Không được phân biệt đối xử với các tổ chức tài chính vi mô

Thứ Tư, 08/06/2022 20:54

|

(CAO) Góp phần lớn vào giải quyết nạn tín dụng đen song các tổ chức tài chính vi mô đang rất khó khăn trong việc huy động được nguồn lực cho vay.

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chiều nay (8/6), đại biểu Trần Thị Diệu Thuý (TPHCM) phản ánh, để góp phần giải quyết nạn tín dụng đen đang hoành hành gây bức xúc hiện nay, các đoàn thể đã thành lập các tổ chức tài chính vi mô hỗ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm tại cơ sở.

Dẫn chứng, bà Thuý cho biết, công đoàn có tổ chức tài chính vi mô CEP, hội phụ nữ có tổ chức tài chính vi mô tình thương TYM…

Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

“Với số vốn lưu động hàng chục ngàn tỷ đồng và đã phát vay hơn 5 triệu lượt cá nhân, hộ gia đình nghèo, các tổ chức tài chính vi mô góp phần hiệu quả trong cho vay vốn tín chấp, giải ngân nhanh để giải quyết các vấn đề cấp bách trong cuộc sống” – bà Thuý thông tin.

Tuy nhiên, theo đại biểu, các tổ chức tài chính này đang gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng Thông tư 03 do khác biệt với Luật các tổ chức tín dụng và Quyết định số 20 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, sau đại dịch Covid-19, nhiều người dân, đặc biệt là nhóm lao động tự do, công nhân, hộ gia đình nghèo có nhu cầu vay vốn rất lớn nhưng các tổ chức tài chính vi mô này lại thiếu vốn trầm trọng. Đại biểu hỏi Thống đốc có giải pháp và chính sách gì để giải quyết hai vấn đề trên?

Hồi âm đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận hiện các quỹ tài chính vi mô đang gặp khó trong huy động được nguồn lực để cho vay.

“Chúng tôi đã tổng hợp để có thể đánh giá, rà soát, để trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung xây dựng các văn bản sửa đổi” – bà Hồng cho biết.

Với khó khăn liên quan đến Thông tư 03, bà Hồng nói, Quỹ tài chính vi mô thì không được thực hiện các dịch vụ thanh toán như là các các ngân hàng khác nên trong hoạt động cũng có những khó khăn, vướng mắc khi cho vay thu nợ. “Điểm này chúng tôi cũng sẽ tiếp thu và sẽ nghiên cứu khi xây dựng các văn bản sửa đổi” – bà Hồng cam kết.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn ĐBQH

Quan tâm đến việc này, Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc phát triển tổ chức tài chính vi mô là một trong những nội dung rất quan trọng của chiến lược tài chính toàn diện trong nhiệm kỳ trước. Chủ trương này đã hỗ trợ rất nhiều việc tiếp cận vốn của các đối tượng, nhất là những người yếu thế và là một trong những giải pháp phòng, chống tín dụng đen rất hiệu quả. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức tài chính vi mô phát triển, không gây khó khăn, không phân biệt đối xử.

Cho biết trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang thảo luận, Quốc hội cũng đồng ý đưa vào phần bảo hiểm vi mô vào, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát lại Thông tư 03 cho phù hợp.

Đề cập đến tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ… do có tên, số điện thoại trong danh bạ của người vay tiền qua các ứng dụng vay online, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) chất vấn: “Thống đốc sẽ triển khai biện pháp nào để từng bước hạn chế các hành vi nêu trên?".

Trả lời, Thống đốc thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và cũng thấy được cần phải sửa đổi các văn bản quy định pháp luật để ngăn chặn hiện tượng này.

“Hiện Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay của các công ty tài chính cũng đã có những chỉnh sửa theo hướng là các công ty không được đòi nợ theo các biện pháp đe dọa và cũng quy định rõ là thời gian để đòi nợ phải từ 9h đến 21h...”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang