Hành khách "cõng" lỗ cho… hãng bay
Thị trường hàng không Việt Nam hiện có sáu hãng bay, trong đó chủ yếu Vietnam Airlines (VNE) và Vietjet (VJ) áp đảo về tần suất, số lượng máy bay so với các hãng khác như: Vietravel Airlines (VU), Pacific Airlines, Bamboo Airways và VASCO.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 34/2023 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019) ban hành "khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa", có hiệu lực từ ngày 01/3/2024. Theo đó, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/chiều); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/chiều); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/chiều).
Hãng VJ đang thuê máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ
Bộ GTVT lý giải, việc đề xuất tăng giá vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu và tỷ giá USD/VND tăng. Tuy nhiên, trước đó, nhiều hãng bay dù là doanh nghiệp nhà nước liên tục báo lỗ trong khi hãng tư nhân thì... tăng trưởng dương. Nhiều bạn đọc cho rằng, người đi máy bay đang oằn lưng "cõng" lỗ cho các hãng bay. Trong khi giữa thời buổi thị trường, việc lỗ của hãng bay không thể "đổ” lên giá vé, bắt hành khách phải gánh chịu?
Thiếu máy bay nên… tăng giá vé
Bên cạnh việc tăng giá trần, ngày 22/3 vừa qua, trong công văn của Bộ GTVT gửi Cục Hàng không nêu một số nguyên nhân dẫn tới thiếu máy bay khi thời gian qua, một số hãng hàng không triển khai việc tái cơ cấu, thực hiện trả máy bay, cắt giảm khai thác một số đường bay... Bên cạnh đó, theo thông báo của nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney, một số máy bay Airbus gắn động cơ NEO của các hãng hàng không phải triệu hồi để thực hiện kiểm tra, sửa chữa chuyên sâu động cơ PW 1100. Đến nay đội máy bay của các hãng hàng không nước ta là 213 chiếc, giảm 18 chiếc so với năm 2023. Số lượng máy bay khai thác dao động từ 165 - 170 chiếc, giảm khoảng 40 - 50 chiếc so với bình quân năm 2023.
Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với hành khách tham gia vận tải hàng không, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch khai thác, bổ sung máy bay để bảo đảm và duy trì lực lượng vận tải, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4, 01/5 và giai đoạn cao điểm hè sắp tới; thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến. Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách; công tác bán vé, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá vé máy bay của hãng hàng không, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định...
Riêng hãng VJ vừa thuê máy bay của... Thổ Nhĩ Kỳ cho nhiều chặng bay trong nước. Đây là việc "thuê ướt", có phi công và tiếp viên của nước bạn, trong đó tiếp viên trưởng là người Việt Nam. Điều này, VJ đã thuê nhiều năm trước đó, nhằm bổ sung máy bay trong thời kỳ thiếu hụt hiện nay. Mới đây, nhiều hành khách đi tuyến TPHCM - Bình Định cũng ngỡ ngàng, sợ... đi nhầm máy bay khi bước lên máy bay thuê của nước ngoài. Cũng may là có tiếp viên trong nước của đội bay VJ nên hành khách yên tâm hơn. Bên cạnh đó, tại các sân bay, nhiều chuyến bay tiếp tục trễ chuyến từ 15 - 40 phút dù đang là mùa thấp điểm.
Du khách TPHCM tại sân bay Côn Đảo
Trước sự kêu ca về việc tăng giá vé suốt thời gian qua, chẳng hạn tuyến TPHCM - Bình Định, TPHCM - Phú Yên, TPHCM - Đà Lạt... đều trên dưới 2 triệu đồng/lượt; tuyến Hà Nội - TPHCM đạt 4 triệu đồng/lượt, là quá sự chịu đựng của người dân. Công văn của Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không song giá vé vẫn chưa chịu hạ nhiệt.
Không có vé máy bay giá rẻ dịp lễ 30/4
Dù còn một tháng nữa mới tới dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 song giá vé máy bay quốc nội đã được dịp tăng giá theo kiểu "té nước theo mưa". Do dịp này người dân được nghỉ hai ngày theo quy định nên các hãng hàng không tranh thủ "mùa gặt" để bù lại thời gian "đói kém" trước đây. Giá vé trong nước trên một số chặng bay còn cao cả hơn bay đi Thái Lan, Singapore...
Ngày 26/3, thử đặt vé trước sớm, chúng tôi nhận thấy giá vé cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, tuyến bay TPHCM - Hà Nội trong ngày cao điểm từ thứ hai (29/4/2024) niêm yết trên app của Vietnam Airlines (VNE) tổng cộng có 24 chuyến. Chuyến sớm nhất là 5 giờ sáng và cuối cùng là 23 giờ. Giá dao động từ 2,523 triệu đồng (hạng phổ thông) - 7,588 triệu đồng (hạng thương gia)/lượt/người. So với cùng thời điểm này năm ngoái, số lượt "tải" từ 28 chuyến giảm còn 24 chuyến. Tuy nhiên, giá vé hạng thương gia tăng hơn 2 triệu đồng/lượt.
Trong quãng thời gian này, chặng TPHCM - Bình Định và ngược lại cũng có giá vé dao động từ 2,461 - 4,619 triệu đồng/lượt/người. Như vậy, giá vé khứ hồi của VNE đạt gần 5 triệu đồng/lượt/người, cao ngang ngửa với giá vé Tết Nguyên đán vừa qua.
Trước đó, chị Nguyễn Thị Thu Hồng (40 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức), một tín đồ săn vé giá rẻ cho biết, giá vé đang nhích từng ngày. Đầu tháng 3 vừa qua, chị lên app của Vietinbank đặt vé chặng TPHCM - Bình Định ngày 15 - 17/3 để "né” dịp cao điểm 30/4. Khi đi ra Bình Định thì bằng vé của hãng VJ, đi vào TPHCM thì của hãng VU, giá là 3,3 triệu đồng. Nhưng có việc đột xuất, chị Hồng dời sang đi ngày 22 - 24/3 và phải bấm bụng đổi vé, trả thêm 1,2 triệu đồng, bao gồm chi phí đổi vé và giá tiền chênh lệch của ngày bay. Do đã check online, chị Hồng phải gọi lên hãng VJ "tháo" thủ tục trực tuyến trước chuyến bay, sau đó gọi cho Công ty VNPay (liên kết với Vietinbank) để đổi vé, bù thêm phí. Chưa hết, chiều 24/3 từ Bình Định bay hãng VU vào TPHCM, chị Hồng muốn té xỉu vì máy bay không có... máy lạnh, ai nấy đều phản ứng, trong khi tiếp viên thì đầm đìa mồ hôi. Chỉ đến khi máy bay cất cánh, mọi người mới thở được.
Đến hẹn lại lên, giá vé máy bay cứ đến dịp cao điểm là tăng, vì phải "cõng" thêm cả chục loại phí ăn theo. Chẳng hạn, phí của đại lý (60 nghìn đồng), phí an ninh soi chiếu (120 nghìn đồng), phí quản trị mạng (400 - 480 nghìn đồng tùy hãng)...
Thật lạ lùng khi Bộ GTVT chỉ đạo xem lại giá vé nhưng Cục Hàng không là đơn vị quản lý nhà nước của các hãng bay thì như... không hề hay biết. Bởi lẽ, dải vé của một chặng bay có 12 loại từ thấp đến cao. Tuy nhiên, từ giữa cuối tháng 3, đặt vé cho ngày 29 - 30/4 thì giá không hề có loại rẻ (dù cách nhau hơn một tháng). Ví dụ, chặng TPHCM - Bình Định bay vào ngày 29/4, đặt từ ngày 24/3, loại của hãng VJ khứ hồi giá 3,6 triệu đồng trong khi hãng VNE là gần 5 triệu đồng (tương đương giá vé Tết Nguyên đán). Điều này thật vô lý vì gần đến dịp 30/4, dự báo giá vé chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa. Trong khi đó, vào cùng kỳ năm ngoái thì giá rẻ hơn nhiều.
Trong khi giá vé nội địa đang tăng quá cao, nhiều hành khách đã chọn đi du lịch nước ngoài trong dịp 30/4 sắp tới. Đơn cử, du khách chọn tour đi Phú Quốc 4 ngày 3 đêm giá một người 9 triệu đồng, trong khi đi Singapore chỉ 13,5 triệu đồng. Giá đi Singapore - Malaysia (trong đó có một đêm ở tại đảo quốc sư tử), giá chỉ 16,590 triệu đồng, bao gồm cả cặp vé máy bay khứ hồi. Đi ba nước Singapore - Malaysia - Indonesia chỉ có giá 14,9 triệu đồng, bao gồm cả vé máy bay khứ hồi.
Chúng tôi đưa ra mức giá so sánh như vậy để thấy rằng, giá vé máy bay nội địa quá cao sẽ đẩy giá du lịch trong nước "đội" lên chi phí rất nhiều. Chẳng hạn, trong ngày 30/4 nếu bay trong nước, tùy theo đường bay chắc chắn vé khứ hồi sẽ có giá từ 5 - 10 triệu đồng. Điều này sẽ gây thất thu cho du lịch trong nước khi hành khách chọn đi nước ngoài vì vé bay rẻ, lại được phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi tại khách sạn "xịn".
Ngày 18/3 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam công bố số liệu khai thác các chuyến bay đúng giờ, chậm, hủy chuyến 2 tháng đầu năm 2024. Trong đó, top 3 hãng hàng không tại Việt Nam có tỷ lệ số chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) cao nhất toàn ngành gồm VU (83,1%), VASCO (88%), VNE (83,2%). 2 tháng đầu năm là giai đoạn cao điểm của Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tất cả các hãng hàng không đã tăng tần suất khai thác để đáp ứng tối đa nhu cầu di chuyển của hành khách, toàn ngành thực hiện 46.125 chuyến bay.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện hãng VU cho biết đã thực hiện 1.007 chuyến bay an toàn 100%, phục vụ hơn 89.000 hành khách. Kết quả nằm trong top 3 hãng hàng không có tỷ lệ số chuyến bay cất cánh đúng giờ 2 tháng đầu năm. Sắp tới kỳ nghỉ lễ 30/4 và 01/5, dự đoán nhu cầu di chuyển của hành khách sẽ tăng trong giai đoạn này, VU dự kiến tăng tần suất các chặng bay chính như: TPHCM - Hà Nội với tần suất 2 - 3 chuyến khứ hồi/ngày, chặng TPHCM - Đà Nẵng với tần suất 2 chuyến khứ hồi/ngày.