Xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%

Thứ Ba, 07/06/2022 13:53

|

(CAO) Bộ trưởng Lê Minh Hoan phản ánh điều này tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn chiều nay (7/6). Bộ trưởng Hoan là thành viên Chính phủ đầu tiên lên "ghế nóng" trả lời chất vấn đại biểu tại kỳ họp này. 

Chiều nay (7/6), phiên chất vấn các thành viên Chính phủ sẽ bắt đầu với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Trước phiên trả lời, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi đại biểu báo cáo những vấn đề thuộc lĩnh vực ông phụ trách.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 3

Tại báo cáo này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, bất chấp những khó khăn về thị trường xuất khẩu thời gian qua, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%, thặng dư thương mại đạt 5,1 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ.

Đã có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất), trong đó rau quả 1,5 tỷ USD, gạo 1,4 tỷ USD (2,9 triệu tấn), cá tra 1,2 tỷ USD, tôm 1,9 tỷ USD. Các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất (Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 28%, tăng 17,1%; Trung Quốc chiếm 17,8%, tăng 6,8% và Nhật Bản chiếm 7%, tăng 19,5%).

​Theo chương trình, nội dung chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan là các vấn đề mà đại biểu đặt ra trong lĩnh vực ông phụ trách, gồm công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản.

Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp; việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững cũng là những nội dung dành cho Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

“Chia lửa” với ông Hoan có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhiều loại quả tươi chủ lực như xoài, thanh long, chanh leo, nhãn, vải... đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand, Trung Quốc, Trung Đông, ASEAN…

Hiện Việt Nam đang đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản chủ lực như: sầu riêng, khoai lang, ớt, chanh leo, nhãn, bưởi sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand…

Về sản phẩm chăn nuôi, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu sản phẩm thịt gà sang Hàn Quốc, Singapore, EU, Anh, các nước Trung Đông và đang thúc đẩy xuất khẩu tổ yến, bột cá và dầu cá sang Trung Quốc.

Dù vậy, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, hệ thống cơ sở hạ tầng, kho bãi, kho lạnh bảo quản nông sản tại vùng nguyên liệu, hệ thống kho ngoại quan tại khu vực cửa khẩu chưa đồng bộ. Việc này dẫn đến tình trạng ùn ứ phương tiện trong xuất, nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc khi nước bạn áp dụng nghiêm ngặt chính sách phòng chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, công tác phổ biến nhu cầu, thị hiếu tại nước sở tại và quy định của thị trường nhập khẩu có lúc còn bị động. Vai trò của các hiệp hội ngành hàng với các hội viên còn hạn chế. Các doanh nghiệp xuất khẩu chưa nhận thức đủ về yêu cầu quy định của thị trường.

Nhận định thị trường tiêu thụ nông sản chưa ổn định, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra, chi phí giá thành còn cao dẫn tới hiệu quả kinh tế một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Bên cạnh đó, công tác đàm phán kỹ thuật thường kéo dài, nhiều mặt hàng nông sản có lợi thế vẫn chưa được cấp phép xuất khẩu để tận dụng các ưu đãi từ cắt giảm thuế quan thực thi các FTAs đã có hiệu lực.

Khẳng định, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa thủ tục, Bộ trưởng Hoan dẫn chứng, đã cắt giảm, đơn giản hóa 73% số điều kiện kinh doanh. Đặc biệt, tổng số sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ chỗ có 251 nhóm sản phẩm với gần 7.700 dòng hàng (5 năm trước) đã được cắt giảm tới 78%…

Ngoài ra, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của Bộ này năm 2016 là 508 thủ tục, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 344 thủ tục (chiếm tỷ 67,7%).

Ước tính số tiền tiết kiệm từ việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC khoảng gần 2.000 tỷ đồng.

Vẫn theo Bộ trưởng Hoan, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa thủ tục; cắt giảm, đơn giản hóa 73% số điều kiện kinh doanh. Tổng số sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ chỗ có 251 nhóm sản phẩm với gần 7.700 dòng hàng (5 năm trước) đã được cắt giảm tới 78%… Tuy nhiên, ông Hoan nhìn nhận, một số thủ tục vẫn còn rườm rà, phức tạp; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công còn yếu.

Chưa hết, dù chuyển đổi số trong nông nghiệp đòi hỏi phải có hạ tầng số và hệ thống dữ liệu (cây trồng, vật nuôi, văn bản chính sách đã được số hóa) đồng bộ, hiện đại song theo Bộ trưởng, hạ tầng kết nối còn lạc hậu và chi phí 3G, 4G cao, chưa tạo cơ hội cho nông sản ở vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại điện tử.

Bình luận (0)

Lên đầu trang