Lo ngại rủi ro nên DN thường niêm yết giá vàng ở mức cao

Thứ Tư, 08/06/2022 22:18

|

(CAO) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng giải đáp trước phản ánh của đại biểu về “diễn biến không bình thường” của thị trường vàng miếng trong nước.

Gửi đến Thống đốc Nguyễn Thị Hồng vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (Hà Nội) phản ánh diễn biến không bình thường của thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước.

Theo đại biểu, từ đầu năm 2022 đến nay thị trường này có rất nhiều điểm bất ổn và bất hợp lý, đặc biệt là chênh lệch quá cao về giá vàng tại Việt Nam với giá vàng trên thị trường thế giới, có lúc lên đến trên 20 triệu đồng trên một lượng.

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ chất vấn Thống đốc NHNN

Tương tự, chênh lệch “quá khắc nghiệt” giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng trang sức SJC cùng hàm lượng hoặc với giá vàng miếng của các thương hiệu khác, theo bà Thuỷ, đã gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và làm gia tăng lạm phát.

“Đề nghị Thống đốc cho biết trách nhiệm của NHNN đối với tình trạng trên. NHNN đã tiến hành thanh tra, kiểm tra yếu tố hình thành giá khi giá vàng miếng biến động bất thường hay chưa?” – đại biểu Thuỷ nêu câu hỏi và đặt nghi vấn “liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không?”.

Trả lời đại biểu Thuỷ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích, giá vàng chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố, như chỉ số đồng USD hay căng thẳng chính trị giữa Ukraine và Nga. Rồi một loạt các sự kiện về thương mại, chính trị khác cũng tác động đến giá vàng và khó lường.

“Chúng ta thấy rất rõ là có thời điểm giá vàng thế giới tăng lên đến 2.000 USD/ounce, nhưng cũng có những thời điểm giá vàng lại xuống mức khoảng 1.700 hay 1800 USD/ounce” – bà Hồng chứng minh biến rất khó lường của giá vàng.

Ở trong nước, theo lãnh đạo NHNN, giá vàng có cùng xu hướng với giá vàng của thế giới, nhưng tốc độ điều chỉnh tăng của giá vàng trong nước nhanh hơn và tốc độ điều chỉnh giá vàng xuống thì lại chậm hơn giá vàng của thế giới.

Cũng theo Thống đốc, giá vàng của các thương hiệu khác ngoài SJC, tức là vàng nguyên liệu, về cơ bản, chênh lệch giá vàng trong nước so với quốc tế khoảng 2 triệu đồng một lượng. Riêng giá vàng SJC tăng ở mức lớn, khoảng 16-17 triệu/lượng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Nêu nguyên nhân, bà Hồng cho biết, thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế, từ năm 2012 thực hiện Nghị định số 24, đặc biệt là từ năm 2014 trở lại đây, NHNN không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, khiến nguồn cung vàng miếng trong nước bị giảm đi, vì có thể một phần vàng đó được chuyển sang sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Nguyên nhân nữa, Thống đốc chỉ ra, do lo ngại rủi ro, nên các doanh nghiệp thường niêm yết giá rất cao. “Với SJC là một thương hiệu vàng mà người dân ưa chuộng hơn cả, cho nên họ niêm yết giá cao” - Thống đốc nhận định.

Nhận thức về vai trò quản lý Nhà nước trong trong vấn đề này, người đứng đầu NHNN khẳng định “đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để can thiệp khi cần thiết”.

Tuy nhiên, qua tổng hợp số liệu của các tổ chức kinh doanh vàng, NHNN nhận thấy người dân cũng không có nhu cầu mua vàng miếng nhiều. Vì lẽ này, bà Hồng nói NHNN chưa tổ chức thực hiện nhập khẩu về để can thiệp.

“Khi nhập khẩu vàng thì chúng tôi cũng sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước của quốc gia để nhập khẩu vàng về để can thiệp. Nhưng với nhu cầu thị trường hiện nay thì NHNN thấy chưa cần triển khai giải pháp này” – Thống đốc thông tin.

Tranh luận trở lại, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ đánh giá rất cao việc điều hành thị trường vàng, quản lý các hoạt động kinh doanh vàng của NHNN để tránh tình trạng vàng hóa thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu Thuỷ đặt vấn đề, liệu việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay hay không?

“Bởi vì cũng là vàng miếng, cũng đúc như thế, chỉ không phải là thương hiệu SJC thì hiện nay giá trên thị trường chỉ có tầm 54.500.000. Như thế chênh nhau 15 triệu đồng” – đại biểu Thuỷ bình luận.

Đại biểu của Hà Nội nhìn nhận, nếu xét về mặt giá thành hay xét về mặt giá thế giới thì chênh lệch như thế là quá lớn.

Chia sẻ quan điểm với đại biểu Thuỷ, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phàn nàn, có lẽ Việt Nam là nước duy nhất đi ngược với thế giới, nghĩa là khi nào giá vàng thế giới giảm thì chúng ta lại tăng, có những lúc lên đến khoảng cách gần 20 triệu.

“Tôi nghĩ đây là chuyện không thể chấp nhận được. Tất nhiên để phân tích sẽ có nhiều vấn đề, nhưng đằng sau câu chuyện này có làm lợi cho doanh nghiệp, tổ chức nào hay không thì cần phải phân tích, đánh giá kỹ” – ông An nhận định.

Nói rõ không ủng hộ việc tích lũy vàng, song đại biểu Trịnh Xuân An đánh giá, “quy luật kinh tế như thế là rất có vấn đề”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang