tại, ông Phạm Thanh Hà đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số DN đủ điều kiện. Ông Hà lý giải rằng, việc xóa bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế về quản lý thị trường vàng, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.
Ý kiến này không mới, trước đó nhiều chuyên gia tài chính tiền tệ, Hiệp hội Kinh doanh vàng VN (VGTA)... cũng đề xuất như vậy. Cho đến ngày 28/3/2024, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia mới đồng ý đề xuất bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số DN đáp ứng đủ điều kiện. Và đến thời điểm này vẫn chỉ là "đề xuất".
Một vụ buôn lậu vàng, "chảy máu" 370 triệu USD
Trong khi đó, giá vàng độc quyền SJC hiện vẫn đang rất phức tạp, "nhảy múa" liên tục, từng đạt đỉnh "mọi thời đại", chênh lệch rất cao so với giá vàng thế giới, có khi lên tới 20 triệu đồng/lượng; chênh lệch rất cao so với các loại vàng miếng khác, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như buôn lậu, khiến việc quản lý ở các cửa khẩu phức tạp, đặc gây áp lực lên ngoại tệ, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Một câu hỏi khác: Giá vàng SJC chênh lệch rất cao so với giá vàng thế giới, trong khi vàng nhẫn trong nước lại không chênh lệch cao, luôn tiệm cận so với giá vàng thế giới, có khi chỉ chênh lệch 1 - 2 triệu đồng, thậm chí có thời điểm ngang bằng giá vàng thế giới? Trả lời được câu hỏi này cũng có thể mở ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý thị trường vàng hiện nay.
NHNN lý giải như thế nào khi giá USD "nhảy múa" trong thời gian qua, khi có ý kiến cho rằng giá vàng chênh lệch trong nước và thế giới cao như vậy, làm sao ngăn cản được những hoạt động buôn lậu vàng rất phức tạp, gây áp lực làm USD tăng giá?
Cảnh báo này không đơn giản chỉ là cảnh báo mà nó hiện hữu. Ngày 02/4, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng, chuyển cho TAND TPHCM xét xử Nguyễn Thị Kim Phượng (39 tuổi, chủ tiệm vàng Kim Oanh Hằng tại Tây Ninh) và Nguyễn Thị Ngọc Giàu (44 tuổi, chị ruột Phượng), cùng 21 đồng phạm về tội "buôn lậu".
Theo cáo trạng, trong 2 tháng đầu năm 2022, Nguyễn Thị Minh Phụng và đồng phạm giấu tổng cộng 6 tấn vàng (trị giá 8.500 tỷ đồng) trong ngăn bí mật của xe ba gác chở nước đá từ Campuchia về Tây Ninh, từ đó phân phối đi trên cả nước. Cơ quan Công an thu được rất nhiều thỏi vàng, nhiều loại ngoại tệ từ USD, Euro, đôla Australia, won Hàn Quốc, yên Nhật...
6 tấn vàng buôn lậu này trị giá 8.500 tỷ đồng, nhưng tất cả được mua bằng USD. Tính riêng một vụ buôn lậu này, nước ta đã "chảy máu" ngoại tệ gần 370 triệu USD (nếu tính theo tỷ giá 1USD = 23.000 đồng). Đây chỉ là một vụ buôn lậu vàng bị các cơ quan chức năng bắt được, truy tố. Làm sao có thể hình dung được lượng vàng buôn lậu vào nước ta là bao nhiêu tấn, "chảy máu" bao nhiêu triệu USD?
Chắc chắn rất nhiều vì khi mà giá vàng trong nước chênh lệch có khi lên đến 20 triệu đồng/lượng, thì buôn lậu vàng quả là "siêu lợi nhuận". Hơn 12 năm Nhà nước không chính thức nhập vàng, nhưng chắc chắn nguồn cung vàng vẫn chảy vào Việt Nam theo nhiều ngả nghi vấn và ngoại tệ vẫn chảy ra, mà vụ buôn lậu vàng ở Tây Ninh đang chuẩn bị đưa ra xét xử là một minh chứng rất sinh động và thực tiễn.
Đâu chỉ có vụ này, tháng 8/2023, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt "trùm buôn lậu" Mười Tường (Nguyễn Thị Kim Hạnh) 23 năm tù về tội "buôn lậu" và "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", trong vụ án buôn lậu 51kg vàng năm 2020. Và còn nữa, khi mà giá vàng trong nước - thế giới còn chênh lệch. Còn tạo nên "siêu lợi nhuận" thì còn buôn lậu vàng.
Chậm đưa ra các giải pháp tích cực để kiểm soát giá vàng, để giá vàng "nhảy múa" liên tục có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Giá vàng tăng cao, chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và thế giới rất cao, gây sức ép lên tỷ giá VND/USD và nhiều hệ lụy khác, đặc biệt là buôn lậu, "chảy máu" USD...
NÊN LẬP SÀN VÀNG
Từ nhiều năm trước, có nhiều ý kiến trả vàng về với thị trường tự do, cho phép các DN kinh doanh vàng miếng có điều kiện, nhưng NHNN vẫn im lặng. Trong trường hợp Nhà nước đứng ra nhập khẩu vàng chính thức, đấu thầu và phân bổ cho các DN sản xuất nữ trang tùy theo quy mô, năng lực, Nhà nước vừa chủ động quản lý được nguồn vàng, vừa cân đối ngoại tệ nhập và gián tiếp ngăn chặn việc thu gom ngoại tệ nhập vàng lậu, ổn định tỷ giá. Lập sàn vàng cũng là một phương thức quản lý vàng tốt nhất hiện nay mà nhiều quốc gia đã làm, cũng được các chuyên gia tài chính tiền tệ đề xuất đã lâu.