(CAO) Việc triển khai 3 dự án sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, sáng nay (6/6), Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về Chủ trương đầu tư giai đoạn 1 các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa -Vũng Tàu.
Quốc hội nghe Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trình 3 dự án đường bộ cao tốc phía Nam
Việc sớm đầu tư 3 dự án này, theo Chính phủ, là hết sức cấp thiết, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trình Quốc hội, Bộ trưởng Thể cho biết, Chính phủ đã xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù và nếu được áp dụng, dự kiến tiến độ các dự án như sau: chuẩn bị đầu tư năm 2022, khởi công năm 2023, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu cơ bản hoàn thành năm 2025; dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành một số đoạn có lưu lượng lớn năm 2025 và toàn tuyến năm 2026.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7 km qua 02 tỉnh, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe.
Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.
Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2 km qua 4 tỉnh/thành phố, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.
Tổng diện tích đất chiếm dụng của dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột khoảng 938 ha; dự án Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 519 ha, dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 1.205 ha.
Cả ba dự án đều đầu tư công, sau khi đưa vào khai thác sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước.
Sơ bộ tổng mức đầu tư các dự án khoảng 84.463 tỷ đồng. Trên cơ sở tiến độ triển khai 3 dự án, dự kiến nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 60.124 tỷ đồng, chuyển tiếp giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 24.339 tỷ đồng.
Về nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến bố trí từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dự kiến phân bổ cho 3 dự án khoảng 26.147 tỷ đồng.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải sau khi rà soát, sắp xếp lại khoảng 2.203 tỷ đồng. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 9.620 tỷ đồng. Tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 13.796 tỷ đồng.
Ngân sách địa phương khoảng 8.358 tỷ đồng.
Trong 2 năm 2022, 2023, Chính phủ ưu tiên giải ngân hết toàn bộ nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.
"Dù tỷ trọng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ chiếm khoảng 11,3% trong tổng nguồn vốn của 3 dự án nhưng nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp thứ 3, thời gian giải ngân nguồn vốn này chỉ còn khoảng 1 năm" - Bộ trưởng Thể báo cáo.
Vẫn theo ông Thể, 3 dự án đều đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí và có quy mô, lĩnh vực, tính cấp thiết đáp ứng các quy định về trường hợp áp dụng cơ chế đặc thù của Quốc hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Chính phủ kiến nghị 3 dự án được áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.