Bà Ngô Thị Huệ - phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từ trần

Thứ Ba, 07/06/2022 06:40

|

(CAO) Linh cữu bà Ngô Thị Huệ quàn tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp). Lễ viếng lúc 9 giờ ngày 7-6-2022. Lễ truy điệu lúc 8 giờ ngày 9-6-2022. An táng tại Nghĩa trang TP (TP.Thủ Đức, TPHCM).

Chiều 6-6, Ban Tổ chức Trung ương, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Quận ủy - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 3, Chi bộ Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin bà Ngô Thị Huệ (Nguyễn Thị Ngỡi, Nguyễn Thị Nhiên, Bảy Huệ) - cán bộ lão thành cách mạng, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - đã từ trần lúc 20 giờ ngày 5-6-2022.

Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp). Lễ viếng lúc 9 giờ ngày 7-6-2022. Lễ truy điệu lúc 8 giờ ngày 9-6-2022. An táng tại Nghĩa trang TP (TP.Thủ Đức, TPHCM).

Lãnh đạo TPHCM trân trọng trao Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng tặng bà Ngô Thị Huệ vào năm 2020. Ảnh:Việt Dũng

Bà Ngô Thị Huệ sinh năm 1918, quê quán xã Mỹ Quới, huyện Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay là xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng). Bà nguyên là Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, IV; nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương.

Bà Ngô Thị Huệ được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng.

Năm 1938, bà Ngô Thị Huệ là Huyện ủy viên huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh; đến năm 1939 được điều động về làm Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cần Thơ; đến năm 1940 là Ủy viên liên Tỉnh ủy Hậu Giang, Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Năm 1941, bà bị địch bắt, đến năm 1942 bà bắt liên lạc với Thành ủy Sài Gòn, nối liên lạc với liên Tỉnh ủy Hậu Giang, sau đó lại bị bắt lần 2, kết án tù chung thân, giam tại khám Catina (khám Chí Hòa) Sài Gòn.

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhờ lực lượng tiến bộ vận động, bà được thả về tỉnh Bạc Liêu, trúng cử nghị sĩ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I. Năm 1948, bà trở về Sài Gòn là Thường vụ Thành ủy Sài Gòn.

Năm 1952, bà công tác tại Ban Tổ chức Trung ương Cục Miền Nam, Đảng đoàn phụ nữ Nam Bộ và Ban Phụ vận Nam Bộ. Năm 1962, bà công tác tại Ban Tổ chức Trung ương, tham gia Vụ phó, rồi Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ miền Nam.

Năm 1979, bà nghỉ hưu, tham gia công tác củng cố xây dựng Đảng, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quản lý cán bộ TPHCM, dành nhiều tâm huyết, dồn công sức vận động xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Năm 1994 đến nay, bà tham gia Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM.

Năm 1997, bà cùng các nữ cán bộ cách mạng lão thành trong Tổ sử phụ nữ Nam Bộ được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất.

Năm 2012, với những công lao, thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, bảo vệ đất nước, bà Bảy Huệ vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang