ĐBQH “sốt ruột” vì sách giáo khoa chưa được đưa vào diện bình ổn giá

Thứ Tư, 08/06/2022 12:26

|

(CAO) Chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nhiều đại biểu nêu câu hỏi việc kê khai giá sách giáo khoa. Đại biểu hỏi Bộ trưởng có đưa mặt hàng vào diện bình ổn giá hay không?

Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc kê khai giá sách giáo khoa vẫn được doanh nghiệp thực hiện. Nhà nước chỉ thẩm định giá với những loại sản phẩm được mua bằng ngân sách, còn với mặt hàng này người mua sẽ lựa chọn chỗ tốt, rẻ nhất trên tinh thần minh bạch, công khai.

Về chất vấn có đưa sách giáo khoa vào diện bình ổn giá hay không, Bộ trưởng Tài chính cho biết, cơ quan này cùng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã họp bàn, thống nhất sẽ báo cáo Thủ tướng, đưa mặt hàng sách giáo khoa vào Luật Giá, nhưng việc này có được quyết định hay không thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn ĐBQH

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) thắc mắc, không hiểu vì sao hai năm qua, Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Bộ Giáo dục - Đào tạo đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính nhưng chưa thấy trả lời về việc đề xuất quản lý khung giá sách giáo khoa.

“Việc này không phải trách nhiệm của riêng Bộ trưởng, nhưng cử tri và đại biểu mong muốn được giải thích rõ là có khó khăn gì trong việc đưa giá sách giáo khoa vào diện bình ổn giá” – đại biểu nêu.

Lưu ý đã lỡ nhịp mấy năm học rồi, đại biểu của Kiên Giang đề nghị cần nói rõ để phụ huynh và học sinh biết khi nào giá sách giáo khoa ở mức phù hợp, lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, nhà nước, học sinh, phụ huynh.

Cũng nhìn nhận về câu chuyện này “đã được nói từ lâu rồi”, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị sớm đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa đặc biệt, cần thẩm định giá.

“Nhà nước trợ giá cho học sinh vùng khó khăn càng sớm càng tốt. Luật Giá sắp tới cần phải sửa đổi điều này một cách tốt nhất” – ông Trí nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu nêu ý kiến tại buổi chất vấn

Trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói ý kiến trợ giá sách giáo khoa cho học sinh vùng sâu, vùng xa là rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc này do Quốc hội xem xét, quyết định. Ông đồng thời hoan nghênh việc sách giáo khoa là mặt hàng phải kê khai giá trong Luật Giá.

Được Chủ tịch Quốc hội mời lên giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, thời gian gần nhất sẽ phối hợp với Bộ Tài chính làm thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội để có giải pháp ổn định lâu dài cho giá sách giáo khoa.

“Bộ đang tích cực biên soạn thông tư mới về quy chuẩn mới sách giáo khoa cho phù hợp, điều này cũng sẽ tác động vào giá sách” – Bộ trưởng Sơn nhận định.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình thêm về giá SGK

Đề cập đến yêu cầu doanh nghiệp sách giáo khoa giảm chi phí, cạnh trannh lành mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đã và đang làm. Tuy nhiên việc này sẽ thực hiện với Nhà Xuất bản Giáo dục (thuộc Bộ), còn với các doanh nghiệp khác thì tác động, chỉ đạo “khó khăn hơn”.

Hiện theo lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo, cơ quan quan này đã có thông tư quy định nghiêm cấm hiệu trưởng giáo viên ép buộc, gợi ý phụ huynh mua sách không thuộc danh mục đã được Bộ trưởng ký ban hành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang