Thận trọng khi giá vàng "nhảy múa"

Thứ Sáu, 29/12/2023 08:32

|

(CATP) Giá vàng miếng SJC gần đây bất ngờ tăng rất nhanh, xô đẩy các kỷ lục với giá đã gây tâm lý bất ổn, có thể tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Ngày 28/12, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng và yêu cầu không để "vàng hóa" nền kinh tế, đánh giá lại thị trường vàng thương hiệu SJC. Và ngay lập tức, giá vàng đã tụt dốc…

Liên tục lập kỷ lục

Giá vàng miếng SJC trong 2 tháng gần đây bất ngờ tăng nhanh và mạnh, đẩy cách biệt giữa 2 thị trường trong nước và thế giới ngày càng lớn. Ngày 26/12, bất chấp thị trường thế giới đi ngang và chỉ tăng nhẹ quanh mốc 2.050USD/ounce, giá vàng miếng trong nước vẫn tiếp tục tăng 2 triệu đồng/lượng và xô đẩy các kỷ lục trên 80 triệu đồng/lượng, đắt hơn giá quốc tế 20 triệu đồng. Và 3 ngày qua, giá vàng SJC vẫn neo quanh mốc cao này. Ước tính, trong 2 tuần mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng 4 triệu đồng.

Trong 2 ngày 26 và 27/12, diễn biến giá vàng nhảy múa cùng một nhịp khi sáng tăng lên trên mốc 80 triệu đồng/lượng, xong lại nhanh chóng giảm vào cuối ngày. Ngày 26/12, tiếp tục là một ngày điên cuồng của giá vàng, từ mức 78,4 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC tăng lên mức 79,5 triệu đồng/lượng rồi 80,3 triệu đồng/lượng vào trưa cùng ngày.

Theo các công ty vàng, trái với cảnh "găm" hàng những ngày trước, khi giá vàng miếng SJC vọt lên 80,3 triệu đồng/lượng, người nắm giữ vàng đã dồn dập bán khiến cho giá vàng miếng SJC giảm mạnh. Lúc 13 giờ 30, giá bán vàng miếng SJC từ 80,3 triệu đồng/lượng rơi về 79,5 triệu đồng/lượng rồi 79 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Đến 14 giờ 14, tại Công ty SJC, giá bán ra là 78,8 triệu đồng/lượng, giá mua vào 77 triệu đồng/lượng. Gần cuối ngày, giá vàng lại bật lên do người đầu cơ vàng bán chốt lời, vàng miếng SJC có giá khoảng 79 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng liên tục thời gian qua

Có yếu tố làm giá?

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), giá vàng trong nước tăng cao liên tục từ đầu tuần đến nay dựa trên nhiều yếu tố, xuất phát từ cung cầu thực tế trên thị trường chứ không phải do doanh nghiệp (DN) làm giá như nhiều suy đoán.

Ông Khánh lý giải, lực mua lớn gần đây xuất hiện khi nhà đầu tư kỳ vọng vào đà tăng ngắn và trung hạn của kim loại quý trên thị trường quốc tế, sau tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ của Mỹ. Dự báo Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất ngay từ tháng 3/2024 và có 3 lần giảm ít nhất trong năm 2024. Yếu tố này làm giảm sức mạnh của USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ nhưng ngược lại củng cố sức mạnh cho vàng. Đồng thời, những yếu tố khác ủng hộ cho vàng như căng thẳng địa chính trị và nhu cầu nữ trang tăng lên theo tính mùa vụ trước Tết cũng như nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương.

Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước tăng cao xuất phát từ việc các kênh đầu tư trong nước khác như lãi suất gửi tiết kiệm giảm sâu, thị trường chứng khoán, bất động sản... đang kém hấp dẫn, nên người dân đổ xô đầu cơ vàng, đặc biệt ở TPHCM và Hà Nội, nhất là vàng miếng SJC để tích trữ.

Cũng theo ông Khánh, trong ngắn và trung hạn, các dự báo vẫn thiên về hướng có lợi cho kim loại quý, qua đó tác động đến giá trong nước. Các ngân hàng và giới phân tích quốc tế dự báo giá vàng vẫn trên đà tăng và còn dư địa đến quý I/2024. Theo đó, giá vàng sẽ thử nghiệm các mốc kháng cự kỹ thuật 2.075USD, 2.100USD và xa hơn là 2.150USD/ounce.

Vàng miếng SJC lên mốc 80 triệu đồng/lượng là mức tăng cao chưa từng có trong lịch sử giá vàng Việt Nam. Ông Khánh phân tích, vàng trong nước tăng một phần chịu ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới tăng. Sau dịp Giáng sinh, giá vàng thế giới duy trì trên mốc 2.060USD/ounce. Tuy nhiên, trước việc tăng giá nhanh và mạnh của vàng trong nước, phần nhiều do tâm lý đám đông kéo nhau đi mua vàng những ngày qua.

Một tuyến phố chuyên kinh doanh vàng tại TPHCM

Các chuyên gia cảnh báo, người dân nên tỉnh táo khi đầu tư vào kênh này khi giá vàng gần đây liên tục tăng nóng. Bên cạnh đó, thị trường vàng phản ánh sự biến động của giá trị tiền tệ và lạm phát. Vì thế, những người muốn đầu tư vào vàng nên theo dõi chặt chẽ các yếu tố này để cân nhắc, đưa ra quyết định đầu tư phù hợp cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp.

SJC độc quyền vàng miếng đã lạc hậu?

Thực tế về vàng miếng SJC, đó là sản phẩm độc quyền của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn. Các DN, các cửa hàng kim hoàn kinh doanh vàng miếng hiện nay thực chất chỉ là người bán hàng cho SJC hưởng hoa hồng.

Trong khi SJC cũng không có nguồn hàng nhiều để bán, vì từ sau khi Nghị định 24/2012 có hiệu lực cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cho nhập thêm vàng và Công ty SJC cũng không được dập thêm vàng mới mà chỉ gia công một số lượng vàng bị móp méo, nên số lượng tung ra thị trường rất ít, chủ yếu mua đi bán lại. Đó là lý do khi giá vàng tăng lên, người dân đi mua nhiều, cung thấp hơn cầu làm cho tình trạng khan hàng, cháy hàng diễn ra, khiến giá vàng SJC tăng cao và khi người dân thấy giá vàng cao lại đổ xô đi bán nên giá vàng lại xuống thấp.

Giới đầu tư vàng trong nước từ hơn 10 năm qua phải luôn luôn nhìn về các DN được phép kinh doanh vàng miếng, đặc biệt là SJC - DN duy nhất được Nhà nước giao sản xuất độc quyền vàng miếng bán trong nước. Tình trạng này dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các DN, trong hoạt động kinh doanh vàng miếng, trong khi người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác với giá rẻ hơn vàng SJC, mặc dù chất lượng như nhau.

Cuối năm 2020, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị NHNN không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền. NHNN nên cấp phép cho một số DN đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo khối lượng, tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước. Cách làm này sẽ có thêm một lượng lớn vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng.

Hiệp hội Kinh doanh vàng còn kiến nghị cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế để bảo đảm không tạo ra chênh lệch lớn về giá vàng trong nước và thế giới như hiện nay, đồng thời có tính thanh khoản cao, đẩy lùi hoạt động xuất, nhập khẩu lậu vàng đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.

Thị trường vàng miếng độc quyền, cung - cầu bị kiểm soát như hiện nay, việc giá vàng tăng cao hơn bình thường tất yếu sẽ xảy ra. Mức giá vàng miếng chênh lệch tới 16 triệu đồng so với vàng nhẫn là vô lý. Cách giải quyết nhiều vấn đề nóng của giá vàng hiện nay là nên ngưng độc quyền sản xuất vàng miếng. Nhà nước chỉ kiểm soát nguồn cung, việc sản xuất có thể cho các DN khác cùng tham gia, hoặc sử dụng vàng tích trữ trong dân cư để sản xuất vàng miếng, góp phần hạ nhiệt nhu cầu vàng miếng của thị trường.

Đến 12 giờ ngày 28/12, vàng vẫn tiếp đà tăng cả ở thị trường trong nước và thế giới. Vàng miếng SJC giao dịch ở mức 79,2 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn lập đỉnh mới vượt mốc 64 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tăng mạnh, neo ở mức 2.087 USD/ounce. Thế nhưng sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bình ổn thị trường vàng, giá vàng tuột dốc không phanh. Lúc 14 giờ 15, giá vàng miếng SJC chỉ còn 76 triệu đồng/lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 1426 gửi thống đốc NHNN Việt Nam; các bộ ngành liên quan chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Công điện chỉ ra tình hình thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Thủ tướng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước. Thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền; dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia...

Cần đánh giá tổng thể thị trường vàng, bao gồm sản xuất và kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức... để có giải pháp quản lý, bảo đảm khả thi, hiệu quả, đúng quy định, gắn với hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Mục tiêu nhằm phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững.

Bình luận (0)

Lên đầu trang